Thêm dạng thức trắc nghiệm trong đề
Chiều 11-3, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Bộ đang khẩn trương chuẩn bị công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 - kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên của học sinh Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Kỳ thi từ năm 2025 bảo đảm ba mục tiêu: Xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông; đánh giá chất lượng dạy, học; cung cấp dữ liệu đủ độ tin cậy cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Quang cảnh hội thảo.
Điểm mới của kỳ thi này so với hiện nay là thí sinh chỉ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (toán, ngữ văn) và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại ở lớp 12. Trong số này chỉ có ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Phương thức xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông là kết hợp giữa kết quả đánh giá quá trình và kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Theo ông Huỳnh Văn Chương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức kỳ thi; hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi.
Về những điểm mới trong cấu trúc định dạng đề thi từ năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin: Cấu trúc mới vẫn giữ nguyên 40 lệnh hỏi (ở hầu hết các môn). Đề thi các môn trắc nghiệm khách quan có thêm dạng trắc nghiệm mới nhằm hạn chế nhược điểm của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn, đồng thời thuận lợi hơn trong việc đánh giá học sinh. Đáng chú ý, ngân hàng đề sẽ được xây dựng có tính mở. Câu hỏi thi được lựa chọn từ đề khảo sát, đề kiểm tra học kỳ… của các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường.
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với cách thiết kế đề thi như vậy, xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên giảm từ 2,5 điểm xuống 1,975 điểm (môn toán), 2,35 điểm (môn vật lý, hóa học, sinh học...). Việc sử dụng dạng câu hỏi trắc nghiệm đúng/sai sẽ kiểm tra được đồng thời 4 biểu hiện năng lực trong cùng một câu hỏi. Với dạng trả lời ngắn, xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0, tư duy làm bài gần như bài tự luận.
|
Khuyến khích xét tuyển đại học bằng kết quả tốt nghiệp THPT
"Những học sinh chưa đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp như thế nào? Kỳ thi năm 2025 có hai môn lần đầu tiên xuất hiện trong danh sách môn thi tốt nghiệp (tin học, công nghệ), thí sinh cần lưu ý gì, phạm vi học ra sao? Khi thí sinh chỉ thi 4 môn, tổ hợp nhóm môn xét tuyển đại học từ năm 2025 của các cơ sở giáo dục đại học sẽ được xây dựng theo hướng nào, bao giờ công bố để học sinh có định hướng học tập, ôn luyện?..." - đây là những vấn đề được đề cập tại hội thảo.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoài Nam nhận định: Tổ chức thi theo phương án mới sẽ rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí cho địa phương và giảm áp lực cho học sinh nhưng vẫn bảo đảm mục tiêu. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn như môn tin học và công nghệ lần đầu tiên trở thành môn thi tốt nghiệp, vì vậy cần làm rõ việc chọn định hướng trong đề thi, thời điểm chọn định hướng trước khi dự thi... Cũng theo ông Lê Hoài Nam, các trường đại học hiện vẫn thận trọng đối với việc thực hiện các thay đổi trong xây dựng nhóm xét tuyển cho các mã ngành. Học sinh cần được biết sớm để có định hướng lựa chọn nguyện vọng.
Thông tin từ một giáo viên của tỉnh Nam Định nhận được sự quan tâm lớn của các đại biểu tham dự hội thảo. Thực tế thử nghiệm đề thi minh họa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 với học sinh của tỉnh Nam Định cho thấy, đề có tính phân hóa cao hơn. Hơn 90% học sinh đạt điểm trên trung bình. Điểm số học sinh đạt nhiều nhất là 6,5 điểm; số điểm 8 và 9 giảm dần và rất ít điểm 10. Quá trình thử nghiệm đề thi với dạng thức trắc nghiệm mới đòi hỏi học sinh phải học chắc, biết vận dụng kiến thức, xác suất ngẫu nhiên để có đáp án đúng là rất thấp. Vì vậy, các trường đại học có thể tin tưởng sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để làm căn cứ xét tuyển.
Hội thảo cũng ghi nhận một số ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học, trong đó khẳng định những năm qua, các trường đều tin tưởng, lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm phương thức tuyển sinh cơ bản. Vì vậy, những điều chỉnh trong phương án tổ chức kỳ thi, đặc biệt là trong việc xây dựng đề thi tốt nghiệp từ năm 2025 nhận được sự ủng hộ.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh học theo nhiều bộ sách giáo khoa. Việc xây dựng ngân hàng đề thi tốt nghiệp cần bảo đảm ngữ liệu không theo bộ sách nào, học sinh học bộ sách nào cũng có thể đáp ứng được yêu cầu. Căn cứ cấu trúc định dạng đề thi đã được ban hành, các sở giáo dục và đào tạo chủ động vận dụng, đưa vào đề kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ để học sinh được tập dượt.
Các trường đại học cần sớm nghiên cứu, thông tin về các nhóm tổ hợp xét tuyển sẽ được sử dụng từ năm 2025. Bộ khuyến khích các trường sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm căn cứ xét tuyển.
|
Thống Nhất - Hà Nội mới