Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Lê Hồng Sơn và Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Bộ Tư pháp Nguyễn Hồng Tuyến đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, việc hoạch định chính sách nông nghiệp, nông thôn trong sửa Luật Thủ đô phải khả thi, vượt trội, để tạo cơ sở pháp lý cho xây dựng Thủ đô văn minh, văn hiến, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Trình bày đề xuất chính sách của Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội - ông Tạ Văn Tường cho biết, chính sách “xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” được đề xuất nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của Thủ đô về nhân lực, khoa học công nghệ, vốn để đầu tư, phát triển nông nghiệp Thủ đô.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu khai mạc hội thảo.
Cụ thể, xây dựng và phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, nông nghiệp sinh thái, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ cao, tập trung sản xuất cây, con giống năng suất, chất lượng, giá trị cao cho cả nước; xây dựng nông thôn mới, xanh, hiện đại, gắn với phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch làng nghề giàu bản sắc văn hoá đặc trưng của Thủ đô; xây dựng người nông dân Thủ đô văn minh, có kỹ năng, trình độ, là chủ thể xây dựng, thụ hưởng thành quả phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Thành phố Hà Nội đề xuất chính quyền Thủ đô được ban hành các cơ chế đặc thù phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể: Được phân cấp xây dựng và phê duyệt các quy hoạch về nông nghiệp Thủ đô, bao gồm cả quy định các định mức kinh tế kỹ thuật để xây dựng và thực hiện quy hoạch về nông nghiệp.
Có cơ chế đặc thù để chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa sang các loại đất nông nghiệp khác, tích tụ, tập trung đất đai, huy động góp vốn bằng đất nông nghiệp vào các đơn vị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái (cho thuê đất qua ngân hàng đất đai hoặc ngân hàng quỹ đất, góp cổ phần bằng đất nông nghiệp).
Toàn cảnh hội thảo.
Đồng thời, Thành phố được ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ nghiên cứu bảo vệ, phát triển sản xuất các loại giống đặc sản bản địa có giá trị cao, hỗ trợ nhập các loại giống gốc giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu để hình thành các cơ sở sản xuất giống, cung cấp cho sản xuất của Thành phố cũng như cả nước; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến và kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi tuần hoàn, tạo thành chuỗi giá trị nông sản chủ lực của Thủ đô; phát triển thị trường công nghệ nông nghiệp trên cơ sở bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu hàng hoá gắn với tiêu chuẩn và thương hiệu địa phương.
Cùng với đó, Thành phố được ban hành cơ chế hỗ trợ ngoài quy định của trung ương về phát triển hợp tác xã kiểu mới (mô hình doanh nghiệp “đặc biệt”, phù hợp với tính xã hội của khu vực nông thôn; phát triển kinh tế trang trại, gia trại liên kết với phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn với tiêu thụ sản phẩm nông thôn, sản phẩm làng nghề giàu bản sắc văn hoá Thủ đô.
Thành phố cũng đề xuất được ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ về tài chính (cao hơn so với quy định của trung ương), khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư của cá nhân, tổ chức vào phát triển nông nghiệp, nông thôn (hỗ trợ đầu tư hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, công nghệ cao, sinh thái, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nông thôn; hỗ trợ lãi suất vay vốn đối với hợp tác xã, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, sản xuất giống; hỗ trợ tiền sử dụng đất, thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu đối với hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ nông nghiệp…).
Về cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Thành phố đề xuất có cơ chế hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật, vay vốn để chuyển đổi nghề phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, dịch vụ hỗ trợ đô thị; chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của hợp tác xã, doanh nghiệp và thị trường gắn với giải quyết việc làm phù hợp với nhu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu cách mạng khoa học 4.0 và chuyển đổi số nông nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội - ông Tạ Văn Tường trình bày đề xuất chính sách của Hà Nội.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng sống và chất lượng môi trường nông nghiệp, nông thôn, như: Quy định chính sách hỗ trợ nông dân, người lao động tại các tổ chức kinh tế nông nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, tham gia tổ chức công đoàn/tổ chức đại diện bảo vệ người lao động ở cơ sở; quy định và áp dụng các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, đặc biệt là các làng nghề.
Đồng thời, xây dựng và ban hành quy chuẩn môi trường làng nghề, làng nghề - du lịch của Thủ đô; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đầu vào, xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp; quy định biện pháp ưu đãi đầu tư, hỗ trợ xây dựng các khu vực thu gom, xử lý rác thải tập trung liên xã, liên huyện đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường nông thôn xanh, hiện đại.
Tổng kết phát triển kinh tế xã hội Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2015-2020 và tổng kết thi hành Luật Thủ đô cho biết, khu vực nông thôn của Thủ đô có diện tích sản xuất, cư trú chiếm 60% diện tích tự nhiên của Thành phố (1.960,09 km2). Hiện có 24 quận, huyện, thị xã/30 quận, huyện, thị xã thuộc Thành phố có sản xuất nông nghiệp, dân số tại các vùng ngoại thành nông nghiệp, nông thôn thuộc thành phố chiếm gần 50% dân số.
Sản xuất nông nghiệp đang đáp ứng 50 - 60% nhu cầu lương thực, thực phẩm cho Thành phố, nông nghiệp vẫn giữ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế Thủ đô và chiếm vai trò chủ đạo trong vùng Thủ đô với 10 tỉnh, Thành phố với quy mô không gian 24.000 km2, 20 triệu dân số, phần lớn sống ở khu vực nông thôn, với kinh tế nông nghiệp là chính. Do vậy nông nghiệp Thủ đô có ý nghĩa hạt nhân, là động lực lan tỏa trong vùng và toàn quốc…
Sau khi nghe trình bày đề xuất chính sách của Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học tham dự hội thảo đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho chính sách xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội cần đề xuất khi sửa đổi Luật Thủ đô.
Phương Thảo - LĐTĐ