Giá đất bồi thường dự án đường Vành đai 3: Cao nhất hơn 40 triệu đồng/m2

26/11/2022 12:25

Kinhte&Xahoi Theo dự toán do UBND Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi lập, đơn giá bồi thường đất ở để làm Vành đai 3 thấp nhất 18,72 triệu đồng/m2 và cao nhất 40,149 triệu đồng/m2.

Một góc chụp nằm trong quy hoạch vành đai 3.

Thông tin trên được Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM cập nhật trong văn bản gửi Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP về tài liệu tuyên truyền, vận động công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.

Sở Tài Nguyên và Môi Trường (Sở TN&MT) cho biết, tuyến đường Vành đai 3 trên địa bàn TP.HCM dài khoảng 47,51 km, đi qua 4 địa phương gồm TP Thủ Đức, huyện Củ Chi; huyện Bình Chánh. Diện tích đất chiếm dụng 397,3ha, số hộ bị ảnh hưởng khoảng 1.670 trường hợp. Trong đó, số trường hợp có nhà đất bị giải tỏa trắng là 663 trường hợp gồm số trường hợp đủ điều kiện tái định cư khoảng 410 và không đủ điều kiện tái định cư khoảng 253.

Theo dự toán do UBND TP Thủ Đức cùng các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (các địa phương có tuyến vành đai 3 đi qua) lập, đơn giá bồi thường đất ở sẽ từ 18,72 triệu đồng/m2 đến 40,149 triệu đồng/m2. 

Đơn giá bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi đất trồng cây lâu năm được tạm tính từ 3,84 triệu đồng/m2 đến 8,208 triệu đồng/m2. Đơn giá bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi nghề đất trồng cây hàng năm có thể nằm trong khoảng 3,2 triệu đồng/m2 đến 6 triệu đồng/m2.

Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM lưu ý đơn giá bồi thường nêu trên chỉ là đơn giá tạm tính. Khi triển khai thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND TP Thủ Đức và các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi sẽ hợp đồng với đơn vị tư vấn độc lập thẩm định đơn giá đất cụ thể để trình Hội đồng thẩm định giá đất Thành phố và UBND TP phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Theo kế hoạch, giữa năm 2023 Vành đai 3 được giao 70% mặt bằng và toàn bộ sau đó 6 tháng. Tuy nhiên, TP.HCM đang phấn đấu hoàn thành sớm hơn. Việc giải phóng mặt bằng ở tuyến đường này cũng được thành phố xác định sẽ làm mẫu cho các công trình khác nên khâu điều tra xã hội học, pháp lý, giá đền bù sẽ được triển khai chặt chẽ... Các trường hợp bị ảnh hưởng được tạo điều kiện bằng hoặc tốt hơn sau khi giao đất.

Về trình tự thực hiện, đơn vị này thông tin, dự kiến ngày 1/12, UBND các địa phương có tuyến vành đai 3 đi qua sẽ ban hành kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc kiểm đếm của dự án. Đồng thời, kế hoạch thu hồi đất sẽ được ban hành tới từng đối tượng sử dụng đất.

Đến ngày 1/3/2023, UBND TPHCM sẽ ban hành quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với đất nông nghiệp và những trường hợp đồng thuận thu hồi đất trước hạn đối với đất ở.

Tới ngày 10/3/2023, các địa phương sẽ ban hành quyết định phê duyệt chính sách, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với đất nông nghiệp...

 Theo Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đề xuất phí đường bộ với ô tô cao nhất 1,430 triệu đồng/tháng

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ (dự thảo). Trong đó đề xuất mức thu phí sử dụng đường bộ áp dụng cho ô tô chia làm 8 nhóm theo tải trọng và ghế ngồi của xe, từ 130.000 đồng/tháng đến 1,430 triệu đồng/tháng.

link bài gốchttps://www.phapluatplus.vn/dau-tu/gia-dat-boi-thuong-du-an-duong-vanh-dai-3-cao-nhat-hon-40-trieu-dong-m2-d187081.html