Sao phải tự hạ thấp giá trị của chính mình?
Tại sân bay Nội Bài, chuyến bay khởi hành từ sáng sớm nên ai nấy đều đang tiếc nuối giấc ngủ của mình. Vừa ổn định chỗ ngồi trên máy bay, chị Thương (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) muốn chợp mắt một lúc. Ngặt nỗi, những hàng ghế sau là một nhóm người có lẽ là anh em bạn bè thân thiết. Họ nói chuyện oang oang không ngừng một giây nào. Cứ chuyện nọ kéo chuyện kia, người này nói người kia hưởng ứng, ầm ĩ, huyên náo, ồn ào không dứt.
Chờ tầm 15 - 20 phút câu chuyện chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, chị Thương khẽ lên tiếng nhắc nhở: “Các anh chị ơi, trật tự một chút giúp em với ạ”. Ngay lập tức, từ những hàng ghế sau, một “dàn âm thanh” phản pháo. Người nói gay gắt nhất cũng chính là người đàn ông nói to nhất lúc nãy.
“Tao chả im đấy, tao chả trật tự đấy. Đã mua vé giá rẻ thì phải chấp nhận chứ. Thích yên tĩnh thì mua vé của hàng khác đi, lên hàng thương gia mà ngồi. Người ta nói chuyện với vợ con họ hàng người ta thì kệ. Đi với nhau thì phải nói chuyện với nhau chứ. Ranh con, ba tuổi đầu mà bố láo”…
Hàng loạt những câu nói khó nghe của người đàn ông này tiếp tục được những người thân của anh “tiền hô hậu ủng” nhao nhao khiến chị Thương ngơ ngác, “cạn lời”. Phải đến khi tiếp viên của hãng xuống nhắc nhở, máy bay cất cánh được một lúc những người này mới tạm yên một chút, ai nấy gục đầu xuống ngủ.
Mỗi người nên chú ý hình ảnh của mình chốn công cộng (Ảnh minh họa)
Câu chuyện tiếp tục khi máy bay hạ cánh. Ý chừng chưa “đã miệng” với những lời phủ đầu lúc nãy, nhóm người này lại hùa vào nhau nói tiếp: “Có nhiều tiền thì lên hạng thương gia mà ngồi. Trên ấy tha hồ mà yên tĩnh. Yên tĩnh quá cho mà trầm cảm mà chết”.
Đến nước này thì không riêng gì chị Thương mà tất cả những người xung quanh đều cảm thấy chối tai quá rồi nhưng cửa máy bay đã mở, nhóm người đó lục tục đi xuống hết, chen ngang chen dọc, vẫn vừa đi vừa nói chuyện bô bô với nhau như chốn không người.
Rõ ràng, sự vô duyên, vô ý thức của họ đã đạt đến mức mất cả ý thức, không coi ai ra gì rồi. Với những người này không phải một sớm một chiều, một vài lời nói mà giải quyết được hết vấn đề. Điều khiến mọi người ái ngại là, những người này còn đi với các con, không hiểu các con họ nghe thấy cuộc hội thoại đó, trong tình huống đó thì sẽ nghĩ gì.
Quan trọng hơn, các cháu lớn lên sẽ có lối ứng xử ra sao khi phải sống trong bầu không khí những người lớn cứ thích gì thì làm, khăng khăng ta đông là ta đúng, ta đúng là không ai được phản đối như thế?
“Đi vé máy bay giá rẻ hay đắt là do lựa chọn, điều kiện kinh tế, mục đích, giờ bay của mỗi người, có thể không liên quan đến giàu, nghèo, nhiều tiền hay ít tiền. Những người mà tôi gặp thực sự đã tự hạ thấp giá trị của chính con người họ chứ không phải không gian, hãng hàng không hay dịch vụ họ sử dụng. Những người ấy thì có khi vào chốn đắt đỏ, sang trọng vẫn cứ bộc lộ bản chất vô ý thức của mình mà thôi”, chị Thương ngán ngẩm lắc đầu.
