BHYT cho người đang được hưởng BHTN
Người đang được hưởng BHTN được đảm bảo quyền lợi về BHYT, căn cứ quy định tại Điều 51 Luật Việc làm 2013.
Cụ thể theo Điều 51 về bảo hiểm y tế thì: Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ BHYT theo quy định của pháp luật về BHYT; Tổ chức bảo hiểm xã hội đóng BHYT cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp từ Quỹ BHTN.
Đồng thời, điểm d khoản 2 Điều 12 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 quy định đối tượng tham gia BHYT bao gồm cả người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Căn cứ theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm cấp thẻ BHYT mới cho đối tượng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, trong 3 tháng ngay sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động cần phải làm thủ tục đăng kí hưởng BHTN. Sau khi có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động sẽ được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp thẻ BHYT có thời hạn trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Lạng Sơn (Ảnh Cẩm Nhung)
Khi đi khám chữa bệnh, người lao động phải xuất trình thẻ BHYT đã được cấp để được hưởng các chế độ BHYT trong giai đoạn này theo quy định của pháp luật.
Việc hưởng BHYT trong thời gian nhận trợ cấp thất nghiệp như trên thực sự sẽ đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, nhất là trong giai đoạn khó khăn nhất khi không có việc làm.
Được hoàn trả tiền BHYT hộ gia đình khi đang nhận trợ cấp thất nghiệp
Người lao động khi đi làm có tham gia BHTN, khi nghỉ việc thì thẻ BHYT cũng hết hạn. Tuy nhiên, người lao động có mua BHYT hộ gia đình (thời hạn 12 tháng), cùng thời gian này người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Theo quy định, nếu người lao động làm hồ sơ hưởng BHTN trong 3 tháng tìm kiếm việc làm mới thì BHYT của người lao động mua trước đó theo diện BHYT hộ gia đình sẽ được cắt giảm giá trị sử dụng, chỉ hưởng BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp; Đồng thời số tiền BHYT theo hộ gia đình mà người lao động đã đóng trước đó sẽ được hoàn trả.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 13 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này.
Tại Điều 13 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quy định người tham gia BHYT theo đối tượng người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc nhóm 2 có thứ tự xếp trên người tham gia BHYT theo đối tượng hộ gia đình thuộc nhóm 5.
Như vậy, khi người lao động được cấp thẻ BHYT theo đối tượng người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thẻ BHYT theo đối tượng hộ gia đình của người lao động đã mua trước đó sẽ được cơ quan BHXH cắt giảm giá trị sử dụng.
Khi cắt giảm giá trị sử dụng thẻ BHYT theo đối tượng hộ gia đình của người lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ thông báo cho người lao động biết để đến đại lý thu bảo hiểm xã hội, BHYT nhận lại tiền hoàn trả thẻ BHYT hộ gia đình cho thời gian đã mua chưa sử dụng theo quy định tại Điều 20 quy trình thu Bảo hiểm xã hội, BHYT, BHTN; Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Quản lý sổ Bảo hiểm xã hội, thẻ BHYT (Văn bản số 2089/VBHN-BHXH ngày 26/6/2020 của BHXH Việt Nam).
Sau khi thẻ BHYT theo đối tượng người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động hết giá trị sử dụng thì người lao động lại tới đại lý thu bảo hiểm xã hội, BHYT tiếp tục đăng ký tham gia BHYT theo đối tượng hộ gia đình.
Tạm dừng cấp thẻ BHYT giấy cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp
Theo quy định, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được Bảo hiểm xã hội cấp thẻ BHYT có thời hạn trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Thực tế, việc cấp thẻ giấy đã được ngành chức năng thực hiện đúng quy định, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tuy nhiên hiện nay, ở nhiều địa phương, tình hình dịch bệnh phức tạp, việc cấp thẻ BHYT giấy bộc lộ nhiều hạn chế.
Trước đây, thẻ BHYT của người hưởng trợ cấp thất nghiệp được bảo hiểm xã hội các quận, huyện in, sau đó chuyển cho Trung tâm Dịch vụ việc làm và các Trung tâm đăng ký BHTN để chuyển đến tay người lao động khi họ đến làm thủ tục trợ cấp, khai báo tình trạng việc làm.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, trong khi quy trình in, chuyển giao thẻ BHYT bằng giấy cho người lao động phải qua nhiều bước trung gian, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.
Trong khi đó, nhiều Trung tâm Dịch vụ việc làm có chức năng nhận hồ sơ giải quyết chế độ BHTN thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương phải tạm dừng tiếp nhận hồ sơ trực tiếp để phòng dịch.
Do vậy, ngành chức năng nhiều địa phương đã đề nghị người lao động đăng ký và thực hiện cài đặt ứng dụng VssID để thực hiện khám chữa bệnh thay cho thẻ BHYT giấy.
Người lao động thất nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tìm hiểu thông tin, đăng ký tìm việc làm mới tại TP Hồ Chí Minh (Ảnh: Gia Nhi)
Đơn cử như ở TP Hồ Chí Minh, từ 28/7/2021, cơ quan Bảo hiểm xã hội TP Hồ Chí Minh đã tạm thời dừng việc in thẻ BHYT giấy cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động sẽ cài đặt ứng dụng VssID và sử dụng ứng dụng này để đi khám chữa bệnh thay cho thẻ BHYT giấy.
VssID là ứng dụng dịch vụ thông tin trên nền tảng thiết bị di động chính thức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nhằm phục vụ mục đích thiết lập kênh giao tiếp, tiếp cận thông tin, thực hiện dịch vụ công cho cá nhân một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng.
Ứng dụng VssID rất dễ cài đặt và tiện dụng khi sử dụng. Khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, người lao động chỉ cần mang theo điện thoại di động có cài đặt phầm mềm này để sử dụng.
Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh hết sức phức tạp, thì chính sách về BHTN, BHYT đã phát huy hiệu quả thiết thực; không những thế, ngành chức năng các cấp cũng đã có nhiều giải pháp linh hoạt để người lao động được đảm bảo quyền lợi chính đáng khi tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó có BHTN, BHYT.
Hoa Thành - TTTĐ