Số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2010, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện chỉ đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (khi đó hàng dệt may giữ vị trí dẫn đầu, đạt 11,2 tỷ USD, tỷ trọng chiếm 15,5%). Trong suốt giai đoạn 2011 đến 2021, nhóm hàng điện thoại và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng cao.
Tốc độ tăng lần lượt các năm là: 2011 tăng 177,2%; năm 2012 tăng 99,3%; năm 2013 tăng 66,7%; năm 2014 tăng 10,9%; năm 2015 tăng 28,3%; năm 2016 tăng 14,1%; năm 2017 tăng 32,2%; năm 2018 tăng 8,6%; năm 2019 tăng 4,9%; năm 2020 giảm 1,5% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2021 tăng 12,4%. Bình quân cả giai đoạn 2011-2021 tăng 34%.
Điện thoại và linh kiện vững vàng ở vị trí số 1 trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh hoạ
Đặc biệt, trong thời gian 4 năm từ 2010 đến 2013, giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại và linh kiện tăng 9,2 lần, đưa nhóm hàng này chính thức trở thành nhóm hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất và duy trì vị trí này liên tục từ 2013 đến nay.
Năm 2013, giá trị xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 21,3 tỷ USD, chính thức vượt qua mặt hàng dệt may (giá trị xuất khẩu đạt 17,9 tỷ USD) để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đến năm 2021, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 nhưng nhóm hàng này vẫn đạt tốc độ tăng cao và ổn định vững chắc, giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 57,5 tỷ USD, tỷ trọng chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong 11 tháng năm 2022, có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó: Điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 55,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả trên, nhóm hàng điện thoại và linh kiện tiếp tục giữ vững vị trí là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 16,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 11 tháng năm 2022.
Kim ngạch xuất khẩu hàng điện thoại và linh kiện của các thị trường chủ yếu đều đạt tốc độ tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 10,8%.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử phát triển nhanh, bền vững, cần xác định rõ chiến lược phát triển của ngành; trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá. Công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân do đó cần có kế hoạch phát triển dài hạn, có sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp; hỗ trợ cho các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam; thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Châu Anh - Pháp luật Plus