Đây là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh đánh thắng quân thù, giành thắng lợi quyết định của cuộc kháng chiến, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Lực lượng xung kích tấn công tiêu diệt cứ điểm Him Lam ngày 13-3-1954. Ảnh: TTXVN
Quyết định táo bạo, sáng suốt
Sau 8 năm kiên cường kháng chiến, lực lượng chính trị và quân sự của ta đã không ngừng lớn mạnh, làm thay đổi so sánh thế và lực trên chiến trường. Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân năm 1953-1954, kéo lực lượng cơ động chiến lược của Pháp ra chiến trường, từ đó ta có nhiều lợi thế để tiêu diệt. Phát hiện chủ lực ta tiến quân lên giải phóng Tây Bắc, thực dân Pháp vội đổ quân xuống Điện Biên Phủ, xây dựng tập đoàn cứ điểm mạnh, nơi được coi là bất khả xâm phạm. Giữ vững quyền chủ động, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiến công tiêu diệt quân địch ở Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định trong cuộc kháng chiến.
Bộ Tư lệnh chiến dịch được thành lập, sau khi đã đánh giá tình hình và hạ quyết tâm chiến đấu. Bộ Tư lệnh nhận thấy: Mặc dù ta đã tập trung phần lớn các đại đoàn chủ lực, cùng lực lượng vũ trang và nhân dân các địa phương trên địa bàn để đánh địch, đồng thời huy động hàng vạn dân công phục vụ chiến dịch, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là địch tăng thêm lực lượng, công sự và trận địa cũng được củng cố vững chắc hơn. Trong khi đó, trình độ tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn và khả năng tiêu diệt quân địch phòng ngự trong tập đoàn cứ điểm lớn của bộ đội ta còn nhiều hạn chế.
Với bản lĩnh kiên cường và trí tuệ sáng tạo cùng quyết tâm đánh thắng kẻ thù rất cao, Bộ Tư lệnh quyết định thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh”, sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là cách đánh ta sẽ tạo được sức mạnh ưu thế cả về binh và hỏa lực, phát huy sức mạnh, cách đánh sở trường của các lực lượng, từng bước phá vỡ thế trận liên hoàn và vững chắc của kẻ thù. Quyết định táo bạo, sáng suốt và đúng đắn của Bộ Tư lệnh đã nhận được sự đồng thuận rất cao của cán bộ và chiến sĩ toàn mặt trận.
Đoàn kết, phối hợp chiến đấu
Trong đánh địch, các lực lượng đã đoàn kết một lòng, anh dũng chiến đấu, hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh, pháo binh, phòng không và công binh tiêu diệt quân địch. Bộ đội ta đã vận dụng rất sáng tạo nhiều chiến thuật và biện pháp tác chiến, tiêu diệt nhiều cứ điểm và cụm cứ điểm, đánh tan quân địch phản kích, siết chặt vòng vây, cắt đứt mọi sự chi viện và tiếp tế, làm suy yếu và vây hãm chặt quân Pháp ở thung lũng Mường Thanh. Trong khi đó, phát huy tinh thần đoàn kết và phối hợp chiến đấu, quân dân Tây Bắc đẩy mạnh đánh địch, giải phóng nhiều địa bàn quan trọng, cắt đứt các đường vận chuyển tiếp tế bằng đường bộ và đường thủy của địch, tạo thuận lợi cho chiến dịch.
Cấp ủy và chính quyền trên cả nước đồng lòng chung sức, động viên sức người và sức của chi viện cho chiến trường. Hàng nghìn thanh niên lên đường nhập ngũ, hàng chục ngàn dân công hỏa tuyến, hàng ngàn tấn lương thực và thực phẩm cùng thuốc men được huy động phục vụ cho chiến dịch.
Quân dân Lào và Campuchia cùng quân tình nguyện Việt Nam ra sức đánh địch, phân tán và giam chân bộ phận quan trọng lực lượng cơ động chiến lược của quân Pháp, hỗ trợ cho mặt trận. Chính phủ và nhân dân nhiều nước, nhất là Liên Xô và Trung Quốc đã hết lòng ủng hộ nhân dân ta cả về vật chất và tinh thần. Nhiều tổ chức quốc tế, nhân dân yêu hòa bình trên thế giới và nhiều người dân Pháp đã xuống đường tuần hành, đòi chính phủ chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.
Có sự đoàn kết và phối hợp đánh địch của quân dân cả nước, cùng sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế, trải qua hơn 50 ngày đêm kiên cường chiến đấu, bộ đội ta chuyển sang tổng công kích, đánh thẳng vào trung tâm chỉ huy, buộc hàng nghìn tên địch phải hạ vũ khí đầu hàng. Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi to lớn của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của quân dân ngoài mặt trận, ở căn cứ địa, vùng tự do và vùng sau lưng địch, cùng sự giúp đỡ chí tình của bạn bè quốc tế, tạo thành sức mạnh tổng hợp đánh thắng quân thù. Với chiến thắng này đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Thực tiễn công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh... thời gian qua cho thấy, cấp ủy và chính quyền các cấp đã chủ động đánh giá tình hình, sáng suốt đưa ra quyết định đúng đắn, tạo sự đồng thuận và nhất trí cao để giành những thắng lợi quan trọng.
Như vậy, nếu chúng ta đoàn kết "trên dưới một lòng, dọc ngang thông suốt" thì việc gì cũng thành công. Bài học này từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ rất cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Thiếu tướng, PGS.TS Bùi Thanh Sơn
Theo Hà Nội mới