Đường Vành đai 4 qua nhiều khu vực đất rộng, tạo không gian phát triển các khu dân cư xung quanh. (Ảnh: Phạm Đông).
Đẩy nhanh dự án
Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô được đánh giá là một “siêu” dự án với tổng mức đầu tư khoảng 89.000 tỷ đồng, được chia thành 7 dự án thành phần, đi qua 3 địa phương là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Trong đó có: 3 dự án giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC); 3 dự án đường giao thông song hành; 1 dự án giao thông đô thị cao tốc dài gần 113km, chủ yếu đi trên cao, kết nối cả ba địa phương với nhau (đầu tư theo hình thức PPP). Đây chính là trục chính của đường Vành đai 4.
Theo tìm hiểu của PLVN, hiện cả 3 địa phương có dự án đi qua đều đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Tại Hà Nội, đến hết năm 2023, dự án đường Vành đai 4 được bố trí gần 9.300 tỷ đồng, đã giải ngân gần 7.500 tỷ đồng, đạt hơn 80%. Trong số này, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông (BQLDAĐTXDCTGT) Hà Nội (chủ đầu tư dự án) giải ngân được gần 1.400 tỷ đồng, đạt 99,83%; các quận, huyện GPMB giải ngân gần 6.100 tỷ đồng, đạt 76,99%.
Theo ông Nguyễn Chí Cường - Giám đốc BQLDAĐTXDCTGT Hà Nội, các đơn vị chức năng đang tranh thủ từng ngày tăng tốc dự án Vành đai 4. Trong đó, việc GPMB đất ở, đất nông nghiệp đã phê duyệt đạt 96,54%. Chủ đầu tư đã nhận mặt bằng đạt hơn đạt 93%. Ngoài ra, đã có 12/13 khu TĐC cho dự án tại Hà Nội được xây dựng. “Tổng thể các dự án Vành đai 4 tại Hà Nội đang đáp ứng đúng tiến độ” - ông Cường cho biết.
Tại Hưng Yên, cuối tháng 11/2023, tỉnh này đã tiến hành khởi công dự án đường Vành đai 4, dài khoảng 19,3km. Tổng mức đầu tư dự án đường Vành đai 4 qua tỉnh Hưng Yên hơn 5.200 tỷ đồng, trong đó vốn cho GPMB, TĐC là hơn 3.700 tỷ đồng, vốn cho xây dựng đường song hành là hơn 1.500 tỷ đồng. Theo ông Trần Minh Hải - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hưng Yên, đến nay đã có trên 84% mặt bằng để thi công dự án. Hiện nay, chủ đầu tư đang chỉ đạo nhà thầu thi công tập trung nguồn lực, máy móc, phương tiện, nhân công để triển khai đồng bộ dự án.
Tại Bắc Ninh, địa phương này cũng khởi động dự án đường Vành đai 4 vào đầu tháng 11/2023. Đường Vành đai 4 qua Bắc Ninh có chiều dài hơn 35km, tổng vốn đầu tư khoảng 5.300 tỷ đồng, trong đó vốn cho GPMB, TĐC khoảng 2.500 tỷ đồng, vốn cho xây dựng đường song hành gần 2.800 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Minh Hiếu - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh, đến hết năm 2023, hạng mục GPMB, TĐC đã giải ngân được hơn 1.100 tỷ đồng, đạt hơn 80% kế hoạch năm. Liên quan đến các gói thầu xây dựng, chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ gói thầu số 14, phấn đấu khởi công trước Tết Nguyên Đán Giáp Thìn năm 2024.
Tạo không gian phát triển bất động sản
Theo UBND TP Hà Nội, dự án thành phần 3 đường Vành đai 4 (cao tốc trên cao), sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 56.300 tỷ đồng, vốn Nhà nước gần 26.800 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư huy động khoảng hơn 29.00 tỷ đồng. Đến nay, có duy nhất một nhà đầu tư quan tâm là Tập đoàn T&T Group. Dự án được thiết kế vận tốc 100km/h. Giai đoạn hiện nay đầu tư trước 4 làn xe theo chủ trương đã được thông qua với bề rộng nền đường 17m, riêng các cầu vượt sông Hồng, sông Đuống có bề rộng cầu 24,5m.
Theo giới chuyên gia, việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới rất tiềm năng. Hiện nay, quỹ đất khoảng 6.500ha phía Tây đường Vành đai 4 đang được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch. Các đô thị vệ tinh tại huyện Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức (Hà Nội) cũng như nhiều khu đô thị, công nghiệp dọc tuyến trên địa phận tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh được phát triển nhanh khi dự án đường Vành đai 4 được triển khai.
Theo Savills Việt Nam, sau khi hoàn thiện, tuyến đường Vành đai 4 sẽ đem lại lợi ích cho 77 dự án BĐS hiện hữu và tương lai. Ngoài ra, tuyến đường còn mở ra không gian để quy hoạch nhiều khu công nghiệp, khu đô thị xung quanh, tạo không gian mới phát triển khu dân cư, dịch vụ du lịch.
Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), dự án đường Vành đai 4 hoàn thành sẽ hút một lượng lớn dân cư trong vùng trung tâm ra bên ngoài, giúp giãn dân nội đô Hà Nội. Do đó, để tránh việc phát triển các khu dân cư tự phát, Hà Nội cần sớm có quy hoạch cụ thể, đồng thời quản lý chặt quỹ đất xung quanh tuyến đường.
Minh Hữu - Pháp luật Plus