Thiết thực chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, Tháng Công nhân năm 2023, nhằm trang bị cho các đơn vị, doanh nghiệp, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) những kiến thức thiết thực liên quan tới pháp luật lao động và hoạt động Công đoàn, Báo Lao động Thủ đô và Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội phối hợp tổ chức buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật và hoạt động Công đoàn”.
|
Đại biểu tham dự buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến. |
Đến dự buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến có các đại biểu: Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh; Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ thành phố Hà Nội; Ủy viên Ban Thường vụ LĐLĐ Thành phố, Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Lê Thị Bích Ngọc; Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ Đô Nguyễn Văn Bình; Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội Lê Thị Thanh Thủy; Trưởng phòng Tổng hợp Công ty TNHH Phụ tùng xe máy - ô tô Goshi Thăng Long Hứa Văn Thắng.
Buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến còn có sự tham dự của đại diện các ban LĐLĐ thành phố Hà Nội; LĐLĐ các quận, huyện, Công đoàn ngành, đại diện lãnh đạo doanh nghiệp, các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cơ sở và đặc biệt là sự có mặt của hàng trăm đoàn viên, CNVCLĐ ngành Công Thương Hà Nội. Đặc biệt là sự tham dự của gần 300 CNVCLĐ thuộc công đoàn ngành Công thương Hà Nội.
Tham gia giải đáp câu hỏi của cán bộ, CNVCLĐ có các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực pháp luật lao động, an toàn lao động, hoạt động Công đoàn gồm: Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ thành phố Hà Nội; bà Vũ Minh Huyền - Phó Trưởng phòng Xây dựng Chính quyền, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội; Luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
8h30: Phát biểu tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết, buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động và hoạt động Công đoàn” do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Công thương Hà Nội tổ chức là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp và hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2023.
|
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến. |
Với chức năng là cơ quan ngôn luận của LĐLĐ thành phố Hà Nội, diễn đàn của CNVCLĐ Thủ đô, tận dụng thế mạnh về truyền thông, thời gian qua, Báo Lao động Thủ đô đã phối hợp chặt chẽ với các Công đoàn cấp trên cơ sở của thành phố Hà Nội đẩy mạnh tổ chức các buổi giao lưu trực tuyến để góp sức cùng tổ chức Công đoàn Thủ đô tuyên truyền, phố biến, nâng cao kiến thức pháp luật cho người lao động; trong đó có việc phối hợp với Công đoàn ngành Công thương Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến hôm nay.
Bên cạnh đó, buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến diễn ra trong bối cảnh Đại hội Công đoàn cấp trên cơ sở hướng tới Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII đang diễn ra sôi nổi. Do vậy, ngoài mục đích cung cấp kiến thức pháp luật về lao động, tại Đối thoại, buổi giao lưu hôm nay, Ban Tổ chức cũng mong muốn trang bị các kiến thức về hoạt động công đoàn để cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ hiểu hơn về tổ chức đại diện của mình.
|
Công nhân lao động thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trước buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến |
“Tôi hy vọng và mong muốn các đoàn viên, người lao động (NLĐ) đang có mặt ở hội trường hãy mạnh dạn đặt những câu hỏi trực tiếp, nếu ở xa có thể gửi câu hỏi trực tuyến cho các chuyên gia của chúng tôi để được giải đáp, tư vấn một cách hữu ích”, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô bày tỏ.
8h40: Phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh cho biết: Hôm nay, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Công Thương Hà Nội tổ chức buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật lao động và hoạt động Công đoàn”, đây là chủ đề rất thiết thực, ý nghĩa, giúp đoàn viên công đoàn và NLĐ có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt những kiến thức về pháp luật lao động để từ đó nghiêm túc chấp hành, tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình trong quan hệ lao động. Đặc biệt, thông qua chương trình này, đoàn viên, NLĐ hiểu hơn về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của tổ chức Công đoàn, từ đó tin tưởng, gắn bó và ủng hộ các hoạt động của tổ chức Công đoàn.
|
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh phát biểu chỉ đạo tại buổi Đối thoại, giao lưu. |
“Với ý nghĩa đó, tôi đề nghị các đoàn viên, CNVCLĐ hãy mạnh dạn, thẳng thắn nêu nhiều câu hỏi để cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình và đề nghị các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiên thức lý luận, thực tiễn, chuyên môn để trang bị đầy đủ thông tin tới đoàn viên công đoàn và NLĐ”, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố cũng đề nghị sau chương trình này Báo Lao động Thủ đô tiếp tục tổ chức thêm nhiều cuộc giao lưu trực tuyến để tuyên truyền, phổ biến, trang bị kiến thức mọi mặt, nhất là kiến thức pháp luật về lao động, các chế độ chính sách và những vấn đề thiết thực gắn với đời sống, việc làm mà NLĐ quan tâm đến với đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ.
