Giá vàng hôm nay 9/8: Giá vàng trong nước tăng vượt mặt thế giới
Kinhte&Xahoi
Giá vàng thế giới hôm nay vững trên mốc 1.500 USD/ounce, tiếp tục hỗ trợ giá vàng trong nước lập thêm đỉnh cao mới của 6 năm.
Giá vàng trong nước tăng từ 700.000 – 230.000 đồng/lượng và đang được giao dịch ở mức sau.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 41,98 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,43 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 180.000 đồng/lượng theo chiều mua vào và tăng 230.000 đồng/lượng theo chiều bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Theo biểu đồ giá vàng của DOJI, giá vàng miếng hiện đang cao nhất hơn 6 năm. Lần gần đây nhất giá vàng miếng ở mức 42,4 triệu đồng/lượng là vào đầu tháng 5/2013. Từ đầu tuần tới nay, giá vàng miếng đã tăng khoảng 2,6 triệu đồng/lượng.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh Hà Nội hiện tại đang niêm yết vàng SJC ở mức: 41,92 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,34 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 70.000 đồng/lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Giao thông)
Trong khi đó, giá vàng SJC giao dịch lẻ của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức giá 42,00 triệu đồng/lượng (mua vào) và 42,40 triệu đồng/lượng (bán ra).
Mức giá này tăng 200.000 đồng/ lượng theo cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch gần nhất.
Tại các chi nhánh của Bảo Tín Minh Châu đã ghi nhận lượng khách bán ra tăng lên nhiều so với lượng mua vào. (35% khách mua vào và 65% khách bán ra).
Khoảng cách giá mua - bán vàng miếng tại thị trường Hà Nội những ngày gần đây phổ biến từ 350.000-500.000 đồng/lượng.
Theo đánh giá của nhóm phân tích Công ty Bảo Tín Minh Châu thì: "Vàng tăng chủ yếu do giới đầu tư dồn dập đổ tiền vào các kênh đầu tư an toàn sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ sau khi Bắc Kinh thả cho đồng Nhân dân tệ (NDT) giảm mạnh xuống dưới ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD"
Tại thị trường thế giới, giá vàng đang tăng rất mạnh và được giao dịch ở mức 1.500,7 USD/ounce (Theo Kitco News).
Giá vàng thế giới hiện tương đương khoảng 42,1 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ khoảng hơn 200.000 đồng/lượng.
Từ đầu tuần đến nay, giá vàng thế giới đã tăng khoảng 4%, tiến tới hoàn tất tuần tăng thứ hai liên tục.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang dẫn tới nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư tăng cao, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu hạ lãi suất để cứu tăng trưởng kinh tế, và đồng USD yếu đi là những nhân tố chính hỗ trợ cho giá vàng thế giới trong tuần này.
"Vàng đang phát huy tốt vai trò một tài sản an toàn", Giám đốc phụ trách hàng hóa cơ bản và tỷ giá thuộc mảng quản lý tài sản của ngân hàng UBS, ông Wayne Gordon, nhận định. Theo dự báo của UBS, nếu chiến tranh thương mại leo thang cao hơn, giá vàng có thể lên mức 1.600 USD/oz.
Nhiều nhận định cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng công cụ tiền tệ như một hành động trả đũa Mỹ cũng như để tạo sự hỗ trợ cho nền kinh tế khi chính quyền ông Trump áp thêm thuế từ đầu tháng 9 tới.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD dao động quanh ngưỡng 97,55 điểm trong phiên sáng nay tại châu Á, tăng nhẹ so với sáng qua. Tuy nhiên, so với đầu tuần, chỉ số này hiện giảm 0,1% và đang tiến tới hoàn tất tuần giảm đầu tiên sau chuỗi 3 tuần tăng liên tục.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được dự báo sẽ có thêm 2-3 đợt giảm lãi suất nữa trong thời gian từ nay đến cuối năm, sau đợt cắt giảm vào cuối tháng 7.
Khi lãi suất được cắt giảm, đồng USD sẽ suy yếu, qua đó tác động tích cực lên vàng. Còn nếu Fed không giảm lãi suất thêm nữa hoặc giảm ở mức chậm thì nền kinh tế Mỹ chịu rủi ro suy thoái và vàng cũng sẽ được hưởng lợi.
Như vậy, ở bất kỳ tình huống nào, mặt hàng kim loại quý vẫn là một lựa chọn tốt, nhất là ở trong bối cảnh hiện nay các nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều rủi ro khiến vàng trở thành một tài sản trú ẩn an toàn đối với giới đầu tư.
Theo số liệu từ Hội đồng vàng thế giới, 54% ngân hàng trung ương các nước khi được hỏi cho biết họ muốn giữ vàng và mua thêm trong thời gian 5 năm tới. Điều này cho thấy ý định bán vàng ra của ngân hàng trung ương các nước là không có.