Gạo trên thế giới bất ngờ tăng giá giữa đại dịch Covid-19
Kinhte&Xahoi
Theo các báo cáo, giá gạo cho các hợp đồng trong tương lai đã đạt đỉnh sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát gây ra sự gia tăng nhu cầu đối với ngũ cốc.
Giá gạo trên thế giới “bỗng” tăng giá giữa đại dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, theo Wall Street Journal, trong hai tuần qua giá gạo chưa qua chế biến trên sàn giao dịch Chicago (CME) đã tăng 47%, mức cao nhất kể từ tháng 11/2011. Điều này đã làm cho gạo trở thành một trong những mặt hàng nguyên liệu tăng giá nhanh nhất.
Bước nhảy vọt về giá này là do doanh số bán lẻ tăng mạnh, khi người tiêu dùng đổ xô đi tích trữ các mặt hàng nhu yếu phẩm sau khi áp dụng chế độ tự cách ly. Theo báo cáo mới của công ty đo lường toàn cầu Nielsen, trong giai đoạn tháng 4 và tháng 5, doanh số bán gạo trong phân khúc bán lẻ tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản xuất gạo tại nước này năm 2019 đã giảm 17%, tương đương 8,4 triệu tấn. Điều này là do những cơn mưa kỷ lục đã tấn công các địa điểm canh tác vào mùa xuân năm ngoái như ở bang Arkansas, Missouri, Mississippi, Louisiana và Texas.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng năm nay, mùa xuân thuận lợi hơn nhiều có nghĩa là việc tăng giá có thể là tạm thời. Bộ Nông nghiệp dự đoán vụ thu hoạch năm nay cao hơn 17% so với năm ngoái.
Ngoài ra, giá xuất khẩu gạo ở châu Á đang tăng ngay cả sau khi các nước sản xuất lớn (Ấn Độ và Việt Nam) dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu ra nước ngoài liên quan đến đại dịch Covid-19. Hạn hán đã dẫn đến tình trạng giá gạo xuất khẩu ở Thái Lan tăng mạnh. Tại Ấn Độ nhà sản xuất gạo lớn thứ hai thế giới hiện đạng bị thiếu hụt container để vận chuyển gạo trong bối cảnh hạn chế hoạt động tại các cảng do đại dịch Covid-19.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, dự kiến tăng trưởng thu hoạch lúa gạo trên thế giới trong năm nay là 1,7%. “Sản lượng sẽ vượt quá 500 triệu tấn, đây sẽ là một kỷ lục mới”, thông báo cho biết.
Trước đó, vào giữa tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra một dự báo, theo đó nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% do đại dịch Covid-19 và tăng 5,8% vào năm 2021. Tuy nhiên, vào cuối tháng 5, người đứng đầu IMF bà Georgieva cho hay, ngày càng có nhiều dữ liệu chỉ ra rằng suy giảm kinh tế toàn cầu do đại dịch Covid-19 có thể vượt quá mức 3% trong năm nay.
Thanh Bình