Phát triển toàn diện chương trình Nông thôn mới
Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình xây dựng Nông thôn mới tại 2 nhiệm kỳ trước đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá là "toàn diện, to lớn và có tính lịch sử".
Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 40% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu; Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020...
Nông thôn mới đã góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân nông thôn
Đối với xây dựng huyện Nông thôn mới, mục tiêu là có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, trong đó ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn huyện Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Đến năm 2025, cả nước sẽ có 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; Đồng thời phấn đấu 60% số thôn, làng thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới theo các tiêu chí do UBND cấp tỉnh quy định…
Như vậy, so với giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 bổ sung một số mục tiêu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu và cấp thôn đạt chuẩn Nông thôn mới.
Để cụ thể hóa mục tiêu xây dựng Nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021, Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cho từng vùng, miền, làm cơ sở để các địa phương xác định mục tiêu cụ thể và triển khai thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế.
Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện chương trình, giải quyết triệt để những bất cập, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 6 chương trình chuyên đề, gồm: Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Phát triển du lịch nông thôn; Chuyển đổi số, hướng tới Nông thôn mới thông minh; Khoa học và công nghệ; Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, Trật tự trong xây dựng Nông thôn mới...
Đây là những nội dung trọng tâm, liên quan đến nhiều nội dung thành phần, cần có sự phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực và được tập trung chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương để nâng cao chất lượng các tiêu chí Nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn.
Hiện tại, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước với 100% số xã hoàn thành xây dựng Nông thôn mới; 15/18 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; Thành phố cũng đã có 48 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 100% số huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; 20% số huyện, 40% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao; 20% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu...
Bảo đảm khu vực nông thôn phát triển hài hòa, bền vững
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới cho biết: Chương trình xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được thiết kế không chỉ là xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế “cứng” mà còn chú trọng phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn.
Nói cách khác, chương trình kết hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa kinh tế, văn hóa và xã hội trên địa bàn nông thôn. Đây là những vấn đề mới so với giai đoạn vừa qua, nhưng sẽ bảo đảm khu vực nông thôn phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng sống cho người dân khi được tiếp cận giáo dục, y tế, dinh dưỡng, bình đẳng giới…
Nhấn mạnh việc xây dựng Nông thôn mới của mỗi địa phương đều có những đặc trưng riêng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, sau khi khởi động chương trình, Bộ đã chia nhỏ những vấn đề cần làm, đặc biệt ở những khu vực đặc thù để có những tư vấn, hướng dẫn sâu thêm cho các địa phương “kích hoạt” được những giá trị riêng trong xây dựng Nông thôn mới.
Chương trình Nông thôn mới góp phần bảo đảm khu vực nông thôn phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc
Trước mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lưu ý, trong giai đoạn tới, Chương trình Nông thôn mới không thể “mặc đồng phục” ở tất cả các địa phương. Hình ảnh Nông thôn mới cần dựa trên các giá trị truyền thống địa phương, tính đặc thù mỗi vùng miền, từ đó đa dạng về ý tưởng quy hoạch, kiến trúc cảnh quan nông thôn.
Đặc biệt, Bộ trưởng cũng đề cập tổ chức lại sản xuất là yếu tố quyết định tăng thu nhập nông dân, tổ chức lại sản xuất trên nền tảng tổ chức lại xã hội nông thôn theo hướng hợp tác, liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến, kinh doanh nông sản, các sản phẩm làng nghề.
Phát triển kinh tế nông thôn là điều kiện để tạo ra cơ hội việc làm ở nông thôn theo phương châm “ly nông, bất ly hương”. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là cách để thu hút người đô thị về với nông thôn, về với nông dân, là cách giới thiệu, quảng bá hình ảnh làng quê, gắn với tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề. Du lịch nông nghiệp, nông thôn còn là cách kích hoạt sự thay đổi nếp sống nông thôn theo hướng văn minh.
“Phát triển kinh tế nông thôn, dễ thấy nhất là tạo ra giá trị thu nhập tăng thêm trên một đơn vị diện tích. Hay nói rộng ra đó cũng là thực hiện chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực kinh tế nông thôn bao gồm hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất OCOP, doanh nghiệp khởi nghiệp. Mỗi địa phương cũng cần dành quỹ đất ươm mầm khởi nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh của mình và giúp người nông dân thích ứng với sự thay đổi mới”, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.
Huyền Thanh - TTTĐ