Phát triển kinh tế biển khiến vùng biển Quảng Ngãi đối mặt với việc ô nhiễm từ nhấn chìm 15 triệu m3 vật chất
Mong muốn có cái nhìn rõ hơn về kinh tế biển và tìm giải pháp đưa Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh về biển, ngày 4/6, tại Đà Nẵng, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Vinh danh Doanh nghiệp, Doanh nhân “Thương tôn pháp luật - phát triển bền vững” vai trò của pháp luật với chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam”.
Chưa tương xứng với tiềm năng
Với chiều dài bờ biển 3.260km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Bình quân cứ 10km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới. Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo và hơn 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng.
Bên cạnh giá trị về vị thế, vùng biển Việt Nam còn có nguồn tài nguyên phong phú, trong đó giá trị lớn như dầu khí, nguồn lợi thủy sản… Tài liệu thống kê quốc gia thể hiện, trữ lượng cá ở vùng biển khoảng 5 triệu tấn/năm, trữ lượng cá có thể đánh bắt hàng năm khoảng 2,3 triệu tấn. Dọc ven biển có tên 37 vạn ha mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn - lợ; hơn 50 vạn ha các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, phá Tam Giang, vịnh Vân Phong… rất thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển.
Ngoài ra, dọc bờ biển Việt Nam có khoảng 125 bãi biển đẹp, trong đó, một số nơi được thế giới biết đến như bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), Phú Quốc (Kiên Giang), Eo gió (Bình Định), vịnh Nha Trang, vịnh Lăng Cô, đặc biệt, vịnh Hạ Long với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Điều này tạo nhiều lợi thế cho Việt Nam phát triển du lịch biển.
Tài nguyên biển phong phú trở thành tiền đề cho xây dựng các chiến lược về biển. Trong đó, Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007 “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đặt mục tiêu đưa đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển theo hướng phát triển bền vững, phấn đấu đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP; 55-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện thêm một bước đáng kể đời sống cho nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.
Có thể nói Chiến lược biển Việt Nam là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia biển. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, ngoài một số thành công nhất định, kinh tế biển hiện nay vẫn chưa bền vững và chưa phát huy được các thế mạnh của tài nguyên biển.
Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá một cách tổng thể, sự phát triển của kinh tế biển, đảo ở Việt Nam vẫn chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế sẵn có. Quy mô kinh tế biển của thế giới ước đạt 1.300 tỉ USD. Theo ước tính, quy mô kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó, GDP của kinh tế “thuần biển” mới đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước.
Trong các ngành kinh tế biển, đóng góp của các ngành kinh tế diễn ra trên biển chiếm 98%, chủ yếu khai thác dầu khí, nuôi trồng, đánh bắt hải sản, vận tải biển, du lịch biển. Các ngành kinh tế có liên quan trực tiếp tới khai thác biển như chế biến dầu khí, chế biến thủy hải sản, đóng và sửa chữa tàu biển, thông tin liên lạc… bước đầu phát triển, nhưng hiện tại quy mô mới chiếm khoảng 2% kinh tế biển và 0,4% tổng GDP cả nước.
Kết cấu hạ tầng các vùng biển, ven biển, đảo tuy được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế. Hệ thống cảng biển nhỏ bé, manh mún, mạng lưới tàu thuyền, trang thiết bị nhìn chung còn lạc hậu và chưa đồng bộ nên hiệu quả thấp.
Phát triển bền vững từ chính thách thức và tiếp cận!
Điều đáng lo ngại, việc phát triển kinh tế biển đã gây ra những suy thoái rất mạnh mẽ tới môi trường và các nguồn tài nguyên biển. Những con số biết nói từng được chỉ ra, hiện có từ 70% đến 80% lượng rác thải trên biển có nguồn gốc từ nội địa khi các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư xả nước thải, chất thải rắn không qua xử lý xả ra biển.
Vùng biển nước ta có hàng trăm giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí, ngoài việc thải nước lẫn dầu với khối lượng lớn, trung bình mỗi năm hoạt động này còn phát sinh 5.600 tấn rác thải dầu khí, trong đó có 20% đến 30% chất thải rắn nguy hại còn chưa có bãi chứa và nơi xử lý…
Thực tế trên cũng từng được chỉ ra qua nhiều cuộc Hội thảo tại Đà Nẵng, rằng phát triển kinh tế biển của Việt Nam hiện nay đang gặp rất nhiều thách thức, chủ yếu do chủ quan.
Theo đó, nguyên nhân lớn nhất do chưa có quy hoạch sử dụng biển cũng như quy hoạch tổng thể sử dụng vùng bờ biển theo quan điểm quản lý tổng hợp. Điều đó dẫn tới nguồn thủy sản bị đánh bắt cạn kiệt, các hệ sinh thái biển quan trọng như rừng ngập mặn, hệ rạn san hô, thảm thực vật biển bị phá hoại và suy thoái nghiêm trọng.
