Đề xuất chủ hộ kinh doanh được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Kinhte&Xahoi
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu nêu về việc thu sai BHXH đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Thanh tra)
Ngày 6/6, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu nêu về việc thu sai bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể.
Trả lời câu hỏi của Đại biểu Quốc hội về vấn đề thu sai đối tượng BHXH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ, thực hiện Nghị định số 01/2003/NĐ-CP, lúc đó, với chủ trương mở rộng độ bao phủ BHXH, BHXH Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn cho một số tỉnh về vấn đề đóng BHXH. Trong đó, có 54 tỉnh thu của 4240 đối tượng từ năm 2003 đến năm 2016. Đến năm 2016 thì có chủ trương dừng lại, nhưng có một số đối tượng vẫn nộp tiếp đến năm 2020 thì dừng hẳn.
Theo Bộ trưởng, về bản chất và đạo lý, việc thu tiền đóng BHXH này không có vấn đề gì sai nhưng chiếu theo quy định pháp luật lại vướng. Cụ thể, quy định pháp luật BHXH là người tham gia BHXH bắt buộc phải có hợp đồng lao động. Nhưng ở đây, các chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng lao động, chỉ có hợp đồng giữa chủ hộ kinh doanh với nhân viên của họ. Cho nên, nhân viên của họ được nộp BHXH bắt buộc còn các chủ hộ thì không.
"Về bản chất, chủ hộ kinh doanh vừa là người lao động, vừa có thu nhập, nên việc được tham gia bảo hiểm có thể coi là chấp nhận được nhưng pháp luật lại không quy định, nên có thể kết luận là sai đối tượng. Vì vậy, chúng tôi đã có trao đổi với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là làm sao sửa Luật BHXH tới đây cho phép chủ hộ kinh doanh được tham gia BHXH bắt buộc", Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định luôn đặc biệt quan tâm, dùng mọi cơ chế chính sách hỗ trợ người lao động. Năm 2021, cả nước đã chi từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 47.356 tỷ đồng hỗ trợ người lao động ảnh hưởng dịch COVID-19. Năm 2023, số dư quỹ này là 59.357 tỷ đồng. Hiện nay, Bộ Tài chính đang thiết kế gói hỗ trợ người lao động trình Chính phủ, Quốc hội, chi khoảng 23.000 tỷ đồng từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ lao động trong giai đoạn khó khăn. Như vậy, số dư quỹ sẽ còn khoảng 39.405 tỷ đồng.
Về chất lượng lao động, theo Bộ trưởng, nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, thì vấn đề lao động cũng theo thị trường. Do đó, đào tạo nghề cần theo dự báo đúng, nắm bắt được thị trường, đáp ứng nhu cầu người lao động mới thành công. Việc sắp xếp, tổ chức các trường nghề cũng phải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại mới thành công.
Trước đó, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, về vụ việc hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhiều năm mà nay bị “treo” lương hưu, Bộ trưởng LĐTBXH khẳng định việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc với hộ kinh doanh cá thể sai về chủ trương. Đây là trách nhiệm của BHXH Việt Nam và BHXH các địa phương. Việc này đã phát hiện, có cuộc làm việc với cơ quan BHXH và có văn bản chấn chỉnh. Tới đây, dự kiến trong chương trình xây dựng pháp luật có việc sửa Luật BHXH, cơ quan soạn thảo đã dự kiến đưa đối tượng chủ hộ kinh doanh vào diện đóng BHXH bắt buộc.
Lê Hải - Ngọc Huy - Pháp luật Plus