8h50: Tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, ông Hứa Văn Thắng - Trưởng phòng Tổng hợp, Công ty Goshi Thăng Long, cho biết, trong những năm qua Ban lãnh đạo Công ty Goshi Thăng Long đã bám sát nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn; có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực hiệu quả. Trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền vận động, phổ biến giáo dục và tư vấn pháp luật cho NLĐ nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật.
|
Phát biểu tại buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến, ông Hứa Văn Thắng - Trưởng phòng Tổng hợp Công ty TNHH Phụ tùng Xe máy - Ô tô Goshi Thăng Long |
Những năm gần đây cán bộ, đoàn viên Công ty liên tiếp được Công đoàn ngành, Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ Thành phố hướng dẫn đào tạo cho cán bộ Công đoàn cơ sở và đại diện công nhân lao động. Công đoàn đã phối kết hợp với lãnh đạo đơn vị tiếp tục phổ biến, tuyên truyền lại kiến thức cho đông đảo đoàn viên trong Công ty.
9h00: Các chuyên gia bắt đầu giải đáp các câu hỏi, thắc mắc của đoàn viên, NLĐ
|
Ban Tổ chức tặng hoa cho các chuyên gia. |
* Chị Đàm Thị Kim Dung, Công ty Goshi Thăng Long, hỏi:
Tôi được biết đến tuổi nghỉ hưu thì chế độ tính hưởng lương hưu của công nhân lao động và những người làm hành chính sự nghiệp có sự khác nhau. Công nhân nghỉ hưu hàng tháng được lĩnh lương tính bằng bình quân lương hàng tháng kể từ năm bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho đến khi đủ năm nghỉ hưu theo quy định của nhà nước. Khối hành chính sự nghiệp sẽ tính trung bình 5 năm cuối đóng bảo hiểm. Xin chuyên gia cho biết tại sao lại có sự khác biệt?
|
Chị Đàm Thị Kim Dung - Công ty Goshi Thăng Long, đặt câu hỏi. |
- Luật sư Nguyễn Văn Hà:
Luật BHXH năm 2014, bổ sung 2016, đã quy định việc chi trả lương theo 2 nhánh: NLĐ được chi trả theo ngân sách Nhà nước và NLĐ được chi trả tiền lương bởi người sử dụng lao động. Do vậy, quy định hưởng lương theo chế độ BHXH cũng khác nhau.
Đối với chế độ tiền lương được hưởng theo ngân sách Nhà nước sẽ được hưởng theo chế độ Nhà nước quy định, theo ngạch. Do đó, quá trình làm việc, chế độ tiền lương, BHXH cũng sẽ được hưởng theo cả quá trình liên tục và đã được quy định cụ thể.
Còn đối với NLĐ được hưởng lương do người sử dụng lao động chi trả thì chưa có con số cụ thể. Hơn nữa, có nhiều nơi, NLĐ làm việc không liên tục, trong quá trình làm việc các doanh nghiệp chi trả khác nhau, việc chi trả để nộp vào Quỹ BHXH cũng khác nhau, do đó chế độ tính tiền lương cũng khác nhau. Đây là việc chi trả theo tính lịch sử, chi trả theo giai đoạn. Thời gian tới, dự thảo về quy định định tiền lương, hưởng lương hưu cũng sẽ có sự điều chỉnh.
* Chị Hà Thị Kim Thơm, Công ty Cổ phần Kim khí Thăng Long, hỏi:
Hiện nay, các công ty đang có xu hướng sử dụng lao động thời vụ, lao động thuê lại. Vậy những lao động này có được được hưởng quyền lợi công bằng như lao động chính thức không?
