Năm nay, dịch bệnh Covid-19 đã làm niềm vui trăng của các gia đình Việt, đặc biệt là tại Hà Nội, nơi mà mọi năm Tết Trung thu là cái Tết rộn ràng với nhiều hoạt động tấp nập không thể tổ chức được. Đón Trung thu trong nhà khiến người ta hoài niệm nhiều về những mùa trăng phố cổ xưa kia, với tiếng trống ếch thì thùng, với phố Hàng Mã rực rỡ ánh đèn…
Phố cổ Hà Nội là nơi mọi năm diễn ra nhiều hoạt động đón trăng đậm tính truyền thống của Hà Nội. Ảnh minh hoạ
Bà Hạnh, một “cô gái phố cổ” ngày trước mơ màng nhớ lại: “Đối với chúng tôi, tết Trung thu dường như là cái tết được trông đợi nhất trong năm vì ngoài mâm cỗ nhiều hoa quả bánh trái thì nhiều loại đồ chơi, đèn lồng đẹp mắt với các con giống, trò chơi cũng hứa hẹn nhiều thú vị.
Lũ trẻ chúng tôi đã có cách chờ đón rằm tháng Tám riêng của mình. Khắp phố Hàng Mã đèn ông sao, đèn lồng, đèn kéo quân, đèn trời đủ sắc mầu đã giăng hàng giăng lối rực rỡ hấp dẫn vô cùng. Đứa nào cũng sán vào tận nơi, sờ vào tận món đồ mình thích, bô bô với nhau “Nhất định bố mẹ tao phải mua cho tao cái này” hoặc tranh cãi kịch liệt “Cái này của tao mới là đẹp, là oách nhất”.
Còn anh Long, cũng là một người sinh ra và lớn lên tại những “phố Hàng” thì nhớ như in những ngày đón trăng cùng với gia đình. Anh kể: “Con gái Hàng Gai nổi tiếng về sự khéo léo, đảm đang. Sáng sớm ngày rằm, mẹ và chị tôi đã đi chợ sắm sanh đủ thứ cho mâm cỗ như: chuối tiêu, na chín, ổi, bưởi, hồng ngọc, hồng Lạng, hồng ngạn, sấu, thị, cốm…
Ngồi bên mâm cỗ ấm áp tình thân, ăn bánh, hoa quả và thưởng thức chén trà ngon, nghe những câu chuyện tâm tình, Trung thu thuở thiếu thời hằn sâu vào trí óc bằng những hình ảnh hết sức giản dị, thân thương như thế.
Thời gian trôi đi, chúng tôi lớn lên mỗi đứa mỗi nơi. Tôi lấy vợ sinh con, muốn cho con mình được thưởng thức một Tết Trung thu phố cổ như xưa cũng rất khó khăn. Vợ tôi bận rộn suốt ngày, khó có thể tự tay làm bánh, chuẩn bị cỗ cho con.
Năm nay, trẻ em không được đón Trung thu tưng bừng như mọi năm
Tôi nhớ mãi một chiều Trung thu cách đây không xa, nhận được bưu phẩm của chị Thu từ Đức gửi về, là hai chiếc bánh nướng và dẻo tự tay chị làm. Từ ngày lấy chồng rồi định cư nước ngoài, chị vẫn giữ thói quen như những ngày thơ bé. Thế là cả bầu trời tuổi thơ của tôi ùa về. Ai bảo, Trung thu là Tết của trẻ con? Đó còn là cái Tết đoàn viên, là ngày cả nhà quây quần đầm ấm bên nhau, cả khu phố tưng bừng náo nức với nhau. Để mỗi mùa trăng trôi qua, ta có thêm những kỉ niệm không thể quên trong cả cuộc đời”.
Còn chị Hiền, một người sinh ra lớn lên ở phố cổ nhưng giờ đã lấy chồng, xây nhà dựng cửa ở một quận khác, vẫn luôn nhớ về những Trung thu hồi thơ bé bên các anh chị và người thân. “Mỗi Trung thu trôi qua đều là một kỉ niệm. Năm nay, một Trung thu đặc biệt vì cả nước đều đón trăng rất hạn chế các hoạt động do dịch bệnh như nhau. Chắc chắn, sau này, chúng ta sẽ có nhiều điều để kể với các con cháu của mình”, chị Hiền tâm sự.
Mọi năm, cứ dịp Trung thu, phố cổ là nơi tập trung nhiều hoạt động sôi động nhất. Tại đình Kim Ngân diễn ra nhiều chương trình giới thiệu các đồ chơi, tục lệ đón trăng truyền thống. Tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa phố cổ Hà Nội cũng triển lãm, trưng bày và tổ chức các hoạt động gợi nhớ Trung thu xưa. Phố Hàng Mã đương nhiên bày bán đủ loại đồ chơi, vật phẩm cho Trung thu. Người người đổ về tham quan, ngắm nghía, mua sắm thật tưng bừng, náo nức.
Mùa trăng vui cũng là mùa trăng an toàn
Năm nay, như bị chiếc đũa phép của bà tiên hắc ám vung lên, các hoạt động này không thể được diễn ra, người Hà Nội và các nơi càng không thể mua bán sắm sanh bày biện cho Trung thu.
Với rất nhiều người, đón trăng tưng bừng thì đương nhiên vui rồi nhưng vì dịch bệnh không tổ chức được thì cũng coi như một Trung thu đặc biệt chưa từng có trong đời. Chị Lan Anh, một bà mẹ có hai con nhỏ từ mấy ngày nay đã rước đèn với nhau, chờ ngày phá cỗ trong nhà thì nhắn nhủ: “Trong hoàn cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như thế này, tốt nhất, mọi người đừng nên chủ quan. Cứ đón trăng trong nhà một năm cũng chẳng sao. Còn hơn giờ mà ùa nhau ra ngõ, ra đường rồi chẳng may lại bùng phát lên những ổ dịch mới thì hối hận không kịp”.
Không để bị lây nhiễm, tạo những ổ dịch mới, đó là mong muốn chung của tất cả mọi người, đặc biệt là tại Hà Nội, trong những ngày qua chúng ta đã thực hiện phòng, chống dịch rất tốt. Đón trăng vui cũng là đón trăng an toàn, chúng ta còn rất nhiều năm để tổ chức những Trung thu vui vẻ nữa, kéo nhau về phố cổ đón trăng với các hoạt động truyền thống, vì thế, năm nay, người Hà Nội hãy cùng nhau “rước đèn online” để mùa Trung thu được trọn vẹn.
Ngọc Hân - TTTĐ