Đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú trường học

06/09/2022 14:16

Kinhte&Xahoi Năm học 2022 - 2023 đã chính thức bắt đầu. Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giáo dục, các nhà trường cũng nỗ lực không ngừng để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong thời gian đến trường. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Kiểm soát an toàn thực phẩm bếp ăn trường học

 Theo thống kê, Hà Nội có khoảng 4.526 cơ sở giáo dục, trong đó có 4.538 bếp ăn tập thể và căng tin trường học.

Trong số 4.538 trường học trên có 3.736 trường khối mầm non, 535 trường tiểu học, 200 trường trung học cơ sở và 67 trường trung học phổ thông. Số trường tự tổ chức nấu ăn chiếm 87%. 484 trường còn lại liên kết ký hợp đồng với nhà thầu và 87 trường ký hợp đồng cung cấp suất ăn đưa từ bên ngoài vào.

Bữa ăn bán trú đầu năm học mới 2022 - 2023 của học sinh trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Hà Đông, Hà Nội)

Các hình thức bếp ăn tập thể trường học đang triển khai gồm tự tổ chức nấu, liên kết ký hợp đồng với nhà thầu, ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn (trung bình khoảng 480 - 500 suất ăn/ngày/trường).

Những năm qua, trường Tiểu học Khương Mai, quận Thanh Xuân luôn chú trọng, thực hiện tốt các điều kiện bảo đảm ATTP cho bếp ăn bán trú. Trường đã kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển; Tuân thủ quy trình giao - nhận, lưu mẫu theo quy định. Đồng thời, trường phối hợp với phụ huynh kiểm tra thực tế nguồn gốc nguyên liệu của đơn vị phục vụ suất ăn bán trú, từ đó đánh giá năng lực, lựa chọn đơn vị có uy tín cung cấp suất ăn tại trường.

Đặc biệt, trường công khai đơn vị cung cấp suất ăn, đảm bảo suất ăn đúng thực đơn; Tạo điều kiện để phụ huynh tham gia giám sát chất lượng bữa ăn. “Trong trường hợp xảy ra mất ATTP tại bếp ăn của nhà trường, hiệu trưởng có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý và đơn vị cung cấp suất ăn để xử lý kịp thời, làm rõ nguyên nhân”, Hiệu trưởng trường Tiểu học Khương Mai Chu Thị Thu Hương nhấn mạnh.

Còn tại trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhà trường đánh giá việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chế biến thực phẩm rất quan trọng. Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm 2019, trường được quận đã được xây mới đồng bộ hệ thống bếp ăn khang trang, hiện đại với tổng số tiền đầu tư hơn 1,1 tỷ đồng...

Hàng năm, trường luôn rà soát, tu bổ, sửa chữa cơ sở vật chất, trong đó, năm học 2021 - 2022, trang bị thêm 5 tủ úp khay chia cơm của học sinh có lưới chắn côn trùng. Nguồn nước ăn cũng được xét nghiệm định kỳ và đảm bảo các thông số theo đúng quy định. Các nguồn nước được kiểm tra chất lượng, bể chứa nước được vệ sinh ít nhất 6 tháng/lần theo quy định.

Giám sát chặt chẽ quy trình

 Đánh giá công tác giám sát đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú ở trường học, cô Lê Thanh Hương - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Hồng Phong (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Dù công tác ăn bán trú đã được nhà trường thực hiện đi vào nề nếp, bài bản nhưng không một ngày nào chúng tôi lơ là nhiệm vụ. Từ việc lên thực đơn, giám sát thực phẩm đầu vào đến quy trình chế biến thức ăn, chia khay đều được nhà trường kiểm tra kỹ lưỡng”.

Theo đó, với 1.134 học sinh ăn bán trú tại trường, trường Tiểu học Lê Hồng Phong tổ chức đấu thầu để chọn đơn vị cung cấp suất ăn, tổ chức bếp ăn bán trú tại trường. Khâu sơ chế, nấu nướng, chia thức ăn được thực hiện tại bếp ăn của trường. Khi hoàn tất, thức ăn được chia khay và đưa đến từng lớp học.

Cô Thanh Hương cho biết: Trước ngày khai giảng năm học mới, trong hai ngày 3 và 4/9, trường đã rà soát lại hết cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác ăn bán trú. Ngày 3/9, bộ phận nhà bếp đến trường vệ sinh, khử khuẩn dụng cụ nấu ăn, khay bát đĩa, thay quả lọc nước.

Việc kiểm tra thực phẩm đầu vào cũng được giám sát bởi Thanh tra Nhân dân, Chủ tịch Công đoàn, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường và nhiều thành phần khác.

Hiệu trưởng nhà trường nói thêm: Với 30 nghìn đồng ăn bán trú mỗi ngày, học sinh được ăn một bữa trưa với cơm và thức ăn có từ 3 - 4 món ăn mặn, một bữa phụ gồm sữa hoặc bánh, cháo… Thực đơn cũng được thay đổi đa dạng và theo mùa để đảm bảo dinh dưỡng tốt nhất cho học sinh.

Ở góc độ đơn vị cung cấp suất ăn học đường lớn tại Hà Nội, bà Vũ Lan Sinh - Chủ tịch Công ty TNHH Hương Việt Sinh cho biết, hiện công ty đang cung cấp gần 90.000 suất ăn cho gần 80 trường tại Hà Nội. Khi ký kết hợp đồng cung cấp suất ăn bán trú tại các trường, đơn vị đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm ngay từ đầu vào, kiểm soát các khâu chế biến ra thành phẩm.

Những mặt hàng không chủ động được, công ty sẽ liên kết theo chuỗi với các đơn vị có uy tín và có bộ phận chuyên môn kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào. “Đặc biệt, để kịp thời ứng phó với các tình huống mất an toàn thực phẩm, công ty đã thành lập bộ phận kiểm soát an toàn, phối hợp với nhà trường và báo cáo cơ quan chuyên môn xử lý tình huống nhanh nhất”, bà Sinh chia sẻ.

 Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dam-bao-an-toan-thuc-pham-bua-an-ban-tru-truong-hoc-205021.html