Thị trường du lịch đang ấm lên
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) chất vấn, thời gian gần đây du lịch nội địa có dấu hiệu phục hồi khả quan. Tuy nhiên, du lịch chỉ thực sự phục hồi khi thị trường thế giới phục hồi. Bộ có giải pháp nào để phục hồi thị trường du lịch?
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong đại dịch COVID-19, du lịch chịu tác động nhiều nhất. Du lịch Việt Nam chưa tính toán chi tiết nhưng thiệt hại rất lớn vì hầu như phải đóng băng mọi hoạt động. Chỉ từ giữa tháng 3, Chính phủ cho phép mở cửa lại du lịch thì khách nội địa mới tăng lên và đạt chỉ tiêu.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng
"Khách quốc tế năm nay đã đạt gần 1 triệu lượt, tăng 10 lần so với năm 2021, cho thấy thị trường du lịch đã ấm lên", ông Hùng nói.
Trong tình hình khách quốc tế ít, Việt Nam chọn giải pháp đẩy mạnh du lịch nội địa với các chương trình kích cầu. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao, nhất là doanh thu từ lữ hành như Khánh Hòa, Hà Nội, TP HCM. Các dịch vụ theo ngành du lịch cũng có tăng trưởng.
Dù vậy, khách quốc tế đang là vấn đề khó khăn. Doanh nghiệp lữ hành cần có thời gian để kết nối lại thị trường. Các địa phương cũng cần làm mới sản phẩm du lịch để phù hợp với thị hiếu du khách sau dịch là điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn về nhu cầu văn hóa. Đồng thời, các bộ liên quan cần phối hợp tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch đến Việt Nam.
Đến thời điểm này, so với các nước ASEAN thì số lượng khách đến Việt Nam không nhiều nhưng cũng hơn một số nước Philippines, Campuchia; thấp hơn Thái Lan, Malaysia. "Điều đó cho thấy chúng ta nên bình tĩnh tìm kiếm thị trường truyền thống", ông Hùng nói và cho biết 70% lượng khách quốc tế mà Việt Nam hướng đến là thị trường Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản và đang bị phụ thuộc vào chính sách phòng chống COVID-19 của các nước này.
Các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch cần được đồng bộ
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) hỏi, Nghị quyết về đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn nêu 8 nhóm giải pháp, trong đó có các chính sách ưu đãi về tiền điện, thuê đất. Bộ đã tham mưu Chính phủ thực hiện các chính sách này như thế nào?
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua, thị trường lao động đang có sự chuyển dịch và khó khăn về nguồn nhân lực. Đây không phải là khó khăn của riêng Việt Nam mà còn cả nhiều nước trên thế giới. Khó khăn tiếp theo của ngành Du lịch là về cơ sở vật chất. Sau thời gian dịch bệnh, cơ sở vật chất cần được nâng cấp, sửa chữa nhưng cũng chưa đủ, chưa đáp ứng được ngay trong một sớm một chiều.
Bộ cho rằng, các chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành Du lịch cần được đồng bộ. Trước hết, về chính sách, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các chính sách hiện có để hỗ trợ những đối tượng bị tác động trong dịch bệnh, giảm tiền điện cho các cơ sở lưu trú cũng được triển khai.
Bộ cũng đề nghị kéo dài thêm thời hạn để được hưởng các chính sách này, cho cả năm 2023 để nuôi dưỡng ngành còn khó khăn.
Về đào tạo, Bộ đã giao cho các trường liên kết chủ động với doanh nghiệp, đào tạo theo tín chỉ, đào tạo rút ngắn, cầm tay chỉ việc để có một lực lượng bắt tay vào làm ngay, khắc phục thiếu hụt. Bởi hiện tại, nhân lực làm công tác du lịch thì 70% làm ở các cơ sở lưu trú, 20% làm ở lữ hành và 10% ở dịch vụ khác. Đây là điểm nghẽn cần được tháo gỡ.
Bộ trưởng thừa nhận ngành đang đối mặt với nhiều khó khăn, trăn trở để tăng số lượng khách quốc tế và nội địa, phát triển sản phẩm du lịch.
Diệu Linh - TTTĐ