Việc cúng giỗ, dự đại lễ online đã được một số nghĩa trang triển khai gần chục năm nay.
“Đóa hồng cài áo” online và kêu gọi Quỹ hỗ trợ COVID
Lễ Vu lan xuất phát từ tích truyện Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Kể từ khi Phật giáo được truyền vào Việt Nam, ngày lễ Vu lan (ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt.
Theo Phật giáo có 4 ân nặng gọi là tứ trọng ân, trong đó có ân Tam bảo, ân quốc gia dân tộc, ân những bậc nuôi dạy mình nên người, ân chúng sinh vạn loại. Tứ trọng ân này còn là nền tảng đạo đức, truyền thống văn hóa phương Đông.
Vu lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.
Tháng Bảy âm lịch hằng năm là tháng Vu lan báo hiếu, lễ hội văn hóa không riêng của phật tử mà của nhân dân nhằm tri ân, báo ân, báo hiếu cửu huyền thất tổ, tri ân anh linh các anh hùng liệt sĩ.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ: “Mùa lễ Vu lan năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc thù khi đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Trong bối cảnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích tổ chức đại lễ Vu lan trực tuyến, chuyển tâm thiện thành hành động thiết thực”.
Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, có nơi vẫn tổ chức đại lễ Vu lan nhưng có những tỉnh Giáo hội có văn bản yêu cầu không tổ chức. Khuyến khích các khóa lễ Vu lan, lễ hội Bông hồng cài áo tổ chức dưới hình thức trực tuyến để có mùa Vu lan trọn vẹn trong bối cảnh chống dịch.
Năm nay, cũng như nhiều chùa, cơ sở tự viện trên cả nước, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội sẽ tổ chức lễ Vu lan theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của 500 tăng ni sinh. Buổi lễ sẽ được phát trực tuyến qua các trang Facebook: Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội; Phật sự Học viện, phát lại trên website khuongviet.vn và một số kênh Youtube…
Nhiều người dân đã tăng cường các khóa lễ Vu lan bằng hình thức trực tuyến online, cũng như việc đăng ký cầu siêu cho cửu huyền thất tổ qua các ứng dụng trực tuyến, Phật sự Online, mạng xã hội Phật giáo Butta... của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Người dân có thể đăng ký cầu siêu trực tuyến để các chư Tôn đức làm lễ. Như vậy vẫn đảm bảo được nhu cầu tâm linh, đảm bảo sự thành kính và bày tỏ lòng tri ân…”.
Tại một số chùa tổ chức Đại lễ Vu lan online sớm, khi các Hòa thượng giảng về đạo hiếu, ý nghĩa và nghi thức bông hồng gài áo, rất nhiều người ngồi trước màn hình máy vi tính, điện thoại không giấu nổi sự xúc động khi nhớ tới công sinh thành của bố mẹ. Những ai còn cha, còn mẹ sẽ cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm tự hào với niềm hạnh phúc vô biên, vì còn cha còn mẹ là còn tất cả, còn những nghĩa tình cao quý.
Còn đóa hồng màu trắng như một nỗi buồn bất hạnh, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung da diết khi đã mất cả cha mẹ. Những vong nhân đã khuất cảm thấy ấm áp mà bỏ qua những oan trái, thù hận. Họ được siêu sinh giải thoát miền tây phương cực lạc.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng nêu tình trạng một số người ưa cúng lễ rềnh rang, mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã vô tội vạ nhưng lại đối xử với cha mẹ không tốt, thậm chí hắt hủi cha mẹ, ông bà. Đây là sự suy đồi đạo đức, không hiểu đúng tinh thần báo ân báo hiếu của Đức Phật dạy. “Trong kinh Phật dạy: “Dù cho vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi khắp thế gian này cũng không đền đáp được công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ…”.
Cùng với đó, Giáo hội Phật giáo kêu gọi các tăng ni, phật tử hãy thể hiện tinh thần tri ân, báo hiếu trong mùa Vu lan năm nay bằng việc tiếp tục ủng hộ quỹ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và Quỹ vaccine COVID-19 để chung tay cùng các cấp chính quyền đảm bảo mọi người đều được tiêm vaccine miễn phí và bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân. Ngoài ra, các tăng ni, phật tử tiếp tục thiện nguyện cứu trợ các hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Thắp hương tưởng nhớ bố mẹ từ Tâm
Việc cúng giỗ, dự đại lễ online đã được một số nghĩa trang triển khai gần chục năm nay, nhưng có lẽ “mùa COVID”, việc cúng giỗ, dự đại lễ này được phát huy tối đa. Dịp Vu lan mọi năm, lượng người dân đổ về tảo mộ, thắp hương cũng như chăm lo đến phần mộ của gia tiên tại các nghĩa trang thường đông đúc lên tới hàng nghìn người.
