Người dân chèn chống nhà cửa chống bão số 9.
Hiện thời gian không còn nhiều, các tỉnh nơi dự báo bão số 9 trực tiếp đổ vào như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quang Nam đang hoàn thành các phương án ứng phó trước 18h chiều tối nay. Người dân được yêu cầu tuyệt đối không nên ra đường trong thời gian bão vào cho đến 18h tối nay, trừ lực lượng công vụ.
Để đối phó với “siêu bão”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo thành lập sở chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo để ứng phó với bão số 9 có khả năng đổ bộ vào khu vực Đà Nẵng - Phú Yên ngày 28/10.
Các tỉnh miền Trung vừa qua “lũ chồng lũ”, "bão chồng bão". Bài học chung là không được chủ quan, nếu bão có vào thì cũng đỡ thiệt hại, bão không vào thì cũng rút ra được kinh nghiệm trong công tác ứng phó. Nếu đúng như dự báo, thì cơn bão số 9 sẽ rất mạnh, tiềm ẩn thiệt hại rất lớn. Do vậy, hơn bao giờ hết, các địa phương chỉ có một lựa chọn: chủ động ứng phó với tinh thần cao nhất.
Ưu tiên số 1 là phải đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân ở tất cả các khu vực, từ trên biển với hoạt động tàu thuyền, nuôi trồng thủy hải sản. Các địa phương đang tranh thủ từng giờ, từng phút thông báo, kêu gọi tàu thuyền biết để vào nơi tránh trú bão an toàn, không để người dân ở lại khu vực lồng bè khi bão vào.
Từ sáng qua, Đà Nẵng, nơi được dự báo “tâm bão”, người dân Đà Nẵng đã gấp rút đưa tàu thuyền vào bờ, chèn chống nhà cửa và hoàn thành sơ tán dân đến nơi an toàn trước 15h. Người dân các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi đều khẩn trương như vậy.
Ngay lúc này, không được chủ quan. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã dẫn bài học từ việc sạt lở núi ở Quảng Trị làm 22 người tử vong, vị trí sạt có thể kéo dài hơn 1 km, do đó các địa phương không thể không tính toán kỹ lưỡng di dân đến khu vực thực sự an toàn.
Các địa phương được dự báo nằm trong vùng ảnh hưởng của bão đã được yêu cầu không tổ chức các cuộc họp, trừ các cuộc họp đặc biệt quan trọng. Những địa phương công việc cấp bách trước mắt là tập trung cho ứng phó với bão lũ, sẵn sàng lực lượng và phương tiện để cứu hộ, cứu nạn.
Bão chưa vào đã lo, bão tan cũng thường trực lo lắng. Bởi sau bão, công tác khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn rất quan trọng. “Các lực lượng liên quan, trước hết là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng phải cử lực lượng hỗ trợ người dân ứng phó với mưa bão.
Thậm chí có thể phải triển khai xe tăng, trực thăng để cứu dân gặp nạn", Thủ tướng nhấn mạnh điều này. Bởi thực tế, rất nhiều trường hợp đã xảy ra, công tác cứu hộ, cứu nạn rất lúng túng, thậm chí gặp rất nhiều khó khăn do giao thông, địa hình bị chia cắt.
Trước “siêu bão” không cho phép được chủ quan, khinh suất.
Từ Tâm - Pháp luật Plus