Thời gian phơi nhiễm: Yếu tố quan trọng quyết định khả năng lây nhiễm Covid-19
Ở thời điểm hiện tại, các phương pháp phòng ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2 được khuyến cáo hầu như chỉ xoay quanh vấn đề đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch diệt khuẩn và giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét với những người xung quanh. Tuy nhiên, vẫn còn một yếu tố có liên quan đến nguy cơ lây nhiễm ít được để ý tới, đó chính là thời gian tiếp xúc.
Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy khả năng lây nhiễm Covid-19 có sự liên quan mật thiết đến thời gian phơi nhiễm với mầm bệnh. Nói một cách dễ hiểu hơn, nếu càng ở lâu trong môi trường có chứa virus SARS-CoV-2, nguy cơ bị lây nhiễm của chúng ta sẽ càng cao.
Con người sẽ bị nhiễm Covid-19 nếu tải lượng virus SARS-CoV-2 phơi nhiễm đạt đến một ngưỡng nhất định. Trong điều kiện thực tế, lượng virus này đến từ những giọt bắn của người bệnh, khi họ ho, hắt hơi hay thậm chí là trò chuyện. Tiếp xúc càng lâu với vật mang mầm bệnh này, lượng virus tích tụ bên trong cơ thể sẽ càng nhiều lên và khi đạt ngưỡng, bạn sẽ trở thành nạn nhân mới của SARS-CoV-2. “Khả năng lây nhiễm Covid-19 tỉ lệ thuận với tải lượng virus ” – TS Erin Bromage, chuyên gia miễn dịch học, Đại học Massachusetts Dartmouth, phân tích.
Lấy ví dụ trong một siêu thị, nếu có người mắc Covid-19 vô tình đến mua sắm tại đây, thì những khách hàng khác đương nhiên sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh thấp hơn hẳn người thu ngân, khi họ phải ở trong không gian đã chứa mầm bệnh suốt 8 tiếng đồng hồ.
Trên thực tế, thời gian phơi nhiễm với mầm bệnh luôn là một yếu tố quan trọng trong việc đánh giá khả năng nhiễm bệnh đối với nhiều loại bệnh truyền nhiễm đã có từ trước, điển hình là bệnh lao. Trong dịch Covid-19 lần này, nó cũng được áp dụng trong công tác truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh: Ưu tiên khoanh vùng, cách ly những người tiếp xúc gần trong thời gian dài với F0.
Phơi nhiễm với mầm bệnh trong bao lâu thì được coi là "nguy hiểm"?
Vì việc thử nghiệm virus trên con người bị coi là vi phạm đạo đức, nên hiện tại những dữ liệu chính xác về mối liên quan giữa thời gian phơi nhiễm và nguy cơ nhiễm bệnh vẫn còn rất hạn chế.
TS Erin Bromage nhận định: “Các dữ liệu chúng ta có là không đủ để tính toán một cách chính xác bao nhiêu phút, giờ đồng hồ phơi nhiễm được coi là nguy hiểm. Mốc 15 phút tiếp xúc gần hiện đang được sử dụng nhiều nhất trong các khuyến cáo an toàn trên thế giới”.
Nhiều nghiên cứu được hiện trên những tình huống thực tế trong đại dịch Covid-19 đã cho thấy sự nguy hiểm của việc ở cùng người nhiễm bệnh trong một không gian kín trong thời gian dài.
Cụ thể, tại bang Washington (Mỹ), 1 người mắc Covid-19 khi tham gia tập luyện hợp xướng đã lây nhiễm cho 53/61 thành viên trong dàn hợp xướng đó. Điều đáng chú ý là trong buổi tập không hề có bất kì tiếp xúc vật lý nào giữa các thành viên. Mỗi người lại có một sự giãn cách nhất định để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, thời gian của buổi tập kéo dài đến 45 phút, và theo các chuyên gia, đây là yếu tố chủ chốt dẫn đến sự kiện siêu lây nhiễm này.
Một ví dụ khác chính là sự kiện siêu lây nhiễm xảy ra ở một nhà hàng tại Quảng Châu (Trung Quốc) vào ngày 24/1. Theo đó, trong 1 tiếng đồng hồ dùng bữa tại nhà hàng, 1 thực khách mắc Covid-19 đã lây lan virus SARS-CoV-2 cho 4 người trong bàn của mình và 5 người ở các bàn xung quanh.
Các yếu tố khác ảnh hưởng đến rủi ro lây nhiễm
Trong nghiên cứu của mình, TS Erin Bromage cũng chỉ ra một vài yếu tố đặc biệt có liên quan đến rủi ro lây nhiễm Covid-19, trong đó đáng chú ý là các hoạt động đang diễn ra trong không gian phơi nhiễm. Ví dụ, ở những khu vực ồn ào, khả năng lây nhiễm sẽ cao hơn, bởi người bệnh sẽ phát tán nhiều virus SARS-CoV-2 hơn, khi họ buộc phải nói chuyện lớn tiếng hơn.
Ngược lại, trong những không gian yên tĩnh nguy cơ lây nhiễm ít hơn vì có ít hạt mang virus lơ lửng trong không khí, điều này được chỉ ra trong thực tế trường hợp của một phòng tập Yoga ở Hàn Quốc, khi mà người giáo viên dạy Yoga nhiễm Covid-19 nhưng lại không hề lây cho bất kì học viên nào.