Dịch Covid-19 sang giai đoạn mới, mất dấu F0, lây lan tại cộng đồng

02/04/2020 15:18

Kinhte&Xahoi Ổ dịch tại khoa Thần Kinh và khu căng tin, Bệnh viện Bạch Mai hay quán bar Buddha hiện không thể xác định được ca mắc Covid-19 đầu tiên (F0). Điều này cho thấy dịch đã lây lan tại cộng đồng.

Bộ Y tế đã xây dựng bốn kịch bản đối phó với dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 (Covid-19). Trong đó giai đoạn 1 là phát hiện ca bệnh xâm nhập, giai đoạn 2 là từ ca xâm nhập lây lan sang người Việt Nam, giai đoạn 3 là khi dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng, dưới 1.000 ca mắc. Tình huống thứ 4 là khi số mắc trên 1.000 ca. 

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết, hiện nay dịch Covid-19 tại Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn 3, khi dịch bệnh lây lan ra cộng đồng. 

Ảnh: Thế Anh. 

Trong giai đoạn trước Việt Nam chủ yếu ngăn chặn dịch Covid-19 từ bên ngoài xâm nhập vào (phát hiện ca bệnh xâm nhập, cách ly người nhập cảnh). Đầu tiên là áp dụng với Trung Quốc, tiếp theo là Hàn Quốc, Ý, Iran, sau đó đến toàn châu Âu và đến nay là với tất cả mọi quốc gia. Người bệnh được điều trị, cách ly tại cơ sở y tế. 

Và thực tế, với chiến lược này Việt Nam đã làm rất tốt. Chính vì làm tốt giai đoạn đầu nên Việt Nam đã trì hoãn được thời gian dịch lây ra cộng đồng. 

“Về mặt lâm sàng, chúng ta có thể chắc chắn một điều là chưa có ca bệnh nặng ngoài cộng đồng như tình hình các nước châu Âu, Mỹ hay như tại Vũ Hán, Trung Quốc. Tuy nhiên để đánh giá được mức độ lây lan ở cộng đồng đang ở ngưỡng nào cao hay thấp thì hiện tại chưa thể nói được mà cần phải có nghiên cứu, lấy mẫu tại cộng đồng”, TS Phu phân tích. 

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. 

Không xác định được bệnh nhân F0 tại nhiều ổ dịch

Theo TS Phu, có nhiều ca bệnh nhẹ, thậm chí không có triệu chứng, không vào bệnh viện thì không thể “bắt” được. 

Trước đây, những ca lây ra cộng đồng cơ quan chức năng có thể xác định được ca F0 như khu vực Trúc Bạch, Hà Nội liên quan bệnh nhân 17, khu vực Bình Thuận liên quan bệnh nhân 34. Tuy nhiên đến ổ dịch tại quán bar Buddha (TP HCM) hay Bệnh viện Bạch Mai (ổ dịch tại khoa Thần Kinh và khu căng tin của Công ty Trường Sinh) thì không thể xác định được đâu là ca nhiễm đầu tiên, nguồn lây. 

TS Phu cũng khẳng định không một quốc gia nào có thể trì hoãn được giai đoạn dịch lây lan ra cộng đồng. Tương tự tại Việt Nam điều này cũng sẽ xảy ra sớm hay muộn. Nhưng Việt Nam nhờ kiểm soát tốt dịch trong giai đoạn đầu mà trì hoãn được giai đoạn này lâu hơn.

“Trước khi chúng ta cách ly tất cả những người nhập cảnh thì trên những chuyến bay trước đó có thể đã có ca bệnh, như vậy đã có ca mắc Covid-19 ở trong cộng đồng- nghĩa là có sự lây lan trong cộng đồng. Nhưng phải khẳng định, Việt Nam đã làm tốt nên đến bây giờ số lượng người mắc mới ít như vậy, trong khi nhiều quốc gia từ khi có 100 ca lên 1.000 ca chỉ mất 7 ngày”, TS Phu nói.

Không thể tránh được dịch lây lan tại cộng đồng 

Theo TS Phu, Việt Nam giờ đã chuyển sang giai đoạn 3 với nguy cơ dịch lây lan ra cộng đồng rất cao. Nguyên tắc dập dịch của Việt Nam trong giai đoạn này là phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng dập dịch mạnh mẽ, dập “đám lửa nhỏ” không để bùng phát lên thành “đám lửa to”. Khoanh vùng triệt để thì dịch sẽ không bùng phát mạnh. 

“Nếu dịch lan quá mạnh, không khoanh vùng được sẽ tạo sức ép rất lớn lên hệ thống y tế. Khi đó tỉ lệ tử vong sẽ tăng cao do bác sĩ không thể dồn sức, tập trung cứu các bệnh nhân nặng”, TS Phu nó. 

Vì thế trong giai đoạn hiện nay cần thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo có thể chống dịch Covid-19 thành công. 

TS Phu cho biết, cách ly xã hội là làm sao hạn chế một cách tối đa việc người bị bệnh tiếp xúc với những người lành hoặc là hạn chế tối đa những người lành tiếp xúc với người bệnh để không lây nhiễm sang nhau, bởi vì virus lây theo tiếp xúc gần, khi chạm vào dụng cụ, bề mặt có virus của người bệnh thải ra bám vào. Tiếp xúc xã hội càng hạn chế được bao nhiêu thì càng phòng bệnh tốt bấy nhiêu. 

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. 

Cụ thể, người dân cần hạn chế tiếp xúc xã hội bằng cách thực hiện các yêu cầu trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ như nhà nào ở nhà đấy, xã nào ở xã đấy, huyện nào ở huyện đấy, tỉnh nào ở tỉnh đấy, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp... Những yêu cầu này là để hạn chế việc tiếp xúc với nhau để tránh lây lan dịch bệnh.

Việc tự cách ly tại nhà ít nhất 2 tuần sẽ giúp những người có triệu chứng nhẹ không biết mình mắc bệnh hoặc những người không triệu chứng có nguy cơ mắc bệnh không cơ cơ hội lây bệnh ra cộng đồng.

Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều 1/4, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết trong giai đoạn hiện nay việc thực hiện cách ly xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ rất quan trọng để ứng phó với tình huống dịch bệnh có thể lây lan mạnh trong khoảng 2 tuần tới.

Theo Thứ trưởng, bản chất cách ly xã hội có nghĩa là giãn cách xã hội. Người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và phải thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn dịch tễ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đó là cần giữ khoảng cách giữa người và người tối thiểu 2m, đeo khẩu trang. 

“Trong hai tuần tới là thời điểm quan trọng để ngăn chặn dịch này”, Thứ trưởng Long khẳng định.



CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Triển khai 30 chốt giám sát việc “cách ly toàn xã hội” của người dân Thủ đô

Trong đêm 1 và rạng sáng 2-4, Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng Thanh tra giao thông và y tế đã triển khai 30 chốt tại 30 vị trí xung yếu cửa ngõ, nút giao thông xung yếu từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội để giám sát việc chấp hành của người dân, thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố tại Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 31-3-2020 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

https://dantri.com.vn/suc-khoe/dich-covid-19-sang-giai-doan-moi-mat-dau-f-0-lay-lan-tai-cong-dong-20200402133339031.htm