Đề xuất miễn học phí cho trẻ dưới 5 tuổi trường dân lập: Hướng tới công bằng giáo dục
Kinhte&Xahoi
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất mở rộng đối tượng được miễn học phí, bao gồm cả trẻ em mầm non dưới 5 tuổi tại các cơ sở dân lập, nhằm đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi học sinh, bất kể loại hình trường học.
Đề xuất miễn học phí cho trẻ dưới 5 tuổi trường dân lập: Hướng tới công bằng giáo dục. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Ngày 11/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú đã chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách miễn, giảm học phí. Dự thảo lần này được đánh giá là bước đi quan trọng nhằm mở rộng phạm vi thụ hưởng các chính sách hỗ trợ giáo dục, đặc biệt là đối với học sinh tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Theo Tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị quyết đề xuất miễn học phí cho ba nhóm đối tượng chính: trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, học sinh trung học phổ thông, và học sinh học văn hóa THPT tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đáng chú ý, dự thảo lần này cũng đề cập đến việc hỗ trợ học phí cho học sinh mầm non, phổ thông tại trường dân lập và tư thục – động thái nhằm hướng tới một chính sách giáo dục thống nhất và công bằng cho mọi đối tượng học sinh.
Bộ Giáo dục đề xuất bắt đầu áp dụng các quy định này từ năm học 2025–2026.
Tại buổi thẩm định, đại diện Bộ Quốc phòng, ông Nguyễn Văn Quý bày tỏ sự đồng thuận và nhấn mạnh sự cần thiết của chính sách. Đồng thời, ông đề xuất bổ sung nhóm trẻ em học tại các cơ sở mầm non thuộc Bộ Quốc phòng vào diện được miễn học phí, tương tự như tại các trường công lập.
Về phía Văn phòng Quốc hội, bà Đỗ Thị Kiều Dung cho rằng không cần quy định riêng về học sinh tiểu học trong nghị quyết này vì đã được quy định trong Hiến pháp và Luật Giáo dục. Bà cũng đề xuất rà soát kỹ các nhóm đối tượng đã được miễn học phí theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP để tránh chồng chéo chính sách.
Ngoài ra, bà Dung đặt vấn đề về tính hợp lý của việc hỗ trợ học phí cho học sinh tại các trường phổ thông chất lượng cao ở Hà Nội và các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài. Bà nhấn mạnh cần có cơ chế hỗ trợ phù hợp và thiết lập mức trần hỗ trợ học phí rõ ràng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tú lưu ý cơ quan soạn thảo cần rà soát lại phạm vi điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với Thông báo 13594 của Bộ Chính trị. Ông cũng đề nghị loại bỏ quy định "học sinh tiểu học trong cơ sở công lập không phải đóng học phí" vì đã được quy định đầy đủ trong luật hiện hành.
Tuy nhiên, theo ông Tú, một số quy định trong dự thảo vẫn chưa rõ ràng, thiếu tính khả thi và dễ gây lúng túng trong quá trình triển khai, nhất là khi đặt trong mối liên hệ với Nghị định 81 hiện hành. Ông yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính để đánh giá tác động tài chính cụ thể và hoàn thiện kỹ thuật lập pháp nhằm đảm bảo tính nhất quán trong hệ thống luật pháp.
nguonluc