Hồi Thủy Tiên bắt đầu cuộc hành trình ra miền Trung cứu trợ đồng bào, cô ra sân bay trong bộ trang phục khỏe khoắn và giản dị, với chiếc khăn quàng cổ chống lạnh và chiếc “ba lô con cóc” nhỏ xinh phía sau lưng. Không lâu sau, một “phụ nữ thành đạt”, chủ một doanh nghiệp viết một status về hành trình của Thủy Tiên.
Chị không xoáy vào khía cạnh nào khác, ngoài… giá của những đồ vật Thủy Tiên đang mang trên người ra vùng lũ. Nào là khăn quàng mấy chục triệu, balo hiệu gì, giày giá bao nhiêu… Chị so sánh giá tiền của những đồ vật ấy với tiền quyên góp từ thiện. Để rồi, chị tạm kết luận rằng, muốn làm từ thiện được tốt trước hết phải đẹp, phải nổi tiếng, phải giàu trước đã.
Bức ảnh “về miền Trung” của Thủy Tiên bị những người ác ý phân tích, chỉ trích.
Chưa nói đến sự phân tích giá cả các vật dụng hoàn toàn nhầm lẫn khi cư dân mạng sành điệu chỉ ra những món đồ Thủy Tiên đang mang trên người chỉ là “tầm tầm bậc trung” chứ chẳng phải cao cấp gì, thì các lập luận khác của người “phụ nữ thành đạt” ấy cũng thực sự không ổn. Bởi, chị hoàn toàn chú mục vào những món đồ mà quên mất những hình ảnh khác, còn đẹp đẽ hơn đang đập vào mắt người xem: Đó là nụ cười tươi rói nhưng nhuốm âu lo của cô gái cùng ánh mắt đầy quả cảm. Chị chỉ nhìn thấy “đẹp, giàu và nổi tiếng” mà không thấy rằng, khi cơn lũ còn chưa rõ thế nào, thì chuyện một người phụ nữ trẻ xăng xái quyên góp rồi lao mình vào tâm lũ đáng trân trọng biết bao.
Chị phụ nữ tự cho mình là thông thái ấy, tiếc thay không phải là thiểu số trong cuộc sống này. Những ngày vừa qua, bên cạnh những con người giàu lòng nhân ái, hảo tâm và cam đảm, người ta chứng kiến không ít xấu xí của cộng đồng mạng. Họ, có những người thuộc “trường phái hoài nghi”, không tin bất cứ một ai, bất cứ điều gì. Từ sư hy sinh của những chiến sĩ anh dũng, từ sự nhiệt thành quyên góp và giúp đỡ của những Mạnh thường quân đến người dân vùng lũ đều bị đặt câu hỏi về mục đích, đó có phải sự thật không, có lợi ích nào đứng đằng sau không, có ý đồ đen tối nào không?
Họ, cũng có những người thuộc nhóm “thích đặt điều thị phi”, họ tung tin đồn nhảm, rằng người lính hy sinh không phải vì dân mà vì lý do khó nói, rằng Thủy Tiên và nhiều nghệ sĩ khác bày chuyện giúp đỡ dân để ăn chặn tiền, làm giàu cho cá nhân. Một số người khác lại thuộc nhóm người thích phê phán. Họ phê phán bất cứ điều gì đang diễn ra trước mắt. Tặng quà cho dân, món này họ chê lãng phí, món khác họ chê không thực tế. Nghệ sĩ lên tiếng quyên góp, họ bảo lấy tiếng, gửi tiền ủng hộ, họ chê ít quá, keo kiệt quá. Đi từ thiện mà rầu rĩ, họ bảo khó ưa, và cười, thì chê vô cảm.
Ấy là còn chưa kể đến một bộ phận được cho là “thánh đạo đức” trên mạng xã hội. Những người này chuyên đi bắt lỗi bất kì ai. Người đăng ảnh vui tươi, họ lên bình luận sao người dân vùng lũ chịu khổ mà dám cười, dám vui. Doanh nghiệp kinh doanh hoa, kinh doanh ăn uống, giải trí, một lực lượng vào ném đá, bảo miền Trung lũ lụt thì tiết chế kinh doanh lại để bày tỏ niềm thương tiếc đi chứ. Ai có tiệc, có lễ gì, cũng có một loạt người vào chỉ trích, hỏi là sao không dùng tiền tổ chức tiệc mà ủng hộ miền Trung? Mới đây nhất, nghệ sĩ Lý Huỳnh qua đời, con trai ông là nghệ sĩ Lý Hùng nhận được không ít câu hỏi (mà thực chất là cật vấn) của những người nhân danh fan hâm mộ, bảo anh có lấy tiếng phúng viếng không, tiền phúng viếng ấy nên đem đi ủng hộ đồng bào lũ lụt hay không?
Họ, được phân ra thành nhiều nhóm như thế, nhưng điểm chung lớn nhất là sự hung hăng, thích chỉ trích, ném đá, thích buông lời vô duyên, kém văn hóa. Những lời nói của họ làm xúc phạm người đã khuất, làm tổn thương người còn sống. Họ khiến những nhà hảo tâm dù tâm sáng, lòng trong vẫn phải giật mình nhìn trước ngó sau trong lúc xông pha làm việc thiện. Họ khiến người ta vui không dám cười, buồn không dám khóc, khiến nhiều người kinh doanh phải dở cười dở mếu vì cái đòi hỏi vô lý có thể khiến công việc làm ăn bị đình trệ… Thời điểm giãn cách xã hội đã thế, giờ đây, lũ lụt gây tang thương vẫn thế.
Những ngày này, Chính phủ nỗ lực, người dân đồng lòng, doanh nghiệp chung tay. Những ngày này, trong mưa lũ vẫn thấy ấm áp bởi những tấm lòng, những câu nói những bàn tay. Giá mà, đừng có những lời ác ý vẫn lởn vởn đâu đó đầu độc bầu không khí, làm hoen ố đi bức tranh đẹp đẽ về tình người.
Phải, không yêu đừng nói lời cay đắng. Lời độc ác có thể làm tan nát trái tim con người, phá vỡ hạnh phúc, gieo rắc mầm tai họa, khiến đời sống mất đi bình yên. Sao không dành cho nhau những lời tốt đẹp? Lời yêu thương, lời trân trọng, ngọt ngào dành cho nhau khiến cuộc đời này đáng yêu, đáng sống hơn biết mấy.
“Người vá trời lấp bể/ Kẻ đắp luỹ xây thành/ Ta chỉ là chiếc lá/ Việc của mình là xanh…”. Năm 1997, nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại đã viết như thế trong bài Lá xanh thuộc tập thơ Trái tim người lính. Cho đến nay, câu thơ ấy vẫn trọn vẹn ý nghĩa sâu sắc. Rằng, mỗi một người, chỉ cần sống trọn vẹn với vị trí, trách nhiệm của mình thì cuộc đời này đủ bình yên đẹp đẽ rồi. Người vá trời lấp bể hay chiếc lá xanh đều đáng trân quý, đều đang làm đẹp cho đời. Nếu không làm được gì lớn lao, đơn giản là xin hãy xanh bình yên như lá, xanh hiền lành như lá. Đừng ném vào cuộc đời những nọc độc đắng cay...
Ngọc Mai - Pháp luật Plus