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:
Theo quy định của Bộ luật Lao động, hiện có 2 loại hợp đồng lao động là hợp đồng không xác định thời hạn (trên 36 tháng) và hợp đồng xác định thời hạn (36 tháng). NLĐ khi thực hiện giao kết 2 loại hợp đồng này đều được đảm bảo tất cả quyền lợi như nhau về chế độ, chính sách tiền lương, BHXH đã được quy định cụ thể trong hợp đồng, do NLĐ và chủ sử dụng lao động thương lượng với nhau. Tuy nhiên, hợp đồng không xác định thời hạn có ràng buộc quan hệ trong lao động trước pháp luật cao hơn, NLĐ có thể cảm thấy yên tâm hơn.
Đối với những lao động thuê lại, chỉ có một vài ngành nghề cụ thể được phép cho thuê lại lao động. Tất cả quyền lợi về chính sách, chế độ, đơn vị phụ trách cho thuê phải chịu trách nhiệm.
* Bạn Nguyễn Anh Minh hỏi:
Chế độ nâng bậc lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức và NLĐ đã có thông báo nghỉ hưu được quy định như thế nào?
- Chuyên gia Vũ Minh Huyền:
Đối với cán bộ công chức, viên chức (đã được quy định bởi Luật Công chức, viên chức) có hệ thống quy định riêng về việc nâng lương. Đối với trường hợp khi cá nhân của công chức, viên chức muốn được nâng lương trước thời hạn khi đã có thông báo nghỉ hưu phải đảm bảo tiêu chí, kể từ ngày có thông báo nghỉ hưu đến trước ngày nghỉ hưu còn thiếu từ 12 tháng trở xuống để được nâng bậc lương thường xuyên theo quy định thì được nâng một bậc lương trước thời hạn 12 tháng so với thời gian quy định.
Bên cạnh đó, trong năm nhận quyết định nghỉ hưu, NLĐ cũng phải đảm bảo yêu cầu: Đối với cán bộ, công chức, được cấp có thẩm quyền đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.
Đối với viên chức và NLĐ: Được cấp có thẩm quyền đánh giá từ mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên; không vi phạm kỷ luật một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức.
* Anh Đào Ngọc Thụy, Công ty Cổ phần Giầy Ngọc Hà, hỏi:
Em biết sắp tới nhà nước sẽ tăng lương cơ sở, vậy cho hỏi NLĐ có được tăng lương hay không?
|
Anh Đào Ngọc Thụy - Công ty cổ phần Giầy Ngọc Hà. |
- Chuyên gia Nguyễn Văn Hà:
Mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng, mức lượng mới là 1.800.000 đồng, tăng khoảng 20 - 30%. Mức lương cơ sở thường được tính trong khối đơn vị hoạt động của ngân sách Nhà nước, nơi NLĐ nhận lương theo hệ số bậc. Với khối sản xuất kinh doanh, việc tính lương được thực hiện qua các giao kết của hợp đồng lao động. Chúng ta có thể hiểu là mức lương tối thiểu sẽ là căn cứ để người lao động và người sử dụng lao động giao kết hợp đồng.
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung:
Các quy định đối với mức lương tối thiểu vùng còn liên quan đến chế độ chính sách, ví dụ chế độ thai sản, chế độ an toàn lao động, chế độ tử tuất… mức quy định cao hơn thì NLĐ được hưởng nhiều hơn chứ không hẳn là chỉ là tăng lương.
* Anh Nguyễn Văn Tâm - Công ty TNHH Toyota Boshoku Hà Nội, hỏi:
Xin các chuyên gia cho biết những điểm khác nhau giữa Thông tư số 11/2020/TT- BLĐTBXH ngày 12/11/2021 và Thông tư 29/2021/ TT- BLĐTBXH ngày 28 /12/2021. Hiện tại công việc tôi làm mức độ đo kiểm là có độc hại nhưng lại không có trong danh mục ngành nghề công việc nặng nhọc độc hại mà Nhà nước quy định thì tôi phải làm thế nào để bảo vệ được quyền lợi?
|
Luật sư Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, giải đáp thắc mắc của công nhân lao động. |
- Luật sư Nguyễn Văn Hà:
Đây là hai Thông tư do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Hai Thông tư này có sự liên quan nhưng không phải là một. Trong đó, Thông tư số 11/2020 là Thông tư ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Căn cứ vào Thông tư này để xác định các nghề, công việc mà người lao động đang làm việc theo tính chất: công việc bình thường, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Còn Thông tư số 29/2021 quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động căn cứ vào các ngành nghề nặng nhọc, độc hại mà Thông tư 11/2020 đã quy định.