Nhận thức của ngư dân còn thấp nên còn đánh bắt cá trái phép, thậm chí đánh bắt hủy diệt tại các vùng biển Việt Nam và vùng biển nước ngoài, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Ô nhiễm môi trường biển ngày càng gia tăng, điển hình vụ xả nước thải trái phép ra biển tại Hà Tĩnh, đã gây ra những hậu quả rất lớn tới môi trường biển và kinh tế - xã hội tại các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên - Huế.
Bên cạnh đó, việc quản lý nhiều khu bảo tồn biển chưa hiệu quả nên chưa tạo nhiều thay đổi trong phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng ven biển còn dàn trải. Hệ thống chính sách, pháp luật phát triển kinh tế biển chưa đồng bộ, chưa tạo được sức mạnh để điều chỉnh các hoạt động phát triển kinh tế biển. Đặc biệt, nhận thức về phát triển một cách hiệu quả, bền vững kinh tế biển của cán bộ và nhân dân chưa cao, khái niệm về nền kinh tế biển xanh hầu như chưa được hiểu và áp dụng thống nhất ở Việt Nam.
Bằng nhiều năm nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển, Tiến sĩ Mộc Quế, Kỷ lục gia thế giới cho rằng, muốn triển khai quản lý tổng hợp biển và hải đảo trên quy mô toàn quốc thành công, trước mắt cần hoàn thiện pháp luật, xây dựng...
Tiến sĩ Mộc Quế, Kỷ lục gia thế giới phân tích, có thể thực hiện theo 8 nội dung pháp luật quy định. Cụ thể, Luật quy định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Hiện nay nước ta đã có đường cơ sở từ đảo Cồn Cỏ đến đảo Thổ Chu. Đây là cột mốc luật pháp Quốc tế để làm kinh tế biển trong nước. Biển và đại dương chính là tầm nhìn làm kinh tế biển và về hợp tác quốc tế.
Với nội thủy, hiện nay rất ít tỉnh, thành, huyện thị, thành phố coi trọng, vì đây là “Vùng nước tiếp cận giáp bờ biển”. Hầu hết nội thủy của 28 tỉnh là đường nước ô nhiễm, chở rác ra biển và chở nước mặn vào xâm nhập mặn vào đất liền. Từ đây, một diện tích lớn, dài, sâu, bị ô nhiễm từ chính nơi đẹp nhất, có giá trị bất động sản nhất. Về lãnh hải, ở đây trọng tâm là các khu kinh tế biển, các cảng biển, cảng cá, hệ thống tàu đánh bắt gần bờ và xa bờ, nhưng chưa khai thác cảng tàu du lịch, đoàn tàu du lịch biển, các công nghệ làm kinh tế biển…
“Ngoài ra, các nội dung như Vùng tiếp giáp lãnh hải; Vùng đặc quyền kinh tế; Thềm lục địa; Đảo và quần đảo; Hoạt động trong vùng biển Việt Nam đều thể hiện việc làm kinh tế quá ít, so với sự vĩ đại, mênh mông của biển đảo Việt Nam. Đăc biệt, chúng ta càng phải có nhiều thể chế sâu, đặc thù cho kinh tế biển Việt Nam và các giải pháp kích cầu, khởi nghiệp quyết liệt cùng làm kinh tế biển để dân giàu, nước mạnh”, Tiến sĩ Mộc Quế nhìn nhận.
Dưới góc độ quản lý tổng hợp biển và hải đảo, ông Hà Thanh Biên, Cục Quản lý khai thác biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, để phát triển kinh tế biển bền vững, cần xây dựng một quy hoạch sử dụng biển cho toàn quốc mang tính tổng hợp với phương thức tiếp cận sinh thái. Với cách tiếp cận từ lợi thế và hạn chế của kinh tế biển, cần xây dựng và triển khai thực hiện một cơ chế kinh tế thị trường theo hướng nền kinh tế biển xanh bằng cách xây dựng và thực hiện quy định pháp luật để đảm bảo tối ưu hóa các lợi ích…
Do tính hiệu quả và thiết thực, đến năm 2002, đã có 145 quốc gia và vùng lãnh thổ thực hiện 622 chương trình hoặc dự án quản lý tổng hợp vùng bờ; trong đó có nhiều quốc gia có biển trên thế giới đã áp dụng phương thức quản lý này có hiệu quả như Mỹ, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước EU, Nam Phi, Úc…
Còn tại Việt Nam, quản lý tổng hợp bắt đầu từ việc Tổ chức Đối tác quản lý môi trường các biển Đông Á/PEMSEA, giới thiệu và thực hiện tại Đà Nẵng năm 1995, tiếp sau đó nhiều chương trình dự án khác. Và sự ra đời của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (năm 2008) trở thành một dấu mốc quan trọng trong quyết tâm thực hiện quản lý tổng hợp, thống nhất về biển và hải đảo Việt Nam.
Theo Pháp luật Plus