Khi “xã hội hóa” và “tự nguyện” biến tướng
Cứ vào đầu năm học, các khoản thu thu tại nhiều nhà trường lại là vấn đề đau đầu phụ huynh. Điều đáng nói, các khoản này đều được “đóng mác” tự nguyện do Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra hô hào, kêu gọi. Mọi việc sẽ không trở thành băn khoăn của nhiều bậc cha mẹ học sinh nếu các khoản thu này chính đáng và phù hợp với kinh tế của các gia đình.
Nhiều khoản thu do Ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi khiến nhiều phụ huynh bức xúc (ảnh minh hoạ)
Mới đây, một bảng dự chi của một Ban đại diện cha mẹ học sinh xuất hiện trên mạng xã hội khiến dân cư mạng dậy sóng. Bảng kê này khá chi tiết, rõ ràng, minh bạch về dự chi trong năm nhưng được lưu ý mới chỉ là các khoản “truyền thống”. 18 đầu mục được Ban phụ huynh liệt kê để kêu gọi đóng góp vào các dịp như Trung thu, tham quan dã ngoại, ngày 20/11, ngày Noel, Tết nguyên đán, hội chợ, ngày 8/3, chi thường xuyên, thăm hỏi ốm đau, hiếu hỉ... Các đầu mục đưa ra hợp lý nhưng phần dự trù kinh phí khiến một số phụ huynh không khỏi băn khoăn, bởi tổng chi dự kiến lên tới hơn 132 triệu đồng. Nhiều cha mẹ ấm ức, có người không đủ khả năng đóng góp nhưng vẫn bị rơi vào tình huống “tự nguyện bởi không thể từ chối”.
Một phụ huynh thắc mắc “Tôi không hiểu sao ngày lễ nào cũng có quà cảm ơn, quà tri ân đủ cả ban giám hiệu, giáo viên, văn phòng, y tế, lao công... Dịp 20/10, ngày 20/11, tổng kết học kỳ... dịp nào tiền cảm ơn cũng lên tới cả chục triệu đồng”. “Không hiểu hoa thiếp gì mà xuất hiện ở nhiều dịp, lại lên tới 2,1 triệu đồng mỗi lần?", một phụ huynh khác tò mò.
Trường Cao đẳng Hà Nội 9+ bắt học sinh phải mở tài khoản ngân hàng khiến phụ huynh bức xúc
Ngoài các khoản thu “trên trời”, không ít trường còn kêu gọi học sinh toàn trường mở tài khoản ngân hàng. Điều đáng nói là có những lớp, các em ở tuổi 15 - lứa tuổi chưa kiếm ra tiền và bố mẹ cũng còn đang kiểm soát chặt về vấn đề chi tiêu. Mới đây, phụ huynh trường Cao đẳng Hà Nội 9+ cũng một phen sôi sục về việc trường này yêu cầu học sinh toàn trường phải làm thẻ ATM của ngân hàng Agribank để chuyển khoản học phí. Nhiều phụ huynh có con mới vào lớp 10 cho biết, họ chuyển khoản tiền học cho bằng chính tài khoản của họ nên việc mở tài khoản này là không hợp lý.
“Nội thương” trước những khoản thu “trên trời rơi xuống”
Đầu tháng 9 vừa qua, nhiều phụ huynh học sinh Trường mầm non Cự Khê (Thanh Oai) vô cùng bức xúc khi nhà trường yêu cầu đóng 500.000 đồng/học sinh để mua thêm đồ dùng học tập cho trẻ, nhưng chỉ 50% số tiền đưa về nhà trường sửa sang lại cơ sở vật chất, 50% giữ lại cho lớp mua sắm đồ dùng học tập.
Bảng kế hoạch do Trường Mầm non Cự Khê lập ra nhưng chưa hề thông qua phụ huynh
Theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ban hành quy định về thu, sử dụng các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội: Các cơ sở giáo dục phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập trên từng địa bàn. Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lý cấp trên trước khi ban hành.
Tuy nhiên, sự việc tại trường Mầm non Cự Khê lại có phần oái ăm. Theo chia sẻ của phụ huynh, vì muốn con được học ở lớp phương pháp mới nên họ mới xin vào lớp học này. Đến khi biết khoản tiền phải đóng thêm không phải để phục vụ hết vào việc học của các con mà lại mang ra chi cho việc xây dựng cơ sở vật chất của trường, ai cũng tỏ ra rất bất bình.
Trong buổi họp với hiệu trưởng nhà trường, các phụ huynh nhận lời giải đáp, nếu không đồng ý với các khoản thu chi thì có thể chuyển con sang lớp bình thường.. Câu hỏi được các bậc phụ huynh đặt ra: “Những khoản chi này là phục vụ chung cho cả trường thì phải tính phân bổ cho các năm. Nhưng tại sao lại dồn hết lên cho 6 lớp “xã hội hóa” chịu? Vậy năm sau con chúng tôi có tiếp tục phải đóng khoản kinh phí 500 đồng/tháng nữa không?”.
Bất bình hơn bởi dù nói là tự nguyện nhưng phụ huynh hoàn toàn bị động trong việc chi tiêu các khoản tự nguyện, không được tham gia bàn bạc, thảo luận. Nhà trường chỉ thông tin mang tính chất thông báo đến họ.
Không chỉ trường mầm non Cự Khê, không ít trường học có thu cả tiền vệ sinh lớp học hàng tháng, tiền hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho trường học. Điều đáng nói là có trường ngoài tiền quỹ Khuyến học, học sinh phải đóng thêm của quỹ Nhân đạo 50 nghìn đồng/1 năm… Không ít trường, sau khi “vấp” phải ý kiến trái chiều về khoản thu đã trả lại tiền cho phụ huynh.
Cần chấn chỉnh tình trạng lạm thu
Nhiều người bày tỏ ý kiến về việc xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh. Bởi ít có Ban nào hoạt động đúng chức năng, nhất là ở trong các trường công lập. Điều đáng nói là họ được bầu lên là đại diện cho phụ huynh nhưng trên thực thế, không ít công việc họ đang làm lại đại diện cho nhà trường....
Không ít phụ huynh bức xúc về nhiều khoản thu
Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh của Bộ GD&ĐT quy định rõ ràng về quyền và chức năng và nhiệm vụ của ban này. Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản tăng cường công tác quản lý thu chi, trong đó yêu cầu: “Các nhà trường tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định”. Sở GD&ĐT cũng đặc biệt nhấn mạnh 7 khoản thu mà ban Đại diện cha mẹ học sinh không được phép kêu gọi gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Phụ huynh bức xúc vì phải nộp tự nguyện những khoản thu "trên trời"
Dù thông tư, văn bản của cấp trên quy định khá rõ ràng, nhưng không hiểu vì sao, Ban đại diện cha mẹ học sinh vẫn cứ đứng lên phát động và các khoản thu không đúng, buộc “phải” tự nguyện vẫn cứ “mọc” ra. Một số chuyên gia tâm lý cho rằng, việc “gắn mác” tự nguyện, hoặc “đá” trách nhiệm sang Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ giúp người đứng đầu nhà trường an toàn. Đây là một kẽ hở khiến việc lạm thu biến tướng. Vì thế các cơ quan chức năng cần quán triệt và kiểm tra thật chặt, nhất là trong dịp đầu năm học để tránh tình trạng lạm thu biến tướng như lo ngại của nhiều phụ huynh.
Đình Trung - TTTĐ