Ngày 10-5, theo tin từ Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, một năm trước đây, bệnh nhân X (52 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện có khối u tại vú phải.
Sau đó, bệnh nhân đi khám tại Bệnh viện K và được chẩn đoán Carcinoma tuyến vú thể tiểu thùy xâm nhập. Bác sĩ chỉ định bệnh nhân nhập viện phẫu thuật. Tuy nhiên, bệnh nhân không điều trị, tự về uống thuốc nam, đắp thuốc lá.
Nữ bệnh nhân bị sùi loét, hoại tử một bên ngực sau khi điều trị bằng thuốc nam, đắp thuốc lá.
Đến đầu năm 2023, khối u tăng kích thước, sùi loét, hoại tử, bệnh nhân mới đến khám tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và được chỉ định nhập viện. Lúc này, u vú phải có kích thước lên đến 20-25cm, loét da, chảy dịch, thâm nhiễm tổ chức da và cơ ngực lớn, hạch hố nách phải gồm nhiều hạch dính thành chùm, bác sĩ kết luận ung thư vú giai đoạn 3C. Bệnh nhân gầy mòn, suy kiệt phải truyền máu và kết hợp xạ trị, truyền hóa chất điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng trước khi tiến hành phẫu thuật.
Sau khi hội chẩn, ê kíp đã đưa ra phương án xoay vạt nhiều vị trí để có đủ da che phủ lỗ hổng mà vẫn bảo đảm cắt hết khối u và vét hạch nách. Sau mổ, tình trạng bệnh nhân ổn định, lỗ khuyết hổng lớn khi cắt khối u đã được khép lại và liền tốt. Khi sức khỏe bệnh nhân hồi phục, tiếp tục được điều trị bổ trợ bằng hóa chất và xạ trị.
Theo các bác sĩ, khá nhiều trường hợp dù đã phát hiện ra bệnh nhưng lại bỏ lỡ cơ hội điều trị, rút ngắn thời gian sống. Hơn nữa, việc mù quáng tin tưởng các phương pháp điều trị chưa được khoa học chứng minh không chỉ gây tốn kém, lãng phí tiền bạc mà còn có thể gây hại đến sức khỏe, làm bệnh tình thêm nguy hiểm và tiến triển xấu đi.
“Người dân nên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị ung thư giai đoạn sớm”, các bác sĩ khuyến cáo.
Thu Trang - Hà Nội mới