Đi lên bằng “quan hệ”, chiêu bài không bao giờ cũ?
Kinhte&Xahoi
Vụ án Đinh Ngọc Hệ (tức “Út trọc”) lừa đảo chiếm đoạt số tiền 725 tỷ đồng tiền thu phí tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương đang gây chú ý với hàng loạt những thông tin mới “lộ sáng”.
Diễn biến mới nhất, đó là cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã lệnh kê biên hàng loạt tài sản thuộc sở hữu của nhân vật này.
Nhìn danh mục tài sản kê biên của “Út trọc” quả thực khiến người ta không khỏi “choáng”.
Ngoài tài sản bất động sản (quyền sử dụng đất có diện tích 247 m2 và tài sản trên đất ở Thảo Điền cùng căn biệt thự BT02 diện tích 143,5 m2 ở Khu nhà Licogi 13 tại Hà Nội) và số tiền 5,4 tỷ đồng trong ngân hàng thì hầu hết tài sản bị kê biên là vốn góp đầu tư.
Cộng lại giá trị số cổ phần (không kể vốn góp ở Khánh An) cũng đã đạt xấp xỉ 740 tỷ đồng. Không rõ số tài sản này trước đây có được Đinh Ngọc Hệ kê khai hàng năm theo quy định?
Ta thấy rằng, điểm chung là cổ phần hầu như đều được đứng tên bởi những tổ chức khác. Thế mới nói, chẳng lạ khi có những trường hợp cán bộ khi kê khai tài sản cá nhân thì không có gì ngoài lương và phụ cấp chức vụ, nhưng giả như có “vỡ lở” ra “phần chìm” nào đó, hiển nhiên lại là… của vợ, con! Than ôi, “ai đó” là doanh nhân lớn có hai quốc tịch mà cũng nhờ vợ con bảo lãnh cơ mà!?
Không thấy có tài liệu nào đề cập đến tiền cổ tức, lãi được chia hàng năm của “Út Trọc”, nhưng dễ đoán hẳn là không nhỏ. Dù vậy, có lật lại vấn đề này ở thời điểm hiện tại thì cũng không nhiều ý nghĩa, vì dẫu sao thì với giá trị danh mục tài sản kê biên nói trên, chúng ta hi vọng rằng, Nhà nước có thể thu hồi được những thiệt hại mà bị can này gây ra, không tái diễn tình trạng ở những vụ gây thất thoát nhiều nhiều tỷ đồng mà không thể thu hồi tài sản.
Tất nhiên, vì là “giá trị cổ phần” nên khi hoá giá còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu doanh nghiệp làm ăn tốt thì giá trị cổ phần có thể tăng, nhưng doanh nghiệp làm ăn không tốt thì thua lỗ có thể “ăn mòn” vốn.
Khi xác định nguyên nhân xảy ra vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra cho biết, hầu hết công ty mà “Út trọc” lập ra đều kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm… Họ có thể vay tín dụng, tham gia đấu thầu, đấu giá, liên danh, liên kết một phần là nhờ làm giả hồ sơ. Đây chẳng khác nào là “tay không bắt giặc”!
Nhưng nói nếu chỉ biến hoá số liệu, phù phép hồ sơ cho “hợp lý hoá” thì chắc rằng “Út Trọc” cũng khó thành công (có năng lực thật còn chẳng ăn ai nữa là giả?), cho nên “quân bài” chính nằm ở “quan hệ”.
Vậy cho nên, nếu vẫn còn tình trạng “xin cho”, còn kiểu làm ăn “sân sau”, bảo kê thì chiêu “núp bóng quan lớn” cũng sẽ không bao giờ là cũ!
Mấu chốt là phẩm chất của “quan lớn” hay là ở cơ chế khiến “quan lớn” có thể “bảo kê”? Có lẽ cả hai! Song song với chọn được cán bộ tốt thì cũng cần đảm bảo cơ chế không “để hư” cán bộ.
Mà về mặt cơ chế, về quy định pháp luật trong trường hợp quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương, cơ quan điều tra chỉ ra, chưa có văn bản pháp luật quy định cụ thể cho việc bán đấu giá tài sản Nhà nước trong trường hợp đặc biệt, có giá trị đặc biệt lớn. Quy định về bán chỉ định tài sản Nhà nước tại các văn bản còn có sự chồng chéo, chưa thống nhất dẫn đến cách hiểu và áp dụng không đúng. Ra văn bản mà để “hiểu kiểu gì cũng được” thì quả thực là rất nguy hiểm!
Vụ “Út trọc” chỉ là một trong nhiều ví dụ cho thấy “lỗ hổng” cả về con người lẫn cơ chế dẫn đến tham nhũng, lãng phí. “Trám” những “lỗ hổng” và “kẽ hở” đó của luật pháp là việc cần làm ngay thì mới xây dựng, hoàn thiện được một nhà nước pháp quyền thực sự.
Bích Diệp - Theo Dân Trí