Làm bất cứ điều gì cũng nên nhìn xung quanh
Nhiều người cho rằng cuộc sống hiện đại nghĩa là bạn chỉ nên quan tâm đến mỗi việc bạn là ai, bạn làm gì, không cần thiết phải biết đến xung quanh như thế nào. Thực chất, điều đó chỉ đúng khi bản thân con người bạn đã hoàn thiện. Còn khi bạn đã chưa hoàn chỉnh, vẫn còn nhiều khiếm khuyết thì nên đặt mình vào hoàn cảnh, không gian, thời gian mình đang tồn tại để tự soi, tự sửa mình.
Những ngày mùa hè, đang là cao điểm mùa du lịch. Lượng người đến sân bay đi chơi, đi công tác, công việc rất đông. Việc ngồi chờ đến giờ bay hay bị delay là chuyện rất bình thường. Ai trong trường hợp phải chờ lâu, dậy sớm, sốt ruột cũng có thể cảm thấy mệt mỏi nhưng không nên đổ lỗi tại hoàn cảnh.
Người chọn đi dạo bộ cho tỉnh táo; Có người chọn vào quán cà phê ngồi uống nước, lướt điện thoại chờ đến giờ bay. Cũng có người ngồi giải quyết những công việc còn dang dở. Còn cả những người chả cần biết xung quanh chật chội, thiếu chỗ ngồi ra sao, cứ ngả lưng làm giấc đã.
Ngủ không ai cấm nhưng ngồi ngủ, tìm chỗ kín đáo tạm chợp mắt còn có thể chấp nhận được. Chứ chiếm lấy mấy chiếc ghế, thoải mái “thả dáng” nằm ngả ngớn thì trông rất phản cảm, càng tạo cho không gian chờ đợi thêm sốt ruột, mệt mỏi, ức chế cho những người xung quanh.
Sự vô ý thức này khiến những người khác phải khó chịu
Tương tự, những người vào nhà vệ sinh nữ của một khách sạn sang trọng tại Hà Nội hôm ấy cũng cảm thấy thực sự rất khó chịu vì sự vô ý thức của những người vào trước đó. Bên cạnh bồn rửa tay, nhân viên đã chuẩn bị khăn lau để khách thấm nước cho khô ráo, sạch sẽ sau khi rửa. Nếu đã soi được gương, đã đi vệ sinh xong thì ai ai cũng có thể nhìn thấy một chiếc giỏ mây sạch sẽ bên dưới để người lau tay xong thì để khăn vào đó.
Thế mà, rất nhiều cô gái phấn son lộng lẫy, đẹp như hoa hậu, dáng vẻ trẻ trung, hiện đại, sành điệu, dùng toàn hàng hiệu, điện thoại đắt đỏ, cứ rửa tay, lau son xong là ném luôn chiếc khăn nhàu nát ra cạnh bồn rửa.
Người vào sau còn ngửi thấy mùi nước hoa thoảng lại nhưng đập vào mắt là cảnh bừa bãi, lộn xộn, không khỏi rùng mình. Những chiếc khăn trắng tinh in hằn dấu son đỏ. Những chiếc khăn nhàu nhĩ bẩn thỉu đối lập hẳn với những chiếc chưa dùng được cuộn tròn gọn gàng ngăn nắp ngay bên cạnh.
Người ném chiếc khăn đó có thấy xấu hổ với thái độ phục vụ chu đáo, chuyên nghiệp của khách sạn sang trọng nơi mình đang được sử dụng hay không? Vứt chiếc khăn bẩn ra ngay bồn rửa tay họ có nghĩ đến tâm trạng của người sẽ vào sau mình để dùng chiếc bồn rửa mặt, rửa tay đó không? Hay chỉ cần mình đẹp, mình sạch là đủ?
Những người như vậy thì dù sang trọng, lịch sự, nhiều tiền đến đâu vẫn chỉ là những tâm hồn khuyết thiếu, nhân cách khuyết thiếu mà thôi. Họ cũng chính là những “tấm gương” cho người khác soi vào mà sửa mình.
Cẩm Tú - TTTĐ