Hội nghị Đối ngoại toàn quốc.
Bất kỳ quốc gia, dân tộc nào trong quá trình hình thành và phát triển của mình cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại. Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau như hai cái cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ với nhau, nhất là trong điều kiện toàn cầu hoá phát triển mạnh mẽ và sâu rộng. Đối ngoại ngày nay không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội, mà còn là một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của các quốc gia, dân tộc.
Trong hơn 35 năm đổi mới, tính từ năm 1986 đến nay, kế thừa và phát huy truyền thống đối ngoại vẻ vang của đất nước, nhất là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đặt nền móng cho nền ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh, Đảng ta đã kế thừa và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở vì hoà bình, hợp tác và phát triển, thực thi chính sách đối ngoại đa phương hoá, đa dạng hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Vị thế và uy tín quốc tế của nước ta trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực và đầy tinh thần trách nhiệm vào việc giữ vững hoà bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới...
Hội nghị đối ngoại với quy mô toàn quốc, lần đầu tiên được tổ chức cho thấy sự quan tâm, chú ý đặc biệt của cả hệ thống chính trị đối với công tác đối ngoại sau khi Đại hội XIII đã xác định vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam, được triển khai đồng bộ, hiệu quả, dựa trên ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Đối ngoại nhân dân vừa là nét đặc sắc, sáng tạo, vừa là vốn quý, kinh nghiệm quý giá trong lịch sử ngoại giao đất nước. Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, đối tượng và đối tác đan xen; vừa đấu tranh, vừa hợp tác, hơn lúc nào hết đối ngoại nhân dân phải phát huy tiềm lực, vị thế của đất nước, ưu thế của đối ngoại nhân dân, đi đầu xây dựng, củng cố lòng tin, nền tảng xã hội hữu nghị và hợp tác với các nước, tranh thủ sự ủng hộ và nguồn lực quốc tế, tạo lập môi trường hòa bình, thuận lợi cho việc tăng cường quan hệ giữa các quốc gia.
Xin nhớ rằng, đối ngoại nhân dân không phải là nhiệm vụ riêng của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, mà là nghĩa vụ của tất cả mọi người Việt Nam yêu nước. Mỗi công dân ra nước ngoài, tiếp xúc với bạn bè quốc tế ngay ở trong nước, đều phải hiểu trách nhiệm và nghĩa vụ quảng bá hình ảnh về đất nước, con người.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus