Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 268 ca nhiễm, hầu hết bệnh nhân đã xuất viện và chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và bạn bè quốc tế đều ca ngợi việc Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh và thành công trong công tác điều trị.
Nỗ lực của y tế Việt Nam
Nhân viên y tế Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với người dân thuộc diện F1 tại xã Mê Linh, huyện Mê Linh. Ảnh: Phạm Hùng.
Một thành công bước đầu vô cùng quan trọng, đó là sự kiện ngày 7/2/2020, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư công bố đã nuôi cấy và phân lập thành công virus corona mới SARS-CoV-2 và là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập và nuôi cấy thành công chủng virus này. Đầu tháng 4, nhóm các nhà khoa học tại Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư tiếp tục phân lập thành công thêm một nhánh virus SARS-CoV-2 khác từ những bệnh nhân trở về từ châu Âu.
PGS.TS Lê Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, virus gây Covid -19 đã tiến hóa thành nhiều nhánh. Ba nhánh đã được ghi trên thế giới. Việt Nam ghi nhận và phân lập được hai nhánh virus khác nhau, một là nhánh trên các bệnh nhân về nước từ Vũ Hán vào tháng 2 và hai là nhánh ở các bệnh nhân trở từ châu Âu vào tháng 3.
Về công tác điều trị, đến thời điểm này, Việt Nam là nước duy nhất nằm trong số các quốc gia trên thế giới có số bệnh nhân mắc Covid-19 trên 200 trường hợp nhưng chưa có ca tử vong. Tất cả bệnh nhân nặng, nguy kịch phải thở máy, lọc máu đều đã qua cơn nguy kịch. Riêng bệnh nhân thứ 91 - phi công người Anh là người có bệnh tình nặng nhất, đến thời điểm này không còn sốt, chức năng phổi đã cải thiện đáng kể.
Những tin vui liên tiếp, con số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tăng lên hàng ngày. Nhiều người hy vọng, dịch bệnh sớm được đẩy lùi và Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới nếu người dân tuân thủ các quy định về phòng dịch cũng như thực hiện theo khuyến cáo của ngành y tế.
Không chùn bước!
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (cơ sở 2) đang là nơi điều trị cho nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất cả nước. Các bệnh nhân nặng phải thở máy, can thiệp ECMO cũng được chữa trị tại đây.
Tính đến nay, đã có hơn 100 ca điều trị tại bệnh viện này được công bố khỏi bệnh, song không vì thế mà được phép chủ quan. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện, bản thân anh và đồng nghiệp luôn xác định nỗ lực hết mình để chữa trị cho các bệnh nhân.
"Bệnh viện vẫn còn lực lượng dự trữ, vẫn chia ca để dành sức và luôn sẵn sàng những tình huống phức tạp có thể đến. Dù mọi chuyện có thể xảy ra, kể cả nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, chúng tôi cũng không được phép chùn bước mà phải nỗ lực cao nhất" - anh nói.
Còn theo bác sĩ Đỗ Thị Phương Mai - Phó Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, trong giai đoạn 2, lượng bệnh nhân tăng lên rất nhiều và nhanh. Bệnh cảnh lâm sàng cũng nặng hơn rất nhiều, phải hồi sức rất tích cực.
"Điều trị bệnh nhân Covid-19 thực sự khó khăn bởi đây là bệnh mới, cơ chế gây bệnh còn chưa rõ ràng. Mỗi bệnh nhân lại có những triệu chứng và tiến triển bệnh khác nhau". Đối mặt Covid -19, các bác sĩ đọc tài liệu nước ngoài để tham khảo với hội đồng chuyên môn, đưa ra phác đồ ngay từ giai đoạn đầu chống dịch, và cập nhật những điểm mới hàng ngày.
Các thầy thuốc sau đó cân nhắc tìm các loại thuốc và liều lượng thích hợp với người bệnh. Có những loại thuốc vốn được dùng để điều trị bệnh khác, nhưng có những tác dụng khác có thể áp dụng trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Có những trường hợp tiến triển bệnh rất chóng vánh, sáng đang ở mức độ nhẹ, chiều đã khó thở, suy hô hấp, phải chuyển xuống Khoa Cấp cứu. Lúc đó các bác sĩ phải trăn trở suy tính cách điều trị.
Điều may mắn cho đến nay, theo các bác sĩ, là trong quá trình điều trị, bệnh nhân đáp ứng tốt. Các thuốc có trong phác đồ của thế giới, Việt Nam đều đang sử dụng hiệu quả.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư.