Tuy nhiên, Tết Vu lan năm nay theo ghi nhận tại một số nghĩa trang cho thấy lượng người đến tảo mộ thưa vắng. Người dân đã tận dụng công nghệ 4.0 để tưởng nhớ bố mẹ, người thân đã khuất đầy văn minh nhưng không kém phần trang trọng.
Dịch bệnh diễn biến căng thẳng đúng vào dịp Lễ Vu lan, nhiều gia đình đã không đến trực tiếp, thay vào đó đặt cúng giỗ online.
Những ngày gần kề rằm tháng 7, tại Công viên nghĩa trang tâm linh Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn - Hòa Bình), một số nhân viên đeo khẩu trang, cần mẫn dọn dẹp phần mộ và dâng mâm cỗ, đĩa hoa quả, kính cẩn thắp hương tại phần mộ người quá cố.
Chị Nguyễn Hoa, nhân viên nghĩa trang cho hay: “Dịch bệnh diễn biến căng thẳng đúng vào dịp Lễ Vu lan, nhiều gia đình đã không đến trực tiếp, thay vào đó đặt cúng giỗ online”. Bên cạnh chị, một nhân viên nam mặc bộ vest lịch sự trang nghiêm livestream, chụp ảnh về cho người thân của người quá cố ở xa hay hạn chế dịch bệnh mà không thể tới trực tiếp thắp hương. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVD-19 nên số người tham gia dịch vụ cúng giỗ, dự lễ Vu lan online tăng đột biến.
Những người thân của người quá cố có thể thăm phần mộ gia tiên thông qua hình ảnh trực tuyến, sắp mâm cỗ với đầy đủ đồ chay, mặn; xem hình ảnh, video, cảnh thắp hương, cúng khấn chu đáo…
Về phía gia đình, các thành viên sửa soạn bày lễ dâng hương tại nhà, trang phục gọn gàng, trang nghiêm, mở màn hình thiết bị hỗ trợ như: tivi, máy chiếu, ipad… để cùng làm lễ với nhà chùa và các sư thầy cầu an, cầu siêu cho những người thân đang an nghỉ tại Lạc Hồng Viên.
Đại đức Thích Trí Thịnh - Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình, trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho hay: “Cúng lễ mộ trực tuyến, hướng mỗi người trở về tiên tổ. Là người con, hãy ghi nhớ lời Phật dạy để hàng ngày tu niệm, hồi hướng công đức về cho tiên nhân của mình, thành tâm chí kính, niệm phật, tụng kinh, cúng dường Tam Bảo, cúng dường chư Tăng để Cha Mẹ bình an, phước lộc thọ khang, gia đình hạnh phúc”.
Ngoài ra, vào ngày 12/7 âm lịch, chùa Kim Sơn Lạc Hồng cũng sẽ tổ chức đại lễ Vu lan báo hiếu, được các sư tăng, tăng ni, phật tử làm lễ online. Theo Đại đức Thích Trí Thịnh: “Quan trọng nhất với những người con Phật là chữ Tâm. Vì vậy, dù chúng ta trực tiếp tham dự hay qua các hình thức gián tiếp, nhưng tâm của chúng ta hướng về tổ tiên ông bà, cha mẹ bằng việc làm, hành động tốt thì đều thể hiện được sự hiếu thảo, trọn vẹn tâm hiếu, ông bà tổ tiên vẫn chứng tâm, chứng dám cho lòng thành của chúng ta. Trong mùa Vu lan năm nay, sống có trách nhiệm với bản thân, là có trách nhiệm với gia đình, với xã hội. Cũng chính là làm tròn chữ “Ân” đầu tiên trong Tứ Trọng Ân mà Đức Phật đã chỉ dạy. Đó là Ân Tổ quốc”.
Dù thực hiện qua hình thức trực tuyến, online, nhưng mọi khâu từ chuẩn bị, lễ vật, đồ cúng, quần áo chúng sinh, khóa lễ đều diễn ra trang nghiêm, thanh tịnh, đầy đủ và thiêng liêng nhất”.
Có thể thấy, dù dịch bệnh COVID đã làm ảnh hưởng rất nhiều tới thói quen, sinh hoạt, hoạt động của chúng ta, nhưng nhờ sự tiến bộ của khoa học công nghệ, nhờ ứng dụng sự văn minh, linh hoạt của internet, mạng xã hội, dường như mọi khoảng cách, trở ngại được xóa nhòa. Dịch vụ cúng giỗ online nói chung và Vu lan online nói riêng đã phần nào đáp ứng được tâm nguyện của mọi người trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay.
Bảo Châu -Pháp luật Plus