Dân chán nghe các cụm từ “kiểm điểm", "phê bình", "rút kinh nghiệm” lắm rồi!
Kinhte&Xahoi
Với các cương vị chủ chốt, có lẽ không nên “ca” mãi “bài ca” phê bình, kiểm điểm và… rút mãi sợi dây kinh nghiệm bởi dân đã chán nghe những câu đó lắm rồi. Thật lòng, nếu mà “điệp khúc” đó lại cất lên, thì thà… đừng kỉ luật cho dân đỡ bức xúc!
Thông tin từ báo Dân trí cho biết, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An vừa ký thông báo xem xét kỉ luật 13 cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh năm 2018 tại các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình dẫn đến tâm lý lo ngại trong học sinh và bức xúc trong dư luận xã hội.
Trong danh sách này có 4 vụ trưởng, 2 cục trưởng, 1 chánh thanh tra, 1 phó thanh tra, 1 phó cục trưởng và nhiều cán bộ liên quan khác. Đây bước đầu được coi là thái độ nghiêm túc của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo trong xử lý cán bộ vi phạm.
Nhìn lại từ đầu vụ việc, đành rằng để xảy ra tiêu cực có một phần lỗi không nhỏ thuộc về phía Bộ. Song công bằng, ngay sau khi phát hiện tiêu cực, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẩn trương, nghiêm túc và kiên quyết trong việc tổ chức kiểm tra, rà soát, xác minh ở các địa phương có nghi vấn đồng thời tổ chức chấm thẩm định bài thi tại một số địa phương khác theo quy định của quy chế; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý vụ việc.
Ban Chỉ đạo đã tổ chức họp để rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi nhằm xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có liên quan trong công tác tổ chức.
Sau đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ còn yêu cầu các địa phương đưa ra khỏi ngành các cán bộ, giáo viên vi phạm.
Có một điều rất quan trọng, đó là rút kinh nghiệm từ những vi phạm của kỳ thi 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương tổ chức kỳ thi năm 2019 và cho đến nay, có thể khẳng định Kỳ thi 2019 đã thành công tốt đẹp. Đây là kỳ thi được tiến hành chặt chẽ, nghiêm túc và ít nhất là cho đến thời điểm này, không phát hiện thấy sai phạm đáng kể nào.
Việc mới đây Bộ công bố danh sách trong đó có 11/13 là lãnh đạo cục, vụ, phòng bị xem xét kỉ luật tiếp tục cho thấy sự nghiêm túc và kiên quyết này.
Tuy bản danh sách trên mới chỉ là một bước trong quy trình xem xét kỷ luật công chức theo quy định, tức là hình thức kiểm điểm cho mỗi cá nhân chưa cụ thể, song chắc chắn là sẽ không hề nhẹ bởi tính nghiêm trọng của vụ việc, thái độ kiên quyết của lãnh đạo Bộ đồng thời tại các địa phương, đã có những hình thức xử lý kỉ luật khá nghiêm khắc như tại Sơn La, Bí thư Tỉnh ủy bị kiểm điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách bị cảnh cáo. Tại Hòa Bình, cảnh cáo Phó Chủ tịch tỉnh, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo bị đề nghị cách chức và hiện ông này đang xin nghỉ chữa bệnh…
Mong rằng rồi đây, Bộ sẽ có những hình thức kỉ luật đúng với trách nhiệm của mỗi cá nhân, không nặng quá nhưng cũng không nhẹ quá. Nhất là với các cương vị chủ chốt, có lẽ không nên “ca” mãi “bài ca” phê bình, kiểm điểm và… rút mãi sợi dây kinh nghiệm bởi dân đã chán nghe những câu đó lắm rồi.
Thật lòng, nếu mà “điệp khúc” đó lại cất lên, thì thà… đừng kỉ luật cho dân đỡ bức xúc!