Giá điện tăng, xăng lên mạnh: Đắt đỏ mớ rau con cá , lo mâm cơm nhà dân
Kinhte&Xahoi
Xăng dầu đang vào “đà” tăng mạnh, giá điện cũng sẽ được điều chỉnh thời gian tới khiến cho áp lực tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ ngày càng hiện hữu.
Nhiều tín hiệu tăng giá
Theo báo cáo về kịch bản điều hành giá điện năm 2019 mới đây của Bộ Công Thương, dự kiến giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 tăng khoảng 8,36% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh), tương ứng giá bán lẻ điện bình quân 2019 khoảng 1.864,44 đồng/kWh.
Như vậy, giá bán lẻ điện bình quân dự kiến tăng thêm 143,79 đồng/số sau lần tăng gần nhất cách đây hơn 1 năm. Thời gian điều chỉnh có thể là cuối tháng 3 này.
Giá điện sắp tăng. Ảnh: Lương Bằng
Mới đây, Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng công bố tăng giá xăng dầu trong kỳ điều hành ngày 2/3/2019 với mức tăng lên tới gần 1.000 đồng/lít.
Đây là mức tăng giá lần đầu tiên trong năm 2019 sau 1 kỳ giảm và 3 kỳ đứng yên liên tiếp. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là cùng với việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung từ 1/1/2019, giá xăng dầu thế giới thời gian qua liên tục tăng. Việc giảm giá xăng dầu vào ngày 1/1/2019 và 3 kỳ sau đó giữ nguyên là bởi Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã liên tục xả mạnh Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Ngay trong kỳ tăng giá ngày 2/3, chỉ riêng mặt hàng xăng RON 92, liên bộ đã phải xả tới 2.000 đồng/lít, có nghĩa nếu không dùng quỹ thì xăng phải tăng giá tới xấp xỉ 3.000 đồng/lít.
Đề cập đến việc tăng giá điện, trao đổi với PV.VietNamNet, lãnh đạo Nhà máy gang thép Lào Cai cho hay: Chi phí điện chiếm 7% tổng chi phí sản xuất của nhà máy. Nếu giá điện tăng 8,36% chắc chắn ảnh hưởng nhiều đến giá bán sản phẩm. Đầu vào tăng như vậy, thì tất cả nhà máy thép đều bị tác động, đặc biệt là các nhà máy sản xuất theo công nghệ luyện kim.
Thứ trưởng Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng: Giá điện tăng làm Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 tăng thêm 0,29%, tác động rất trực tiếp đến nền kinh tế của chúng ta. Giá cả mặt hàng nào lên cũng ảnh hưởng đến CPI, ít nhiều ảnh hưởng đến GDP cả. Về lâu dài, chúng ta cần có ngành điện với năng lực tài chính lành mạnh để đủ sức đầu tư vào các dự án điện, để có điện cho các ngành kinh tế khác phát triển.
“Vì nếu không có điện ảnh hưởng của nó còn lớn hơn việc tăng giá điện. Tăng giá điện làm GDP giảm 0,22% nhưng nếu không có điện thì có khi giảm mấy phần trăm cơ. Đó là điều chúng ta phải cân nhắc để có ngành điện ổn định”, ông Hoàng Quốc Vượng nói.
Giá cả hàng hóa có thể tăng theo giá điện, giá xăng. Ảnh: L.Bằng.
Ẩn số lạm phát
Bình luận câu chuyện tác động của giá điện đến chi phí của doanh nghiệp, một chuyên gia cho rằng: Khi giá điện tăng thì nhiều người, nhiều DN sẽ không thích khi phải trả thêm tiền. Nhưng qua làm việc thực tế với các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI, chúng tôi thấy rằng giá điện của nước ta đúng là còn khá thấp. Cho nên việc tăng giá điện dù làm chi phí của DN tăng lên, nhưng cũng nhìn nhận thực tế công nghệ, trang thiết bị của nhiều nhà máy còn rất cũ kỹ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng.
“Tôi không ủng hộ việc tăng giá điện một cách tùy tiện, nhưng khi đã giải trình được các chi phí hợp lý thì cần xem xét đến tăng giá điện. Do vậy, các DN sẽ cần phải tiết giảm chi phí, cải tiến công nghệ sản xuất, đây là điều nhiều DN còn chưa quan tâm. Làm được như vậy thì giá điện tăng sẽ bớt ảnh hưởng đến DN”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Bóng đèn Điện Quang cho hay: Giá điện chiếm 10-15% chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Giá điện tăng dù có tác động đến doanh nghiệp chúng tôi nhưng không quá nhiều.
Là đơn vị chủ yếu sản xuất các thiết bị điện tiết kiệm năng lượng, ông Hồ Quỳnh Hưng cũng cho rằng khi giá điện tăng, thì người dân và doanh nghiệp sẽ quan tâm nhiều hơn đến các thiết bị, sản phẩm tiết kiệm điện.
Chia sẻ với PV.VietNamNet, TS Đặng Đức Anh, Trưởng ban phân tích dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia cho hay việc giá điện tăng cũng đã được Trung tâm tính toán đến khi nhận định về lạm phát trong năm 2019. Tuy nhiên để có được con số định lượng chính xác là điều rất khó khăn, bởi khi một mặt hàng như giá điện tăng giá thì sẽ kéo theo các chi phí khác tăng theo.
Những tháng đầu năm 2019, nhiều yếu tố tác động đến chỉ số giá tiêu dùng như thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng kịch khung từ đầu năm 2019, giá điện dự kiến tăng vào cuối tháng 3, giá xăng dầu thế giới từ tháng 12/2018 cũng bắt đầu tăng với mức tăng khá cao, đây cũng là mặt hàng rất khó đoán định được sự lên xuống. Ngoài ra, giá dịch vụ y tế cũng sẽ tiếp tục được điều chỉnh thời gian tới.
Do đó, ông Đặng Đức Anh cho rằng việc điều hành giá cần thận trọng và tính toán nhiều yếu tố, tránh việc tăng giá cùng lúc nhiều mặt hàng, ảnh hưởng đến giá tiêu dùng.
Mới trải qua 2 tháng đầu năm, cho nên còn quá sớm để nhận định về lạm phát trong năm 2019, tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, theo ông Đặng Đức Anh, việc Chính phủ tiếp tục duy trì sự chủ động trong việc kiểm soát lạm phát là điều cần thiết.
Đặc biệt, ông Đặng Đức Anh lưu ý đến vai trò của chính sách tiền tệ trong giai đoạn này. Theo vị chuyên gia này, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thận trọng, duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý. Bởi vì chính sách tiền tệ ảnh hưởng nhiều đến lạm phát.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 17/1/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt ra mục tiêu, yêu cầu cho các bộ, ngành, địa phương điều hành chỉ số giá tiêu dùng trong khoảng 3,3-3,9%, bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 1/1/2019 là kiểm soát chỉ số này dưới 4%.
“Đây là kịch bản đã được tính toán trên cơ sở điều chỉnh giá cả các mặt hàng xăng dầu, thịt heo, tiếp tục đưa kết cấu lương, một phần chi phí quản lý vào dịch vụ y tế, giá điện. Bên cạnh đó, tiếp tục điều hành lạm phát cơ bản là khoảng 1,6-1,8%”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.
|
Theo Phapluatplus/Vietnamnet