Nhân viên y tế Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với người dân thuộc diện F1 tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng.
Tiếp tục kích hoạt 4 kênh giám sát
Đề cập đến công tác phòng chống dịch tại Việt Nam, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến thời điểm này, Việt Nam cơ bản đã khống chế được đại dịch Covid-19. Tính đến cuối ngày 3/5, tròn 17 ngày Việt Nam không ghi nhận sự lây nhiễm trong cộng đồng. Điều kiện để công bố hết dịch theo quy định là không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định. Đối với bệnh Covid-19 là 28 ngày, được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế. Như vậy, liệu Việt Nam có triển vọng tiến tới công bố hết dịch hay không?
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu: “Trong bối cảnh người nhập cảnh vẫn còn về Việt Nam thời gian tới, nguy cơ trong cộng đồng vẫn còn nên chưa thể xác định được điều gì. Để công bố hết dịch hay không, Chính phủ còn phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh”.
Ông Trần Đắc Phu nhận định, sắp tới, Việt Nam có thể có thêm những ca mắc Covid-19 từ người nhập cảnh, tuy nhiên cũng không đáng lo ngại vì tất cả những trường hợp về nước đều được cách ly ngay. Điều lo nhất hiện nay là có thể có những ca dương tính ngoài cộng đồng. Để phát hiện ca bệnh trong cộng đồng, hiện phải thực hiện giám sát qua nhiều kênh. Thứ nhất, giám sát trong cộng đồng với những trường hợp nghi, sốt, ho, khó thở, kể cả những mệt mỏi không rõ nguyên nhân, điều tra dịch tễ nếu có yếu tố nghi ngờ thì nên tiến hành xét nghiệm Covid-19.
Kênh thứ hai, giám sát người vào phòng khám, vì nhiều trường hợp có biểu hiện sốt, ho có thể vào phòng khám đầu tiên.
Kênh thứ ba là phải giám sát ở hiệu thuốc như cách Hà Nội đang tiến hành. Theo đó, yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc lập sổ theo dõi thông tin người có triệu chứng ho, sốt, khó thở phải khai báo y tế.
Kênh thứ 4 là hệ thống giám sát nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng (SARI) và hệ thống giám sát cúm tại các bệnh viện. Mỗi trường hợp viêm phổi, cúm hay giống cúm vào bệnh viện được lấy mẫu làm xét nghiệm Covid-19 để phát hiện ngay người dương tính SARS-CoV-2.
Tuyệt đối không được chủ quan
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia cho biết, mặc dù nhiều ngày qua Việt Nam không ghi nhận ca mắc ngoài cộng đồng, nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Hiện, các nước trên thế giới, số ca mắc và tử vong vẫn còn cao, nhiều nước dịch chưa có dấu hiệu chững lại. Có những nơi trên thế giới xác định dịch sẽ còn kéo dài 18 - 24 tháng. Do đó, Việt Nam phải tiếp tục làm tốt việc cách ly những công dân Việt Nam từ nước ngoài về và phòng chống dịch trong cộng đồng.
Cũng theo Thứ trưởng Tuyên, “trong giai đoạn hiện nay, chúng ta xác định sống chung với dịch an toàn, bảo đảm mục tiêu kép, vừa làm kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ sức khỏe”.
Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ gần đây nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá về cơ bản đến nay Việt Nam đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, virus Corona chủng mới được đánh giá là "biến ảo", khó lường. Thực tế, nhiều nước trên thế giới đã rơi vào tình huống "làn sóng thứ 2" (được hiểu là kiểm soát tốt, hết dịch rồi nhưng tái bùng phát mạnh mẽ, thậm chí vỡ trận) do không kiểm soát được ca nhiễm trong cộng đồng. Gần đây nhất là trường hợp của nước Singapore.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu người đứng đầu các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 19/CT-TTg.
Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân cần thực hiện nguyên tắc "5 an toàn": Đeo khẩu trang, không tụ tập đông người; Giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người; Hạn chế ra ngoài, nhất là người có bệnh nền, mạn tính, người già; Vệ sinh khử khuẩn, không chỉ phòng Covid-19 mà còn phòng bệnh cúm, đặc biệt, bệnh tiêu hóa khi vào mùa Hè; Tiếp tục khai báo y tế khi có triệu chứng sốt, ho, khó thở.
|