Dấu ấn sâu đậm trên mặt trận tư tưởng

01/08/2022 06:58

Kinhte&Xahoi Trải qua chặng đường 92 năm (1/8/1930 - 1/8/2022), công tác tuyên giáo của Đảng đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ tuyên giáo đã trở thành lực lượng tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là nhịp cầu nối dân với Đảng, để Nhân dân tham gia cùng Đảng tạo nên những thành tựu lớn trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Phát huy truyền thống vẻ vang đó, những năm qua, ngành Tuyên giáo Thủ đô tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, góp phần tạo khí thế và động lực xây dựng, phát triển Thủ đô.

Toàn ngành Tuyên giáo đã thể hiện rõ vai trò là một trong những mũi nhọn quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Trong ảnh: Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai làm việc với quận Thanh Xuân về công tác phòng, chống dịch COVID-19

Không ngừng trưởng thành, lớn mạnh

Cách đây 92 năm, ngày 1/8/1930, nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất bản tài liệu mang tên “Ngày quốc tế đỏ 1/8”. Từ đó, ngày 1/8 trở thành một mốc son lịch sử, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa đối với công tác tuyên giáo của Đảng.

Từ sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt này, năm 2000, Bộ Chính trị (khóa VIII) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi hợp nhất Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1/8 hằng năm làm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.

92 năm qua, ngành Tuyên giáo và công tác tuyên giáo đã trở thành bộ phận không thể tách rời, luôn gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, lĩnh vực tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng.

Trong giai đoạn đổi mới, công tác tuyên giáo đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực nổi bật. Đó là tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng và hành động trong toàn Đảng, sự đồng thuận trong Nhân dân để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế; Củng cố niềm tin, niềm tự hào về Đảng, về đất nước và con người Việt Nam; Nâng cao uy tín và vị thế của đất nước; Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Ngành Tuyên giáo Thủ đô đã đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động, góp phần tạo khí thế và động lực xây dựng, phát triển Thủ đô, đất nước.

Những dấu ấn của ngành Tuyên giáo Thủ đô được khắc họa trong những vấn đề, sự kiện lịch sử nổi bật, như: Đại hội Đảng bộ các cấp; Điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội; Kỷ niệm 990 năm, 1000 năm, 1010 năm Thăng Long - Hà Nội…

Điển hình là khi Hà Nội điều chỉnh địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII, đứng trước một khối lượng nhiệm vụ công tác tuyên giáo lớn và càng phức tạp, nhiều yếu tố phát sinh mới, hệ thống tuyên giáo thành phố đã chủ động, nhạy bén, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Ngành Tuyên giáo Thủ đô đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, quận, huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng, có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; Kịp thời nắm bắt tình hình dư luận về các vấn đề liên quan đến các chủ trương, chính sách lớn cũng như các vấn đề đột xuất phát sinh trên địa bàn TP. Các cán bộ Tuyên giáo Thủ đô nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và Nhân dân; Định hướng tư tưởng, hướng dẫn dư luận; Xử lý hiệu quả những vấn đề phức tạp nảy sinh; Đấu tranh, đẩy lùi mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, góp phần mang lại sự bình yên cho Thủ đô ngàn năm văn hiến…

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, hệ thống tuyên giáo từ thành phố đến cơ sở đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh. Các hình thức tuyên truyền được triển khai sáng tạo, đồng bộ, từ hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền lưu động, cổng thông tin điện tử, zalo, fanpage, tọa đàm… đến các cơ quan báo chí thành phố, tăng cường số lượng, chất lượng tin bài để giúp người dân nhận thức đúng về sự nguy hiểm của dịch bệnh và nâng cao ý thức phòng, chống.

Toàn ngành đã thể hiện rõ vai trò là một trong những mũi nhọn quan trọng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhờ vậy Thủ đô đã từng bước kiểm soát, thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh để bắt đầu trạng thái bình thường mới; Góp phần thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội; Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú

Chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn

Có thể nói, ở bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào công tác tuyên giáo luôn khẳng định được vị thế, vai trò của mình. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai cho biết: Ngành Tuyên giáo Thủ đô luôn đi trước, đi trong và đi sau các công việc thường nhật cũng như trong các sự kiện quan trọng; Kịp thời tham gia xử lý “điểm nóng”, chủ động giải quyết tốt những vấn đề phức tạp mới nảy sinh; Đặc biệt, công tác tuyên giáo đã có nhiều đổi mới, hướng về cơ sở, gần với đời sống Nhân dân, từ đó, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước, tiếp tục cổ vũ, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của Thủ đô.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác tuyên giáo thành phố 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong đánh giá cao những kết quả hệ thống tuyên giáo Thủ đô đạt được trong thời gian qua. Trong đó, nổi bật là thành công trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, qua đó góp phần tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô cũng như cả nước.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị ngành Tuyên giáo Thủ đô tập trung vào 7 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt việc thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ một cách đồng bộ, thực chất, hiệu quả. Hệ thống tuyên giáo Thủ đô chủ động, sáng tạo hơn trong các hình thức tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của Nghị quyết đối với sự phát triển của Thủ đô cũng như đất nước.

Đồng thời, ngành Tuyên giáo Thủ đô phải tiếp tục nắm chắc tình hình dư luận trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân về các vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống của người dân trên địa bàn Thủ đô để có những dự báo kịp thời. Đối với các quận, huyện có Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong Nhân dân khi triển khai công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án.

Bối cảnh tình hình thế giới cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những nhiệm vụ mới cho ngành Tuyên giáo nói chung, Tuyên giáo Thủ đô nói riêng. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sứ mệnh “đi trước, mở đường” cùng truyền thống 92 năm trưởng thành qua nhiều thăng trầm của lịch sử, tin tưởng, ngành Tuyên giáo sẽ tiếp tục khẳng định vai trò của mình, đóng góp quan trọng vào sự phát triển Thủ đô, đất nước... 

Tú Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chế độ ăn uống cho trẻ nhỏ mắc tay chân miệng

Trẻ nhỏ khi mắc tay chân miệng thường có biểu hiện mệt, sốt, quấy khóc, biếng ăn. Nhiều phụ huynh rất lo lắng vì sợ trẻ không ăn uống được, không đảm bảo dinh dưỡng để mau khỏi bệnh, hồi phục sức khoẻ.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dau-an-sau-dam-tren-mat-tran-tu-tuong-202331.html