Về vấn đề bạn hỏi là công việc của bạn đang làm có yếu tố nặng nhọc độc hại nhưng lại không có trong danh mục ngành nghề độc hại mà Nhà nước quy định nên không được hưởng các chế độ chính sách, tôi giải thích như sau: Quá trình xây dựng và ban hành Thông tư, cơ quan soạn thảo dựa trên báo cáo phản ánh từ thực tế các doanh nghiệp là những ngành nghề này có yếu tố nặng nhọc, độc hại, sau đó tiền hành rà soát, xác minh và đưa vào Thông tư.
Có thể, do doanh nghiệp của bạn chưa phản ánh tới cơ quan chức năng là trong doanh nghiệp có vị trí công việc nặng nhọc, động hại nên chưa cập nhật được trong chính sách. Để khắc phục thì hiện nay lãnh đạo và Công đoàn doanh nghệp nên tiến hành họp, phản ánh thực tế này tới cơ quan chức năng để Nhà nước bổ sung vào danh mục quy định, tránh thiệt thòi quyền lợi cho NLĐ.
* Anh Đào Văn Thành, Công ty Toyota Bosoku Hà Nội, hỏi:
Công ty tôi làm nghề may công nghiệp đã xây dựng ngành nghề nặng nhọc độc hại. Những quyền lợi của NLĐ khi làm việc trong môi trường có yếu tố nặng nhọc, độc hại là gì?
|
Anh Đào Văn Thành - Công ty Toyota Bosoku Hà Nội. |
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:
Đối với những lao động làm công việc mà công ty bạn đã xác định được thuộc danh mục nặng nhọc, độc hại thì việc đầu tiên là phải khai báo với cơ quan BHXH; sau đó phải phân loại cụ thể công nhân thuộc nghề độc hại, nguy hiểm.
Căn cứ vào danh mục mà công nhân xếp vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại sẽ được hưởng các quyền lợi như: Được bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật (đường, sữa…); được nghỉ phép năm nhiều hơn (16 ngày) so với công nhân bình thường; khám sức khỏe 6 tháng/lần; được nghỉ hưu sớm hơn (5 năm so với các ngành nghề khác) mà không bị khấu trừ gì cả.
Trước đây theo luật cũng có quy định lương cho lao động làm nghề nặng nhọc, độc hại bắt buộc cao hơn những nghề không thuộc danh mục này, nhưng theo luật mới thì không quy định điều đó nữa. Tất cả là dựa trên sự thỏa thuận dân chủ, chính vì vậy rất cần thiết Thỏa ước lao động tập thể của tổ chức Công đoàn để đảm bảo tối đa quyền lợi cho NLĐ.
* Anh Phạm Văn Phong, Công ty cổ phần Kim Khí Thăng Long, hỏi:
Nghị định 03 có quy định về hồ sơ khi xin việc, tuy nhiên Nghị định này hiện nay đã hết hạn, vậy tôi muốn hỏi Nhà nước có quy định nào mới hơn không, đặc biệt liên quan đến các chi phí làm hồ sơ.
- Luật sư Nguyễn Văn Hà:
Như chúng ta đã biết đối với ngạch công chức, viên chức Nhà nước, các điều kiện yêu cầu về hồ sơ khi tuyển dụng là khá rõ ràng. Còn đối với NLĐ, hồ sơ xin việc phụ thuộc và vị trí việc làm và người sử dụng lao động có quyền yêu cầu NLĐ bổ sung các giấy tờ này. Nói rõ hơn là khi chúng ta tham gia dự tuyển chúng ta phải đáp ứng các yêu cầu đó.