Tập hợp những chuyên gia giỏi nhất
Có thể nói, những thành công trong công tác chống dịch của Việt Nam đến thời điểm này đã được thế giới ghi nhận, đặc biệt là thành công trong công tác điều trị. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19, nhưng Việt Nam đã dựa trên tình trạng từng bệnh nhân và áp dụng phác đồ phù hợp.
Chẳng hạn, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ vừa điều trị, vừa cho bệnh nhân súc họng bằng dung dịch sát khuẩn. "Tài liệu nước ngoài chưa từng đề cập cách này, nhưng qua kinh nghiệm điều trị và bằng chứng khoa học về chăm sóc bệnh nhân thở máy, chúng tôi áp dụng biện pháp súc họng giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, ngăn ngừa virus. Đây là biện pháp khác biệt của Việt Nam" - bác sĩ Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết.
Ngoài ra, các bác sĩ theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu sinh tồn, kịp thời phát hiện những dấu hiệu tiến triển nặng của bệnh nhân như suy hô hấp, suy tuần hoàn để có các biện pháp can thiệp kịp thời. Trường hợp bệnh nhân thiếu oxy nặng, dai dẳng hoặc thất bại với các biện pháp điều trị thông thường, sẽ được cân nhắc chỉ định và sử dụng các kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO) cho từng trường hợp.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đã tập hợp những chuyên gia giỏi nhất của Việt Nam về truyền nhiễm, hồi sức tích cực, nhi khoa, kiểm soát nhiễm khuẩn, cận lâm sàng… để hỗ trợ về chuyên môn với các tuyến, kể cả vùng sâu, xa trong việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
“Với 4 phương châm tại chỗ: “cách ly tại chỗ”, “điều trị tại chỗ”, “nguồn lực tại chỗ” và “chỉ huy tại chỗ” cùng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, đồng bộ của các bộ, ngành và nỗ lực của các thầy thuốc, sự hợp tác của người bệnh, đồng lòng của người dân với tinh thần "chống dịch như chống giặc”, đã giúp Việt Nam nhanh chóng hạn chế được sự lây lan của dịch bệnh và điều trị thành công cho các ca bệnh Covid-19” - Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Nghiên cứu dùng huyết tương trong điều trị
PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện Việt Nam đang tích cực triển khai một số nhóm giải pháp, biện pháp khác trong điều trị bệnh Covid-19. Phía Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư và hệ thống các viện huyết học tiến hành lấy máu, chiết tách huyết tương của bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh để nghiên cứu, sử dụng điều trị cho người bệnh nặng theo phác đồ đã được WHO khuyến cáo cùng với các phác đồ của nước bạn như Cuba, Nhật Bản, Pháp.
Mục đích của việc nghiên cứu sử dụng huyết tương của bệnh nhân đã khỏi bệnh để điều trị các bệnh nhân nặng. Trong huyết tương của người đã khỏi bệnh Covid-19 chứa một số lượng lớn các kháng thể có thể chống lại virus SARS-CoV-2. Tại Trung Quốc một số bệnh nhân nặng cũng đã được điều trị bằng liệu pháp huyết tương chứa kháng thể này. Kết quả cho thấy những hiệu quả nhất định.
Trước đó, huyết tương đã chứng minh công dụng trong các cuộc thử nghiệm quy mô nhỏ nhằm điều trị các căn bệnh truyền nhiễm như Ebola và SARS.
Mỗi bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, là niềm vui vô bờ của người thầy thuốc. Số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh vẫn đang tăng lên từng ngày. Và hy vọng, Việt Nam sẽ sớm công bố hết dịch - đây cũng là mong mỏi, là động lực để những chiến sĩ áo trắng nỗ lực nhiều hơn.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong điều trị bệnh Covid-19, đối với điều trị các bệnh nhân Covid-19, nếu chúng ta quyết tâm và nỗ lực để không bệnh nhân nào tử vong, đó không chỉ là cứu sống bệnh nhân như bình thường mà còn là niềm mong mỏi của tất cả chúng ta, tạo niềm tin, sự thành công và là tự hào của ngành y Việt Nam.
"Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư vẫn còn lực lượng dự trữ, vẫn chia ca để dành sức và luôn sẵn sàng những tình huống phức tạp có thể đến. Dù mọi chuyện có thể xảy ra, kể cả nhân viên y tế bị nhiễm bệnh, chúng tôi cũng không được phép chùn bước mà phải nỗ lực cao nhất" - bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư |