Đừng “đánh cắp” cuộc đời của cha mẹ

22/04/2023 08:30

Kinhte&Xahoi Nhiều bậc cha mẹ và cả con cái vẫn “mặc định” tình thương yêu của cha mẹ là sự hy sinh vô bờ bến, không cần đền đáp và suốt đời, thậm chí quên mất cuộc sống riêng của bản thân vì con.

Ảnh minh họa

Ấm ức vì cha mẹ... không giúp đỡ

Câu chuyện gây ồn ào, tranh cãi trên mạng gần đây là một cô con dâu lên mạng “tố” cha mẹ chồng thiếu trách nhiệm, vô tâm với con cái, để mặc con mình vất vả, còn ông bà thì hưởng sự thư nhàn. Theo người con dâu kể, cha mẹ chồng của chị này làm nghề buôn bán nhưng nay hơn 60 tuổi, chỉ còn “làm cho vui” và đã tích luỹ được một số tiền kha khá để dưỡng già. Vợ chồng người con trai sinh đứa con thứ hai khá vất vả cả về điều kiện kinh tế và thời gian. Anh con trai đề nghị mẹ lên thành phố sống một thời gian để giúp vợ chồng anh chăm con, đỡ tiền giúp việc. Tuy nhiên, ông bà đã từ chối với lý do trước đã chăm giúp một đứa, sức khoẻ của ông đôi khi không ổn định, bà phải ở nhà chăm ông, bà chỉ gửi ít tiền cho vợ chồng con trai để hỗ trợ nuôi cháu. Cô con dâu bức xúc nói, đây chỉ là lý do để “tránh” phải chăm cháu. Hiện ông bà vẫn khoẻ mạnh, thi thoảng đưa nhau đi chơi, du lịch. Trong bài viết của mình, cô con dâu có ý nói mẹ chồng “ích kỉ” không thương con cháu, không san sẻ gánh nặng cho con cháu.

Ngoài một số ý kiến cho rằng cha mẹ cần hy sinh bớt thời gian để giúp con cái qua giai đoạn khó khăn, thì nhiều người đọc bài viết đều cho rằng, lựa chọn của người mẹ là không có gì đáng chê trách. Cha mẹ đã vất vả nuôi dạy con cả đời, con cái trưởng thành cần tự chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình, cần tự sắp xếp và xoay xở cuộc sống của mình. Huống chi, bố mẹ chồng trong câu chuyện nói trên đã từng chăm đứa cháu thứ nhất, cũng đã gửi tiền hỗ trợ nuôi cháu thứ hai, như thế là có trách nhiệm rồi.

Trên thực tế, có không ít người con vẫn còn suy nghĩ như vậy, cho rằng cha mẹ có trách nhiệm, có nghĩa vụ phải hỗ trợ, giúp đỡ mình mãi về sau. Vì thế, bất cứ khi nào cần họ lại yêu cầu cha mẹ có mặt. Khi con cái xây dựng nhà cửa, mua xe cộ, cần tiền, cha mẹ phải rút tiền dành dụm, bán đất đai để hỗ trợ. Khi con sinh con đẻ cái, cha mẹ phải thu xếp thời gian, làm “người giúp việc không công” để chăm cháu nhiều năm tháng bất chấp tuổi già sức yếu. Kể cả khi con có những mâu thuẫn trong cuộc sống hôn nhân, cha mẹ cũng phải đứng ra để hoà giải, lo toan...

Có những bậc cha mẹ đã rơi vào bi kịch khi con cái rút tỉa hết tiền bạc, tài sản nhưng không có trách nhiệm phụng dưỡng, đẩy cha mẹ vào cảnh khốn cùng tuổi già. Cũng có những ông bà phải nuôi hết cháu này đến cháu khác, nuôi hết các cháu như “cha mẹ thứ hai”, lo lắng cho con đến hết cuộc đời.

Cha mẹ cần được sống cho chính mình

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cha mẹ bị “đánh cắp” cuộc đời riêng, sống hết cho con cái không chỉ do những người con. Nhiều bậc cha mẹ Việt vẫn có quan niệm: Đã là cha mẹ thì phải lo cho con đến hết cuộc đời, cuộc sống của cha mẹ là dành hết cho con, tài sản của cha mẹ cũng là của con. Quan niệm ấy cùng với sự bảo bọc, hy sinh quá mức đã dẫn đến tâm lý ỉ lại, phó mặc của những đứa con. Nhiều người dẫu đã có gia đình vẫn sống bám vào cha mẹ già như một nhánh tầm gửi đến suốt cuộc đời.

Nét đẹp của gia đình người Việt là sự gắn bó mật thiết về tình cảm, tinh thần giữa các thành viên trong gia đình, các thế hệ trong nhà, đồng thời là tinh thần trách nhiệm, nâng đỡ nhau. Những giá trị ấy rất cần gìn giữ, nhưng ở chiều ngược lại, không nên vì “bảo tồn” truyền thống mà bỏ qua những hệ luỵ do những quan niệm cũ kĩ, lạc hậu mang đến.

Những năm gần đây, nhiều bậc cha mẹ đã có những chuyển biến về quan niệm sống. Họ ý thức hơn về sự độc lập và phần nào “tách rời” đời mình với cuộc sống riêng của con cháu. Nhiều người con đã trưởng thành cũng hiểu, yêu thương cha mẹ hơn, mong muốn cho cha mẹ cuộc sống tự do, an nhàn, không phải chịu cảnh tuổi cao sức yếu mà vẫn vướng bận “trách nhiệm” với con với cháu.

Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hoá, Thể dục và Thể thao ban hành đã nhấn mạnh đến bài học ứng xử gia đình là quan tâm tới người khác, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì người khác, chia sẻ thông cảm, đồng cam cộng khổ với người khác, nhất là ông bà, cha mẹ của chính mình.

Đặc biệt, cha mẹ, ông bà khi về già có thể có những biểu hiện của tuổi tác, khi yếu khi đau, khi nhớ, khi quên, trái tính trái nết, dễ sinh ra mất lòng, gây khó chịu cho con cháu. Thông hiểu được những biểu hiện của tuổi tác và sự “lệch pha” giữa các thế hệ, phận làm con, làm cháu phải bình tĩnh kiên trì, biết lắng nghe, biết chịu đựng để tháo gỡ, để hòa nhập, cần phải đem lại sự hòa thuận gia đình đem lại niềm vui tuổi già cho cha mẹ, ông bà - những người đã vất vả vì con, vì cháu.

Trong cuộc đời này có biết bao người cảm thấy hối tiếc, xót xa ân hận, bởi khi họ nhận ra cần phải lễ phép, hiếu thảo, kính trọng, săn sóc, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà thì đã không còn cơ hội. Đó là bài học cảnh tỉnh cho những ai còn chưa quan tâm đúng mức tới việc lễ phép, hiếu thảo, chăm sóc phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi họ đang sống.

Trân Trân - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/dung-danh-cap-cuoc-doi-cua-cha-me-d192794.html