Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Chiều 20/5, QH họp trực tuyến thảo luận việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA); Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EVIPA).
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) thể hiện sự đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại của QH, đề nghị QH sớm phê chuẩn Hiệp định EVFTA cũng như Hiệp định EVIPA.
Theo đại biểu, việc sớm thông qua 2 Hiệp định này sẽ đem lại cho Việt Nam chúng ta nhiều lợi ích, trước hết là thúc đẩy thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU.
Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU chiếm khoảng 11% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, trong đó, chúng ta xuất khẩu vào thị trường châu Âu khoảng 41,7 tỉ USD, chiếm hơn 16% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Khi Hiệp định được ký kết, các dòng thuế sẽ tiến về mức 0%, tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam có thể đi vào châu Âu nhiều hơn.
Bên cạnh đó, khi Hiệp định này được ký kết, người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện tiếp cận máy móc thiết bị với giá cả phải chăng, nhất là mỹ phẩm châu Âu.
Việc ký sớm 2 Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA cũng sẽ giúp chúng ta thu hút được dòng vốn đầu tư nước ngoài từ châu Âu; thông qua Hiệp định này giúp chúng ta có thể tiếp cận được các nhà đầu tư với công nghệ hiện đại từ châu Âu.
Thêm vào đó, Hiệp định EVFTA gồm nhiều nội dung về hoàn thiện thể chế nên sẽ thúc đẩy chúng ta sớm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường cũng như đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn…
Cuối cùng, theo đại biểu, thị trường châu Âu là thị trường rất khó tính, GDP bình quân đầu người cao, yêu cầu với hàng hóa rất cao nên sẽ thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hàng hóa chuyên nghiệp hơn… để chúng ta có thể được hưởng các điều kiện thuế quan từ Hiệp định.
Tuy nhiên, dẫn chứng thực tế từ các Hiệp định trước đây như Hiệp định CPTPP, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, để Hiệp định có thể đi vào cuộc sống cần làm tốt hơn trong công tác tuyên truyền đến không chỉ các doanh nghiệp mà còn cả trong bộ máy và các cơ quan quản lý nhà nước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được dòng thuế theo Hiệp định.
Vẫn theo đại biểu, trong Hiệp định, lời văn rất chặt chẽ, theo câu từ luật pháp nên cần nội luật hóa, cụ thể hóa bằng các văn bản cụ thể để triển khai theo Hiệp định.
Trong bối cảnh các nước châu Âu hiện đang gặp khó trong đại dịch Covid-19, việc tiếp cận thị trường này từ tháng 4 khó khăn, thậm chí nhiều đơn hàng bị hoãn nên trong thời tới, đại biểu đề nghị Chính phủ tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì xúc tiến thương mại, giữ khách hàng cũ ở thị trường châu Âu, tránh nguy cơ mất khách hàng sau đại dịch.
Về hoàn thiện thể chế, đại biểu Trần Hoàng Ngân chỉ ra rằng Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA đòi hỏi chúng ta phải hoàn thiện các văn bản luật pháp trước đây. Vì vậy, QH và Chính phủ cần xây dựng lộ trình đồng bộ nhất trong việc hoàn thiện hệ thống luật pháp để việc triển khai được thuận lợi hơn.
Tán thành với việc đề nghị QH sớm phê chuẩn 2 Hiệp định trên, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) kiến nghị, để việc thực thi 2 hiệp định đạt được những kết quả cao nhất, cần đổi mới thể chế kinh tế, hoàn thiện thể chế pháp luật theo các cam kết quốc tế, công khai, minh bạch; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, cải cách hành chính.
Theo ông Sơn, cần hoàn thành tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, tăng cường năng lực cạnh tranh ở 3 cấp độ là quốc gia; doanh nghiệp; và sản phẩm.
“Cần nâng cao khả năng tiếp nhận công nghệ mới hiện đại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp của châu Âu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lao động trong tương lai, trong đó trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao”, đại biểu kiến nghị.
Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn cho rằng, ngay cả khi các hiệp định trên có hiệu lực, chúng ta mới chỉ bắt đầu cuộc đua chứ không phải khởi đầu bữa tiệc.
“Nếu không thành công, chúng ta có thể ách tắc trong bẫy thu nhập trung bình, khi đó, tiệc thì người khác ăn, mà nợ thì chúng ta gánh. Do đó, trong cuộc đua này, tôi mong chúng ta rút được kinh nghiệm từ quá trình hội nhập 20 năm qua để có những kế hoạch, chiến lược và những thay đổi cả về thể chế để tận dụng thời cơ vàng này”, đại biểu nói.
EVFTA giúp GDP của Việt Nam tăng tới gần 8%
Trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa CHXHCN Việt Nam và Liên minh Châu Âu tại phiên họp sáng 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, Hiệp định sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 05 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 05 năm sau đó).
EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai thế giới và hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ). Thông qua Hiệp định này, Việt Nam có thể tiếp cận một thị trường tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người, GDP khoảng 15.000 tỷ USD chiếm 22% GDP toàn cầu.
Về trao đổi thương mại, Việt Nam và EU chủ yếu mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh lẫn nhau. Với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, EVFTA dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030, tập trung vào một số ngành như nhóm hàng nông sản (gạo, đường, thịt lợn, thịt gia súc gia cầm, lâm sản, đồ uống và thuốc lá), nhóm ngành chế biến, chế tạo (dệt, may mặc, da giày), nhóm ngành dịch vụ (vận tải thủy, vận tải hàng không, tài chính và bảo hiểm, các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác).
Về nhập khẩu, dự kiến nhập khẩu từ EU sẽ tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030, tập trung vào một số mặt hàng như phương tiện và thiết bị vận tải, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện điện tử, dược phẩm.
EVFTA giúp đa dạng hóa thị trường nước ta để không bị phụ thuộc vào sự giới hạn một số thị trường, đồng thời có sự tác dụng là đòn bẩy kích thích các đối tác khác tăng cường quan hệ thương mại - đầu tư với Việt Nam.
Về đầu tư, EVFTA là cơ hội để Việt Nam có thể thu hút thêm các nhà đầu tư từ EU trong các lĩnh vực như công nghiệp chế biến chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dịch vụ.
Về lao động, EVFTA dự kiến giúp tăng thêm khoảng 146.000 việc làm mỗi năm. Về thu ngân sách, dự kiến tổng mức giảm thu từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trên 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên tăng thu từ thu nội địa dưới tác động của đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế khoảng 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030.
Theo báo cáo thuyết minh của Chính phủ, đi cùng với những lợi ích, Hiệp định EVFTA cũng có một số thách thức, bao gồm: EVFTA tạo ra sức ép cạnh tranh từ hàng hóa và dịch vụ từ EU cho doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam; EVFTA bao gồm những quy định, quy tắc chặt chẽ về thủ tục đầu tư, hải quan, thuận lợi thương mại, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, các biện pháp kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả chủ trương cải cách thủ tục hành chính.
Các cam kết về lao động trong hiệp định cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp hay việc thành lập Nhóm tư vấn trong nước với sự tham gia của đại diện người lao động, các doanh nghiệp, nhà khoa học và các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam có thể làm gia tăng sức ép xã hội, xảy ra tranh chấp lao động quốc tế và tác động tiêu cực ảnh hưởng đến an ninh, trật tự quốc gia trong quá trình thực thi Hiệp định.
Cùng với CPTPP, EVFTA và EVIPA đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của Việt Nam. Việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA sẽ gửi đi thông điệp quan trọng về quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại diễn biến phức tạp; giúp đa dạng hóa thị trường của Việt Nam để không bị phụ thuộc vào một thị trường nào, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế.
Việc Việt Nam ký và phê chuẩn FTA với EU vào thời điểm này là phù hợp và đúng thời điểm, tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế và hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch Covid-19 qua các thị trường CPTPP và EU.
Về chính trị, trong lúc Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA năm 2020, sẽ góp phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong các cam kết quốc tế qua đó nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.