Dự báo hoàn lưu bão số 5 ít có khả năng đi vào đất liền
Kinhte&Xahoi
Sáng nay (19-10), Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai tiếp tục họp chỉ đạo ứng phó bão số 5 và mưa lớn.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm nhận định về bão số 5.
Thông tin tại cuộc họp, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, 7h sáng nay, bão đi vào vùng biển phía Đông Nam khu vực vịnh Bắc Bộ, cường độ mạnh cấp 8, giật cấp 10. Do tác động của không khí lạnh khô nên sáng 21-10, bão có khả năng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là vùng áp thấp. Đáng lưu ý, hoàn lưu bão số 5 ít có khả năng đi vào đất liền.
Tuy nhiên, do hoàn lưu bão kết hợp bộ phận không khí lạnh ở phía Bắc đang di chuyển xuống phía Nam nên vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ có nguy cơ cao xảy ra dông lốc, gió giật mạnh, gây nguy hiểm cho các tàu thuyền...
Ứng phó với bão, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã phối hợp các địa phương thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn 54.103 phương tiện với 246.663 người hoạt động trên biển biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh. Các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam tiếp tục lệnh cấm biển. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị đã sơ tán 147 người tại huyện Hải Lăng; tỉnh Thừa Thiên - Huế sơ tán 260 hộ dân với 572 người tại các huyện: Phong Điền, Hương Trà, Phú Lộc, Quảng Điền...
Về công tác tìm kiếm 13 ngư dân mất tích trên biển, Đại tá Trần Đình Sáu, đại diện Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, các đơn vị đã huy động 15 tàu tìm kiếm. Hiện nay, vẫn chưa tìm thấy các nạn nhân và các đơn vị vẫn tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện để tìm kiếm.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận kết luận cuộc họp chỉ đạo ứng phó bão số 5 sáng 19-10.
Kết luận cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận đề nghị, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện để tìm kiếm, cứu nạn 13 ngư dân còn mất tích trên biển; huy động lực lượng hỗ trợ người dân ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị ảnh hưởng...
"Tại khu vực bão đang hoạt động ở Quảng Ninh - Hải Phòng, có rất nhiều tàu du lịch, lồng bè chòi canh... Vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt chú ý biện pháp ứng phó dông, lốc, gió giật mạnh...", ông Phạm Đức Luận nhấn mạnh.
Kim Nhuệ - Hà Nội mới