Đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành cao tốc ngầm và công viên văn hóa, tâm linh

12/07/2022 09:09

Kinhte&Xahoi Đề án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt - Nhật) và các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch được đánh giá cao.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với UBND TP Hà Nội vừa tổ chức hội thảo khoa học: “Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt - Nhật) và các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt - JVE Group (đơn vị đề xuất dự án) cho biết, dự án có tổng chiều dài 12,6km, bắt đầu từ nơi hợp lưu của 5 trục đường giao nhau là: Hoàng Quốc Việt - Lạc Long Quân - Võ Chí Công (đường trên cao) - Hoàng Hoa Thám - Chợ Bưởi (thượng lưu), chạy dài dọc theo sông đến điểm cuối là đập Thanh Liệt (hạ lưu).

Ảnh phối cảnh đề án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt - Nhật)

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, dự án với 2 hợp phần chính gồm: Hợp phần hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm (ở phía dưới mặt đất) và cải tạo sông Tô Lịch thành “Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh” (ở phía trên sông Tô Lịch).

Trong đó, hệ thống đường cao tốc ngầm hoạt động 2 chiều riêng biệt kết nối vào ra tại các điểm nút giao thông huyết mạch của Thủ đô. Hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ.

Hệ thống hầm ngầm dài khoảng 11,65km bao gồm các máng thu đặt dọc một bên mép hè đường dạo dọc công viên lịch sử văn hoá, tâm linh Tô Lịch, sau đó chảy vào 9 giếng thu nước được bố trí tại 9 vị trí dọc theo sông, được kết nối với nhau bởi một đường hầm ngầm có đường kính D16,8m. Hầm ngầm dẫn nước chảy về một bể điều áp khổng lồ ở cuối tuyến (gần đập Thanh Liệt).

Bể điều áp được thiết kế để chứa được hàng triệu m3 nước đáp ứng các trận mưa lớn với cường độ mưa lên tới 500mm. Nước chứa từ bể điều áp sẽ được tiêu thoát ra sông Nhuệ bằng hệ thống máy bơm với công suất 200m3/s sau khi mực nước sông Nhuệ xuống thấp để đảm bảo chống ngập.

Đối với hợp phần thứ 2 là công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh Tô Lịch nằm ở phía bên trên. Hai bờ kè đá hộc mái dốc hiện có sẽ được phá dỡ và xây dựng lại thành bờ kè thẳng đứng; xây dựng đường dạo dọc hai bên lòng sông tại ví trí mái dốc kè thẳng xuống để tạo không gian đi bộ, tập thể dục cho người dân.

Quang cảnh hội thảo “Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt - Nhật)

Các công trình văn hoá như khu thực thể, khu tượng đài, khu văn bia… sẽ được xây nổi trên sông. Kết hợp với đó là là các cầu mái vòm nối hai bờ sông với độ cong mái phù hợp để thuyền rồng chở khách du lịch có thể qua lại bên dưới thuận lợi, dễ dàng.

Ông Tuấn Anh khẳng định, dự án sẽ không tác động đến khi dân cư ở 2 bên sông, không phải giải phóng mặt bằng trong quá trình thực hiện, không thu hẹp lòng sông, không bê tông hoá, cứng hoá đáy sông… Ngoài ra, dự án sẽ giải quyết dứt điểm mùi hôi thối và các nguồn gây ô nhiễm cả trong và ngoài sông; góp phần giải quyết tình trạng ngập úng của Hà Nội và vấn đề giao thông đô thị...

Cũng theo vị này, về phương án tài chính dự kiến đề xuất chủ yếu sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và một phần vốn đối ứng trong nước...

Đại diện JVE Group cho biết, đơn vị này đã có nhiều buổi làm việc với đại diện phía Nhật Bản và được phía bạn cho rằng chỉ cần cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đồng ý và có công thư là họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ, đặc biệt là nguồn vốn thực hiện dự án.

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, hiện nay thành phố đang triển khai đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô gồm: Tô Lịch, Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét và đã được UBND TP phê duyệt nhiệm vụ từ tháng 12/2021.

Theo ông Tuấn, đây là một đề án triển khai Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025 về xử lý vấn đề môi trường. Đặc biệt, để triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố Hà Nội cũng đã họp và giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp cận tổng thể để xử lý các nội dung liên quan đến sông Tô Lịch.

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng cho biết, theo định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định sông Tô Lịch có nhiệm vụ chính là phục vụ thoát nước cho đô thị, có chức năng là công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật thu gom nước mưa trong phạm vi lưu vực Tô Lịch để tự chảy ra sông Nhuệ khi mực nước sông Nhuệ nhỏ hơn hoặc bằng 3,5m.

Theo đó, TP Hà Nội đã nghiên cứu nội dung đề xuất của JVE Group là xây dựng dự án cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh. Dự án bao gồm các giải pháp tổ chức cảnh quan, xử lý ô nhiễm nước, thoát nước chống ngập kết hợp với ùn tắc giao thông. Việc đề xuất tạo ra các không gian đi bộ và xây dựng các công trình nổi trên mặt sông Tô Lịch mang đậm tính văn hóa lịch sử là một ý tưởng độc đáo, có tính ứng dụng trong quá trình nghiên cứu, triển khai.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng đây là những giải pháp tương đối mới về kỹ thuật và công nghệ, cần được xem xét. Bên cạnh đó nguồn lực để thực hiện đề xuất là rất lớn, cần có phương án tính toán kinh phí xây dựng, hình thức đầu tư để xem xét chứng minh tính khả thi của đề xuất.

Do đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đề nghị phía JVE Group tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đề xuất cải tạo sông Tô Lịch để làm cơ sở lấy ý kiến các chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền.

 Hậu Lộc - TTTĐ


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: Đổi mới, tinh gọn bộ máy hành chính

Chiều 11/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” chủ trì Hội nghị Thường trực Ban Chỉ đạo làm việc với Ban Cán sự đảng Chính phủ về dự thảo Đề án.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/de-xuat-cai-tao-song-to-lich-thanh-cao-toc-ngam-va-cong-vien-van-hoa-tam-linh-200814.html