DN một quý bị thanh tra 18 lần: Lo ngại cán bộ lợi dụng "ăn tiền"

14/07/2020 14:32

Kinhte&Xahoi Thông tin về "DN một quý bị thanh tra 18 lần, kết quả chỉ phát hiện 4kg hoa quả không rõ nguồn gốc" khiến cộng đồng DN đặt câu hỏi về vai trò của thanh, kiểm tra. Đặc biệt, DN lo ngại tình trạng cán bộ lợi dụng thanh, kiểm tra để "ăn tiền", gây khó cho họ.

Thông tin về "doanh nghiệp một quý bị thanh tra 18 lần, kết quả chỉ phát hiện 4kg hoa quả không rõ nguồn gốc", được ông Phạm Đình Vũ, Chánh văn phòng Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm chánh văn phòng Hội đồng trung ương các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, cho biết tại buổi họp mặt các hiệp hội doanh nghiệp khu vực ĐBSCL năm 2020 đang thu hút được nhiều quan tâm trong dư luận thời gian qua.

Theo ông Vũ, liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, nghị quyết của Chính phủ nêu rõ là chúng ta không thanh tra quá một lần trong năm, nhưng ngay tại thủ đô Hà Nội chúng tôi biết có những doanh nghiệp làm thương mại một quý phải đón... 18 đoàn thanh tra.

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ là chúng ta không thanh tra quá một lần trong năm

"Câu chuyện ở đây là kết quả thanh tra chỉ nêu được doanh nghiệp đó chỉ nhập 4kg hoa quả không xuất xứ nguồn gốc, phạt 18 triệu đồng. Với số lần thanh tra nhiều mà kết quả thu được từ các lần thanh tra như vậy có đáng không. Đây là câu chuyện cần xem xét", ông Vũ cho hay.

Cán bộ lợi dụng hình thức thanh tra để "ăn tiền" doanh nghiệp?

 Trao đổi với Dân Việt về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, câu chuyện nói trên không phải là vấn đề hình thức như mọi người vẫn nói. Quy định, chỉ thị của Thủ tướng thanh tra không quá 1 lần trong một năm, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 thì nên giảm thiểu, thậm chí không thanh tra để tạo cơ hội cho DN tập trung phục hồi kinh tế. Tuy nhiên bên lề của câu chuyện vẫn còn nhiều bất cập.

Theo ông Đức, một trong những việc khiến việc thanh tra, kiểm tra nhiều lần bởi hiện tại Việt Nam có rất nhiều Bộ. Trong đó, số lượng các Bộ liên quan đến DN chiếm số lượng nhiều. Mỗi đơn vị như vậy sẽ phải chịu trách nhiệm với công việc của mình phụ trách, nên nếu không tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, khi xảy ra vấn đề sai phạm ở mảng mình phụ trách không tìm ra được người chịu trách nhiệm.

Bên cạnh đó, chưa có quy định nào kết hợp tất cả Bộ, ngành lại với nhau. Bao giờ có quy định chỉ có Thanh tra Chính phủ được quyền thanh tra DN thì lúc này mới có thể hạn chế được việc thanh tra, kiểm tra. 

"Chức năng của thanh tra chính là phát hiện, xử lý các vi phạm để xử lý, chấn chỉnh những sai sót kịp thời. Những DN không vi phạm có khi 100 năm chẳng bị thanh tra. Ngoài ra, còn qua bao nhiêu khâu quản lý, liên quan đến cơ quan chức năng như kiểm toán, lao động, PCCC... cần thiết phải thanh tra. Do đó, không có khái niệm DN bị thanh tra mấy lần, có nơi có thể bị thanh tra 20 lần vì hôm trước đã thanh tra nhưng hôm sau lại phát sinh vấn đề khác do đơn vị khác tiến hành", luật sư Trương Thanh Đức cho hay.

Tuy nhiên, ông Đức cho rằng, trong công tác thanh tra, kiểm tra, câu chuyện tiêu cực nhiều năm qua vẫn là vấn đề nhức nhối của Chính phủ. Thực tế cho thấy không ít trường hợp cán bộ lợi dụng hình thức thanh tra để hạnh họe, ăn tiền, gây khó dễ cho DN. Điều này khiến DN sợ thanh tra, sinh ra tâm lý đối phó khi các đoàn thanh, kiểm tra xuất hiện.

 Luật sư Trương Thanh Đức

Cần công khai minh bạch mọi cuộc thanh, kiểm tra

 Ngoài ra, không có gì để đảm bảo tất cả mọi cuộc thanh tra đều không có yếu tố tiêu cực giữa cán bộ thanh tra và DN. Đây là câu chuyện hệ thống, đường dài, mà muốn sửa được phải bắt đầu từ gốc, rễ của vấn đề. Luật pháp còn có nhiều kẽ hở, bản thân quan chức kéo vây cánh, bao che cho nhau, xử lý xử phạt chưa thực sự răn đe.. đa số là những sự việc khó nói, khó đề cập đến bằng ngôn từ được.

"Có DN muốn thanh tra vào khi họ cảm thấy còn việc chưa rõ, chưa hiểu, lúc này từ những kết luận của thanh tra, DN sẽ tiếp nhận, sửa đổi để không lấn sâu vào sai phạm. Do đó, nếu DN thượng tôn pháp luật thì công tác thanh tra, kiểm tra sẽ là yếu tố giúp sức cho sự phát triển bền vững chứ không phải cứ thanh tra là có vi phạm", ông Đức nói.

Trước thực trạng nói trên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, nhà nước cần quy định phải công khai minh bạch tất cả mọi cuộc thanh, kiểm tra lớn nhỏ lên mạng Internet, và tại cổng thông tin của Bộ, ngành tiến hành thanh tra.

Đồng thời, với những trường hợp DN tiến hành giải trình hay chưa hài lòng với kết quả thanh tra, các Bộ, ngành liên quan sẽ lập luận, chứng minh các điểm sai phạm, không để việc áp đặt dẫn đến việc sai đúng lẫn lộn tồn tại.

Công khai sẽ đưa ra vấn đề cho cả DN và cơ quan chức năng đối thoại với nhau, với sự giám sát của xã hội, đóng góp ý kiến chuyên gia trong tranh luận kết luận đã đúng hay sai. Cả nước biết, hàng triệu DN yên tâm rằng trường hợp tương tự như trên là không vi phạm, hoặc né, tránh, khắc phục xử lý các sự việc sai trái. Tránh tình trạng tù mù những vấn đề mà chính bản thân DN cũng không biết mình đang vi phạm. Đấy, mới là thỏa mãn mục đích của thanh tra là chấn chỉnh, rút kinh nghiệm.

"Ngày xưa không làm được việc đấy, nhưng bây giờ thì cần phải công khai minh bạch. Nó giúp những DN bị oan ức, bắt nạt. Tất nhiên, trường hợp DN có sai trái nên sử dụng hình thức đi đêm, thanh tra tranh thủ kiếm ăn, tiến hành bắt tay nhau thì lúc này, cần hơn những chế tài xử lý thật mạnh tay ở chính quyền mới mong hạn chế được tiêu cực", ông Đức chia sẻ.

Quang Dân  -  Theo Dân Việt


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kỳ họp đặc biệt trong lịch sử của Quốc hội Việt Nam

Đó chính là Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa qua. Sự đặc biệt này là do Kỳ họp được chuẩn bị và tổ chức trong điều kiện vừa phải thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phải hoàn thành các nhiệm vụ trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/dn-mot-quy-bi-thanh-tra-18-lan-lo-ngai-can-bo-loi-dung-an-tien-d129386.html