Di tích người tiền sử được phát hiện ở Ba Bể
Kinhte&Xahoi
Một số di tích người tiền sử được phát hiện tại hang Thẳm Un, thuộc thôn Bản Pjạc, xã Quảng Khê (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn).
Các di tích trên được Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn phối hợp với đoàn khảo sát, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khảo sát và phát hiện.
Những di tích trên chủ yếu là đồ đá, đồ gốm và xương có niên đại cách đây khoảng 8.000 đến 10.000 năm.
Một số di tích tại hang Thẳm Un. (Ảnh: Báo Bắc Kạn).
Theo các nhà khoa học, di tích có 1 lớp văn hoá duy nhất dày khoảng 50cm, có độ kết cấu khá tơi xốp, được hình thành bởi đất sét trong hang đá có màu xám sẫm chứa di tích, di vật khảo cổ xen lẫn vỏ nhuyễn thể và xương răng động vật. Hố đào đã phát hiện được dấu tích của 2 bếp cổ trong tầng văn hóa và hàng trăm di vật đá. Đồ gốm tìm thấy ở lớp trên mặt, chưa phát hiện được dấu tích mộ táng.
Tất cả công cụ đá đều được chế tác từ những viên cuội sông suối, được tạo tác bằng kỹ thuật ghè đẽo còn thô sơ, loại hình đơn giản mang đặc trưng công cụ thời sơ kỳ Đá mới có niên đại từ 8.000 đến 10.000 năm cách nay.
Các dấu tích xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể ốc là tàn tích thức ăn của người xưa và là bằng chứng của phương thức kiếm sống săn bắt hái lượm của người nguyên thủy hang Thẳm Un.
Những mảnh gốm tìm thấy ở lớp trên có đặc trưng của gốm thời đại Kim khí với độ nung cao, xương gốm khá mỏng, hoa văn thừng mịn niên đại khoảng từ 2.500 năm đến 3.000 năm cách nay. Một số mảnh có dấu vết ám khói màu đen bám chặt, chứng tỏ đồ gốm đã được sử dụng đun nấu.
Theo kết quả nghiên cứu, Hang Thẳm Un là một di tích văn hóa tiền sử của nhiều thế hệ cư dân sinh sống. Lớp cư dân sớm nhất thuộc giai đoạn sơ kỳ Đá mới có niên đại khoảng 8.000 năm đến 10.000 năm cách nay. Sau đó có đợt địa chấn cục bộ làm cho nhiều tảng đá lớn trên trần hang rơi xuống, khiến cư dân đương thời phải rời bỏ đi nơi khác. Khoảng 2.500 năm đến 3.000 năm cách nay, cư dân thời đại Kim khí đã đến đây cư trú và để lại những di vật đồ gốm trong hang.
P. Họ - Pháp luật Plus