Sáng 6/11/2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là vị tư lệnh ngành đầu tiên lên “ghế nóng” trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Nói về tình trạng "được mùa mất giá" của nông sản Việt, Bộ trưởng so sánh: "Giá vàng cũng biến động, dầu cũng biến động, giá nông sản cũng vậy!".
Báo cáo về những nội dung liên quan đến các nhóm vấn đề chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý của mình, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu nhiều con số đáng chú ý.
Đây là lần thứ 2 Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội trong nhiệm kỳ khóa XIV.
Nhóm vấn đề thứ nhất được đặt ra với Bộ trưởng Nông nghiệp là chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản.
Bộ trưởng cho biết, kết quả xây dựng nông thôn mới, đến tháng 10/ 2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn nôn thôn mới, hoàn thành vượt mục tiêu 10 năm (2010-2020).
Tính chung trong 9 năm qua, cả nước đã huy động được 2,4 triệu tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho chương trình gần 320.000 tỷ đồng, chiếm 13,2%; vốn tín dụng chiếm tỷ lệ cao nhất: 57,6% (tương đương 1,4 triệu tỷ đồng)…
Bộ trưởng Nông nghiệp nhấn mạnh vấn đề xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản cho chương trình này. Từ tổng số nợ xây dựng cơ bản trong các năm 2106 - 2017 trên 15.000 tỷ; đến nay đã được giải quyết dứt điểm. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, đây là sự cố gắng rất lớn của các cấp, các ngành, địa phương trong đảm bảo chất lượngcChương trình, tránh việc chạy đua theo thành tích về số xã nông thôn mới.
Vấn đề tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, mở cửa phát triển thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, Bộ trưởng khẳng định đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại các thị trường có tiềm năm. Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2019, Bộ đã chỉ đạo nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc.
Với nhóm vấn đề “công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cập nhật thông tin về dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn Châu Phi… Kết quả, ngành đã ngăn chặn, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất do dịch bệnh.
Với bệnh dịch nghiêm trọng nhất là tả lợn Châu Phi, Bộ trưởng cho biết, đến hết tháng 10/2019, số lợn buộc tiêu hủy giảm hơn 60% so với tháng 5/2019 là tháng cao điểm. Ngành chăn nuôi đã lưu giữ được khoảng gần 110 nghìn con (90%) lợn cụ kỵ, ông bà chưa bị dịch bệnh và bảo đảm cung cấp lợn giống tái đàn tại các địa phương.
Nhóm vấn đề thứ 3 Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp là về hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; công tác quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.
Bộ trưởng trình bày giải pháp triển khai thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản nhằm sớm giải quyết vấn đề áp “thẻ vàng” của EC; tiếp tục điều chỉnh các chính sách, quy định vè khai thác kiểm soát tàu cá…để hài hòa với các quy định về kiểm soát thủy sản theo thông lệ quốc tế.
Một hạn chế được nhắc đến trong nội dung này là chương trình hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép để tái cơ cấu ngành thủy sản. Theo chương trình này, 1.030 tàu đã được đóng mới đi vào hoạt động (863 tàu khai thác hải sản, 167 tàu dịch vụ hậu cần) với số vốn vay trên 11.500 tỷ đồng nhưng số nợ quá hạn, nợ xấu cũng tập trung chủ yếu ở nhóm tàu này.
Theo thống kê, có 115 tàu cá vỏ thép không thực hiện công tác đăng kiểm khi tàu hết hạn đăng kiểm (chiếm 32% tàu vỏ thép). Có trên 60% tàu cá vỏ thép không thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng tàu cá theo quy trình duy tu bảo dưỡng dẫn đến nhiều trường hợp tàu cá bị gỉ sét, xuống cấp ảnh hưởng đến tuổi thọ hoạt động của tàu. Số tàu cá được đóng theo Nghị định “67” hiện ngừng hoạt động sản xuất là 55 tàu, chiếm 5,2% tổng số tàu đóng mới, trong đó tàu vỏ thép là 36 chiếc (chiếm 3,5%).