Ảnh minh họa.
Trước đó, ngày 17/10/2023, Thủ tướng có Công điện 972/CĐ-TTg về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Vào hồi tháng 6 và tháng 8/2023, Thủ tướng cũng đã có 2 công điện có nội dung liên quan.
Những việc này nhằm triển khai các Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Kết luận 48-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII), Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XV), Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 của Chính phủ).
Theo quy định tại Nghị quyết 117/NQ-CP của Chính phủ, chậm nhất ngày 31/10/2023, UBND cấp tỉnh phải gửi phương án tổng thể sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của địa phương đến Bộ Nội vụ. Nhưng theo số liệu tổng hợp, cách đây 10 ngày, còn 50 tỉnh, thành đang tiến hành xây dựng, hoàn thiện phương án, chưa bảo đảm theo yêu cầu tiến độ chung.
Theo dự kiến, 63 tỉnh, thành (giai đoạn 2023 - 2025) phải sắp xếp với khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và hơn 1.300 ĐVHC cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp, chưa tính số ĐVHC thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.
Năm 2018, Bộ Chính trị (khóa XII) có Nghị quyết 37-NQ/TW nhận định: Việc chia, tách ĐVHC các cấp thời gian qua nảy sinh một số bất cập và hạn chế. Nhiều ĐVHC cấp huyện, cấp xã quy mô quá nhỏ, không gian phát triển bị chia cắt, gây ra nhiều khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển...; nguồn lực của địa phương và Trung ương bị phân tán, nhất là trong điều kiện Trung ương đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương.
Một vấn đề nữa, càng chia tách thì ngân sách nhà nước càng phải chi, bởi thu tại một số địa phương không đủ cân đối chi thường xuyên. Nhà “đông con”, nhưng nhiều con “nghèo”, nên phải “trợ cấp” và cũng không thể chi mãi. Quản trị gia đình và quản trị quốc gia, có nét giống nhau về nguồn lực, trách nhiệm tự chủ.
Tất cả cùng hy vọng việc sắp xếp ĐVHC lần này phù hợp với quy hoạch tổng thể, yêu cầu phát triển, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; góp phần làm cho bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, cải cách chế độ tiền lương, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Việc sắp xếp ĐVHC sẽ phải trải qua lộ trình xây dựng phương án, kiện toàn bộ máy, hoàn thành chuyển đổi các loại giấy tờ liên quan của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp do thay đổi địa giới và tên gọi đơn vị hành chính mới. Tất cả đều phải có thời gian, kinh phí. Do vậy, một trong những giá trị cốt lõi là sắp xếp có giá trị lâu dài và phát triển.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus