Hà Nội kiên quyết, kiên trì thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch (Ảnh minh hoạ)
Hơn 81% giấy đi đường do doanh nghiệp tư nhân cấp
Ghi nhận trong ngày 1/9 trên tuyến đường Phan Đình Phùng - Hoè Nhai, phường Quán Thánh (quận Ba Đình, Hà Nội), Tổ liên ngành số 2, Công an thành phố Hà Nội đã lập hàng rào dài để tách làn và 100% phương tiện ô tô, xe máy đi qua vị trí chốt đều được yêu cầu dừng xe, kiểm soát giấy đi đường.
Trong ca làm việc, lực lượng chức năng đã dừng cả trăm phương tiện, tất cả đều xuất trình giấy đi đường, cá biệt có trường hợp xuất trình cả 2 giấy đi đường nhưng vẫn bị lập biên bản xử lý vi phạm.
Đó là trường hợp bà Nguyễn Thị Thu H (sinh năm 1974, ở phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm) có giấy đi đường của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Việt Long, trụ sở tại đường Nguyễn Phong Sắc (phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) cấp. Giấy đi đường này do chính bà Nguyễn Thị Thu H làm Giám đốc ký, ghi cấp đến làm việc tại Ngân hàng An Bình, không trùng với cung đường bà H đang đi. Vì vậy, Tổ liên ngành bàn giao bà H và giấy đi đường cho đại diện UBND phường Quán Thánh kiểm tra thêm.
Khi làm việc với cán bộ tư pháp phường Quán Thánh, bà H tiếp tục xuất trình thêm một giấy đi đường do Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, có trụ sở tại phố Trần Nhật Duật, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm cấp.
Kiểm tra nhanh, phát hiện bà H không phải là cán bộ của ngân hàng nói trên, do đó, việc cấp giấy đi đường này là không đúng với quy định. Tổ công tác phường Quán Thánh đã lập biên bản bà H vi phạm quy định ra đường không có lý do chính đáng trong thời gian giãn cách xã hội, mức phạt 2 triệu đồng.
Mặc dù đang trong thời gian giãn cách nhưng lượng người ra đường vẫn rất đông
Thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, từ 11h ngày 31/8 đến 11h ngày 1/9, 23 chốt kiểm soát ra, vào Thủ đô đã kiểm soát 11.539 lượt phương tiện, với 14.547 lượt người qua chốt. Lực lượng chức năng cũng yêu cầu 1.917 lượt phương tiện không vào thành phố, 806 lượt phương tiện không ra ngoài thành phố.
Trong khi đó, 12 tổ kiểm soát liên ngành đã kiểm soát 20.798 lượt người, qua đó phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 171 trường hợp, với tổng số tiền phạt là 280 triệu đồng.
Công an thành phố Hà Nội cũng cho biết, qua tổng hợp, phân tích giấy đi đường của 20.627 trường hợp cho kết quả: Giấy đi đường do cơ quan Nhà nước cấp là 3.792 trường hợp (chiếm 18,4%), giấy đi đường do cơ quan, doanh nghiệp tư nhân cấp là 16.835 trường hợp (chiếm 81,6%).
Cần áp dụng biện pháp cao hơn đối với “vùng đỏ”, “vùng da cam”
Có thể thấy rằng, sau 40 ngày thực hiện 3 đợt giãn cách xã hội trên phạm vi toàn thành phố, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã đạt được một số kết quả bước đầu. Vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên; Lực lượng tuyến đầu tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt, xung kích; Đông đảo Nhân dân, doanh nghiệp tự giác chấp hành yêu cầu giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, tình hình diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, việc kiểm soát dịch bệnh ở một số địa phương chưa vững chắc, nhất là ở khu vực mật độ dân cư cao, chật hẹp với nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ hay nhiều nhà chung cư cũ, các chợ dân sinh, các khu vực đã được phong tỏa. Có nơi còn biểu hiện lơi lỏng trong tổ chức thực hiện giãn cách xã hội, còn có hiện tượng “chặt ngoài, lỏng trong”.
Lực lượng chức năng kiểm tra mã nhận diện "luồng xanh" của các phương tiện giao thông
Chiều 1/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký chỉ thị số 06 của Ban thường vụ Thành ủy Hà Nội về tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
Chỉ thị yêu cầu, toàn thành phố tiếp tục thực hiện quyết liệt, triệt để, nghiêm túc, có hiệu quả thực chất việc giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Trung ương, thành phố, đặc biệt là kiểm soát chặt hơn, cần thiết áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại hệ thống các chốt ra vào thành phố, các chốt của quận, huyện, thị xã và tại cơ sở, đường mòn, lối mở, đường thủy, đường sắt; Siết chặt kiểm tra người và phương tiện, không để lọt người từ các vùng có dịch vào thành phố mà không được kiểm tra dịch tễ; Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các trường hợp cố tình vi phạm.
TP có các giải pháp quyết liệt hạn chế người dân ra đường, nhất là khu vực phong tỏa, nơi có nguy cơ cao, chấn chỉnh và xử lý triệt để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”; Học tập, nhân rộng các mô hình đang được tổ chức thực hiện hiệu quả tại các địa phương; Trọng tâm là siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát từ các ngõ, phố, kiểm tra lưu động trên các tuyến đường gắn với kiểm tra các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm về phòng, chống dịch Covid-19, việc cấp và sử dụng giấy đi đường...
TP tổ chức triển khai mô hình “Gia đình an toàn Covid-19”, kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu từng hộ gia đình ký cam kết ở trong nhà, không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết, “ai ở đâu, ở đó”; Huy động sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của từng người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch.
Ngay sau khi chỉ thị được ban hành đã nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thủ đô. Các ý kiến đánh giá, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Hà Nội đã nhiều lần phải thực hiện giãn cách xã hội; Cuộc sống của nhiều người bị đảo lộn, gặp nhiều khó khăn… nhưng Nhân dân vẫn đồng lòng cùng thành phố, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh để phát triển kinh tế - xã hội.
Do đó, để bảo vệ thành quả chống dịch của Nhân dân Thủ đô, TP cần siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”. Các cấp, các ngành từ thành phố đến quận, huyện, thị xã phải xây dựng ngay kế hoạch, phương án chi tiết, cụ thể tại địa phương, nhất là tại các khu đông dân cư, nhiều ngõ ngách, địa bàn phức tạp, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh... để có kịch bản phương án phòng, chống dịch chủ động. Các khu vực "vùng xanh" cần có phương án tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hóa, bảo đảm an sinh xã hội.
Thanh Hà - TTTĐ