Theo thông tin mới nhất liên quan đến vụ việc nhóm thanh niên, trong đó có một người đóng giả Bác Hồ và nhiều lần nói: "Tôi nói đồng bào có nghe rõ không?" đã bị cơ quan CSĐT Công an quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội triệu tập.
Danh tính nam thanh niên đóng giả Bác Hồ trong đêm Halloween tại quán bar được cảnh sát xác định là Đ.T.N (SN 1976, hiện đang thường trú ở quận Đống Đa, TP Hà Nội). Sự việc nêu trên không chỉ thu hút dư luận mà còn dấy lên sự bức xúc của nhiều người.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Vũ Thị Nhung – Công ty Luật TNHH Thái Hà, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Hành vi nêu trên, dù chưa xét đến quy định của pháp luật thì cũng đã trái với luân thường đạo lý, trái với đạo đức xã hội.
Luật sư Vũ Thị Nhung đưa ra nhận định về mức xử lý đối với đối tượng giả danh Bác Hồ.
Bác Hồ là người cha già, là vị lãnh tụ đầu tiên cũng như vĩ đại nhất của dân tộc ta bởi công lao giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, đánh đổ ách áp bức, thống trị của chế độ thực dân, từ đó mang lại độc lập, tự chủ cho nhân dân Việt Nam.
Đối tượng giả danh Bác Hồ nếu chưa biết ơn, chưa thể ghi nhớ công lao của Bác cũng có thể thông cảm, có thể giáo dục, tuyên truyền sau nhưng việc lấy Người ra để trêu đùa, bỡn cợt hay dùng làm một hình thức để câu khách, tư lợi thì thật đáng lên án và nghiêm trị.
Vấn đề này, pháp luật nước ta cũng quy định rõ trong Luật An ninh mạng đang có hiệu lực thi hành. Theo đó, bất kỳ hành vi nào thể hiện thái độ thiếu chuẩn mực, có dấu hiệu xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc đều không phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội, có dấu hiệu vi phạm Luật An ninh mạng.
Cụ thể, tại khoản 1, điều 8; điều 16 và điều 18 Luật An ninh Mạng năm 2018 đã nghiêm cấm sử dụng không gian mạng để đăng tải, phát tán thông tin có nội dung xúc phạm lãnh tụ, danh nhân, danh hùng dân tộc; tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân.
Đối với sự việc cá nhân hóa trang giống Bác Hồ đi vào quán bar, để có thể xử lý toàn diện, tránh bỏ lọt tội phạm, cơ quan chức năng sẽ xác minh đối tượng đó và những người có liên quan xoay quanh vấn đề: Thực hiện hành vi nhằm động cơ, mục đích gì? Có ai xúi, giục hay ép buộc đối tượng thực hiện không?
Bên cạnh đó, luật pháp cũng có chế tài đối với hành vi nêu trên. Tùy theo tính chất, mức độ hậu quả của hành vi, đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, tại khoản 7, điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có quy định: Hành vi tuyên truyền, kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự… sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng.
Bên cạnh đó, quá trình điều tra, xác minh làm rõ sự việc, nếu có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị xem xét, xử lý hình sự về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân".
Hình ảnh nhóm đối tượng trong đó có một đối tượng giả danh Bác Hồ được đăng tải trên mạng xã hội (ảnh cắt từ clip).
Theo đó, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì sẽ phải chịu hình phạt tù cao nhất lên đến 7 năm tù giam.
Cùng đưa ra quan điểm về vấn đề này, Luật gia Lê Nữ Hoàng Quyên – Công ty Luật TNHH MTV Ta Pha – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: Một người thực hiện hành vi đều có mục đích, động cơ riêng. Hành vi của đối tượng giả danh Bác Hồ sai trái là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng cần tập trung, làm rõ có cá nhân, tổ chức nào đứng sau xúi giục hay bỏ tiền thuê đối tượng giả danh này không. Điều này sẽ đảm bảo yếu tố toàn diện, khách quan trong quá trình điều tra và đưa ra kết luận về sự việc.
Ngoài ra, quán Bar nơi đối tượng giả danh Bác Hồ trêu đùa, có hành xử thiếu nghiêm túc có liên quan đến sự việc không cũng là yếu tố then chốt trong quá trình điều tra và tránh việc đánh giá sai bản chất hay bỏ lọt tội phạm. – Luật gia này nhấn mạnh.
Gia Hải - Pháp luật Plus