Lấy ví dụ, chúng ta tham gia dự tuyển vị trí kế toán trưởng chắc chắn phải có bằng kế toán, chi phi đi in sao tài liệu chúng ta phải trả. Mặc dù biết là anh chị em lao động khi đi làm hồ sơ thì hay làm nhiều bộ để nộp vào nhiều nơi, chi phí có khi lên đến nhiều triệu đồng. Tuy nhiên, việc chuẩn bị hồ sơ là việc cần thiết khi tuyển dụng. Hiện tại, chúng ta đang cải cách thủ tục hành chính, các thủ tục đang được nghiên cứu cắt giảm rất nhiều và chắc chắn trong thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều cải thiên.
|
Chuyên gia trả lời câu hỏi của công nhân lao động. |
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng bổ sung:
Chi phí hồ sơ có thể hiểu là những chi phí đặt cọc, ví dụ nộp 100.000 đồng, 200.000 đồng khi nộp hồ sơ vào doanh nghiệp, đây là các chi phí không nằm trong quy định. Còn tiền in ấn, sao lưu hồ sơ, khám sức khỏe không được tính là chi phí.
* Chị Trịnh Thị Nga, Công ty Goshi Thăng Long: Tôi xin hỏi các chuyên gia 3 câu hỏi:
1. Hiện nay, việc thực hiện bảo hiểm xã hội số VSSID có nhiều thuận tiện cho người sử dụng, tuy nhiên với việc khôi phục mật khẩu khi bị mất thì BHXH yêu cầu phải sử dụng gmail tuy nhiên nhiều NLĐ không sử dụng gmail hoặc mất gmail nên cũng không thể lấy lại được mật khẩu được, tôi xin gửi kiến nghị tới cơ quan BHXH là mở lại tổng đài 8079 để cấp lại mật khẩu cho người dùng chứ không cần qua gmai.
2. Ngày nghỉ hàng tuần của Công ty là Chủ nhật và đã được thông báo cho toàn thể cán bộ, công nhân viên, NLĐ trong kế hoạch làm việc hàng năm. Trường hợp Công ty thay đổi ngày nghỉ hàng tuần sang ngày khác mà không phải thay đổi với toàn bộ công nhân mà chỉ thay đổi ở từng bộ phận thì có được hay không? Nếu thay đổi ngày nghỉ như vậy sẽ gây xáo trộn cuộc sống khi người lao động đã có kế hoạch riêng.
|
Công nhân, người lao động theo dõi buổi giao lưu trực tiếp và trực tuyến trên báo Lao động Thủ đô điện tử. |
3. Tôi có nộp hồ sơ cho người nhà vào Công ty, Công ty yêu cầu có giấy khám sức khỏe có đầy đủ các mục khám. Người quen của tôi đã mất rất nhiều tiền và thời gian để chuẩn bị giấy tờ này. Nhưng đến khi đủ hồ sơ thì Công ty đã kết thúc đợt tuyển dụng, mất cơ hội của người nhà tôi. Vậy, giấy khám sức khỏe khi tuyển dụng có bắt buộc phải có trong hồ sơ người lao động hay ko?
- Luật sư Nguyễn Văn Hà:
Về câu hỏi thứ nhất của bạn, BHXH số VSSID là một trong những nội dung thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu là mang lại thuận tiện cho người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Trong thời gian triển khai bước đầu không tránh khỏi nhưng vướng mắc, nhưng cơ quan chức năng vẫn đang cố gắng điều chỉnh để hướng tới sự nhanh, thuận tiện nhất. Tuy vậy thì yếu tố bảo mật, bảo đảm an toàn tuyệt đối thông tin cho người dân vẫn là yếu tố hàng đầu mà việc sử dụng gmail là một trong những yếu tố để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho công dân, nên không thể không dùng gmai.
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng trả lời câu 2, 3:
Thông thường thì ngày nghỉ hàng tuần là Chủ nhật song do yêu cầu, đặc thù sản xuất thì doanh nghiệp cũng có thể lựa chọn ngày nghỉ khác là ngày nghỉ hàng tuần, và điều này phải được bàn bạc, thỏa thuận với Công đoàn và đưa vào nội quy lao động. Ví dụ, Công ty bạn lựa chọn thứ Tư là ngày nghỉ hàng tuần, thì trong nội quy lao động phải ghi rõ điều này. Và nếu bạn đi làm vào ngày thứ Tư đó, bạn vẫn được hưởng chế độ, quyền lợi như vào ngày nghỉ.
|
Cuộc Đối thoại, giao lưu trực tuyến được truyền trực tuyến trên Báo Lao động Thủ đô điện tử - laodongthudo.vn. |
Về giấy tờ khám sức khỏe, việc doanh nghiệp đưa ra yêu cầu phải có giấy tờ khám sức khỏe trong hồ sơ xin việc cũng không có gì là sai, đó là một điều kiện quy định. Còn việc khám sức khỏe cho NLĐ trước khi vào làm việc thì là trách nhiệm của doanh nghiệp chứ không thể căn cứ vào giấy khám sức khỏe này.
- Chuyên gia Tạ Minh Huyền bổ sung:
Nếu đã ký tuyển dụng vào khối cơ quan hành chính nhà nước, là công chức viên chức, thì giấy khám sức khỏe là yêu cầu bắt buộc đầu tiên trong hồ sơ tuyển dụng, đã được quy định trong Nghị định của Chính phủ.
* Chị Phạm Phương Nga, Công ty Goshi Thăng Long, hỏi:
Theo tôi tìm hiểu thì trẻ em đang học tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập, có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được nhà nước hỗ trợ 160 nghìn đồng/tháng. Vậy tôi đang làm việc tại Công ty Goshi Thăng Long, có con đang học tại trường mầm non dân lập được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thì có được tiền hỗ trợ này không?
|
Chị Phạm Phương Nga - Công ty Goshi Thăng Long. |
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:
Theo Nghị định 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, con công nhân đang làm trong Khu Công nghiệp - Chế xuất khi gửi con tại các Khu Công nghiệp - Chế xuất sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ là 160 nghìn đồng/tháng. Tuy nhiên, tại Hà Nội hiện nay đã có quy định mức hỗ trợ mà công nhân lao động được hưởng cao hơn là 240.000 đồng/tháng, không quá 9 tháng/năm.
Tuy nhiên, tôi phải nhấn mạnh, hiện nay, chỉ hỗ trợ cho NLĐ đang làm việc tại các Khu Công nghiệp - Chế xuất, do vậy, bạn phải xem lại đơn vị mình làm việc có thuộc đối tượng được trợ cấp hay không. Nếu đúng và đủ hồ sơ, giấy tờ, bạn gửi hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền để được hưởng.
Tôi cũng xin nói thêm, không chỉ con của công nhân lao động mà thậm chí, cô giáo dạy con của công nhân lao động làm việc tại Khu công nghiệp chế xuất cũng được hưởng trợ cấp.
* Chị Nguyễn Thị Thuận, Công ty Goshi Thăng Long, hỏi:
Theo Bộ luật Lao động 2019, bảo đảm số giờ làm thêm của NLĐ không quá 200 giờ trong 1 năm và không quá 40 giờ/tháng. Hiện tại giá cả tiêu dùng, điện , nước tăng cao kéo theo các dịch vụ tăng theo, làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống NLĐ, mức lương hiện tại không đủ chi trả cho cuộc sống thường ngày.
Nhà nước quản lý giờ làm thêm chặt chẽ chúng tôi biết là có tính nhân văn đảm bảo sức cho NLĐ… tuy nhiên nếu không làm thêm chúng tôi không đủ sống, thay vì không làm thêm thì chúng tôi lại phải đi tìm công việc khác, như đi xe ôm, giúp việc theo giờ, ship hàng… lúc này còn vất vả hơn làm thêm trong Công ty mà còn nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn. Mong muốn của chúng tôi là được làm thêm và làm như thế nào để không vi phạm luật?
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:
Rất chia sẻ với những vất vả của anh chị em công nhân lao động trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Chúng tôi sẽ ghi nhận ý kiến và sẽ đề xuất đến các cơ quan có thẩm quyền về mong muốn làm thêm giờ của anh chị.
Tuy nhiên, thông tin thêm với anh chị em công nhân lao động, theo khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 1 Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15, số giờ làm thêm giờ đã được tăng lên. Theo đó, doanh nghiệp sẽ được phép huy động NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ/năm, 60 giờ/tháng.
* Chị Quách Quỳnh Quyên, Công ty Goshi Thăng Long, hỏi:
Tôi đang tìm hiểu về thủ tục mua nhà ở xã hội. Theo quy định một trong những điều kiện được mua nhà xã hội là có thu nhập không phải chịu thuế thu nhập cá nhân thường xuyên. Tôi đã được Công ty lập mã số thuế cá nhân, có giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc và chưa bị trừ thuế thu nhập cá nhân khi quyết toán thuế hàng năm. Như vậy tôi có được xếp vào đối tượng không phải chịu thuế thu nhập cá nhân thường xuyên không? Có đủ điều kiện mua nhà ở xã hội hay không?
- Luật sư Nguyễn Văn Hà:
Chủ trương để NLĐ được mua nhà ở xã hội là một trong những chủ trương lớn của nước ta trong công tác an sinh xã hội. Tuy vậy cũng phải thừa nhận là trên thực tế chúng ta vẫn chưa thực hiện được nhiều.
Có nhiều nguyên nhân nhưng một một nguyên nhân để được mua nhà ở xã hội chúng ta phải hoàn thiện rất nhiều thủ tục và mức đơn giá cũng chưa phải rẻ. Lấy ví dụ với đơn giá khoảng 20 triệu đồng/m2 thì NLĐ cũng phải bỏ ra khoảng 1,2 tỉ để mua được nhà, đây rõ ràng là một số tiền lớn với đa số NLĐ.
Về câu hỏi của chị, trong các cơ chế để đủ điều kiện mua nhà ở xã hội thì có quy định về thuế thu nhập cá nhân, về cơ bản nếu chị thuộc đối tượng không nộp thuế thì là đủ điều kiện. Tuy nhiên trong hồ sơ vẫn còn nhiều điều kiện ràng buộc và trong quá trình nộp hồ sơ chúng ta có trách nhiệm hoàn thiện đầy đủ, tổng hợp tất cả cơ quan quản lý mới có căn cứ để xét duyệt hồ sơ của chị.
* Chị Nguyễn Thị Thanh Hường - Công ty Việt Hà, hỏi:
1. Từ trước đến nay, Công ty tôi áp dụng chế độ đối với NLĐ trước khi nghỉ hưu sẽ được giảm 1 giờ làm trong ngày, vậy xin hỏi đối với NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại được nghỉ hưu sớm thì có được hưởng chế độ giảm 1 giờ làm trước khi nghỉ hưu hay không?
2. Bên tôi có cử NLĐ đi làm đại diện cho Công ty tại công ty thành viên và tham gia vào hội đồng quản trị, tuy nhiên người này mắc bệnh hiểm nghèo và phải đi điều trị 2 tháng. Người này có nộp giấy tờ đầy đủ, có đơn xin nghỉ. Vậy người này có phải chịu trách nhiệm với công việc tại công ty mà người này tham gia hội đồng quản trị không?
- Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng:
Về câu hỏi thứ nhất của bạn, có lẽ chế độ NLĐ trước khi nghỉ hưu được giảm 1 giờ làm là chế độ của Công ty bạn thực hiện còn pháp luật lao động không quy định việc NLĐ trước khi nghỉ hưu được giảm một giờ làm, pháp luật lao động chỉ quy định giảm 1 giờ làm với người lao động cao tuổi, tức là NLĐ đã nghỉ hưu, hưởng lương hưu.
- Luật sư Nguyễn Văn Hà bổ sung:
Việc NLĐ cao tuổi được giảm 1 giờ làm mỗi ngày được thực hiện theo Nghị định 5/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động 2012 về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động nhưng hiện nay chúng ta đang thực hiện Bộ luật Lao động 2019 nên Nghị định này không còn hiệu lực thi hành nữa.
Còn đối với câu hỏi thứ 2, NLĐ mắc bệnh hiểm nghèo phải nghỉ điều trị bệnh theo chỉ định của cơ quan y tế thì đương nhiên họ phải nghỉ. Việc người đó có phải chịu trách nhiệm với nhưng quyết định trong Hội đồng quản trị mà người đó tham gia hay không thì phải căn cứ vào quyết định phân công công việc của hội đồng quản trị, hoặc hợp đồng công việc, quy chế làm việc của hội đồng quản trị.
===>>> Buổi Đối thoại, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Nâng cao kiến thức pháp luật và hoạt động Công đoàn” đang được truyền trực tuyến trên báo Lao động Thủ đô điện tử (laodongthudo.vn) --- Nhấn F5 để cập nhật (xem trực tuyến hình ảnh tại đây)