Xem nhiều

Giám sát chặt chất lượng bữa ăn bán trú

23/10/2023 08:08

Kinhte&Xahoi Những ngày qua, tại một số trường học ở thành phố Hà Nội liên tục xảy ra các sự việc tiêu cực liên quan đến bữa ăn bán trú của học sinh khiến dư luận xã hội bức xúc. Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, tỷ lệ học sinh ăn bán trú hằng ngày rất lớn, việc cộng đồng trách nhiệm để bảo đảm chất lượng bữa ăn cũng như an toàn sức khỏe cho học sinh của thành phố là vấn đề cần được quan tâm.

Những ngày qua, tại một số trường học ở thành phố Hà Nội liên tục xảy ra các sự việc tiêu cực liên quan đến bữa ăn bán trú của học sinh khiến dư luận xã hội bức xúc. Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, tỷ lệ học sinh ăn bán trú hằng ngày rất lớn, việc cộng đồng trách nhiệm để bảo đảm chất lượng bữa ăn cũng như an toàn sức khỏe cho học sinh của thành phố là vấn đề cần được quan tâm.

Trường Mầm non Khương Đình (quận Thanh Xuân) luôn bảo đảm bữa ăn bán trú an toàn, đủ dưỡng chất cho học sinh. Ảnh: Nhật Nam

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Bước sang tháng thứ 2 của năm học 2023-2024, khi chưa kịp dứt mối lo về các khoản thu, phụ huynh học sinh lại đối mặt với sự bất an khi liên tục xảy ra những sự cố liên quan đến bữa ăn bán trú tại trường. Đơn cử, ngày 12-10 vừa qua, trên mạng xã hội có thông tin phụ huynh bức xúc vì bữa ăn bán trú với vài món lèo tèo có giá 32.000 đồng của Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa (quận Hà Đông). Tiếp đó, ngày 16-10, mạng xã hội đề cập thông tin một số học sinh Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình) bị đau bụng, đi ngoài sau khi ăn bán trú tại trường vào trưa 13-10.

Ngay khi ghi nhận sự việc, cơ quan chức năng của các địa phương đã khẩn trương xác minh và chấn chỉnh. Theo đó, bữa ăn tại Trường Trung học cơ sở Yên Nghĩa được xác định thuộc tuần từ ngày 9-10 đến 12-10. Nguyên nhân là do lỗi của nhân viên chia không đều tay, khiến cho suất nhiều, suất ít, còn nhà trường chưa chặt chẽ trong khâu giám sát. Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Thị Hòa đã trực tiếp kiểm tra và yêu cầu nhà trường khắc phục ngay, tuyệt đối không để lặp lại sự việc tương tự.

Với sự việc tại Trường Tiểu học Thành Công B, một số học sinh đến bệnh viện khám nhận được kết luận bị nhiễm khuẩn đường ruột. Chiều 17-10, trong khi chờ kết luận về nguyên nhân, thực hiện chỉ đạo của UBND quận Ba Đình, 100% trường học đã tổ chức vệ sinh, khử khuẩn toàn bộ khuôn viên và trang thiết bị, nhà bếp... Ông Nguyễn Tuấn Anh, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Thạch Bàn B (quận Long Biên) bày tỏ, ông rất lo lắng khi đọc thông tin về bữa ăn bán trú không bảo đảm chất lượng và thiếu an toàn. “Đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự cố liên quan đến bữa ăn của học sinh. Cơ quan chức năng đã nhiều lần chấn chỉnh, song dường như cứ lắng xuống một thời gian thì lại tái diễn. Các sự việc xảy ra cho thấy còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như mất an toàn vệ sinh thực phẩm, bị bớt xén khẩu phần ăn”, ông Nguyễn Tuấn Anh nêu ý kiến.

Dù là sự việc hi hữu, song vấn đề bảo đảm chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh một lần nữa gây chú ý. Cơ quan chức năng đã ban hành nhiều quy định, hướng dẫn liên quan, song quá trình triển khai vẫn để xảy ra sự cố khiến dư luận bức xúc.

Cộng đồng trách nhiệm

Toàn thành phố Hà Nội hiện có gần 1 triệu học sinh ăn bán trú mỗi ngày, trong đó khoảng một nửa là trẻ mầm non, còn lại là học sinh phổ thông. Tuy nhiên, ở cấp phổ thông, việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú không phải là nhiệm vụ như ở cấp mầm non, mà là nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh khi các em học 2 buổi/ngày, gia đình không thể đưa đón con về nhà ăn trưa.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, nếu như các trường mầm non tự tổ chức nấu thì các trường phổ thông thường ký hợp đồng với nhà cung cấp thực phẩm để chế biến tại trường hoặc vận chuyển suất ăn từ bên ngoài vào. Khoảng 6h ngày 17-10, ngay khi thực phẩm được vận chuyển đến khu vực bếp ăn nhà trường, tổ giám sát gồm đại diện ban giám hiệu, công đoàn, giáo viên, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) đã có mặt, kiểm tra nhãn mác và cân, đếm từng loại, đồng thời đối chiếu với thực đơn hằng ngày của trường.


Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Tuy Nguyễn Phương Hoa cho biết, việc chủ động kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu đầu vào là cần thiết nhằm kịp thời ngăn ngừa các nguy cơ như mất an toàn hoặc thiếu hụt lượng thực phẩm. “Cùng với việc chọn đơn vị cung ứng thực phẩm đủ tư cách pháp lý, ký kết hợp đồng với điều khoản chặt chẽ, nêu rõ trách nhiệm của từng bên, thì một trong những giải pháp được duy trì hằng ngày là tổ chức giám sát nguyên liệu đầu vào nhằm ngăn chặn thực phẩm 3 không (không nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không hạn sử dụng). Phụ huynh học sinh có thể kiểm tra đột xuất bất kỳ khâu nào. Thực tế, sự đồng hành của phụ huynh trong kiểm tra, giám sát rất quan trọng, vừa bảo đảm sự minh bạch, vừa kịp thời phát hiện thiếu sót để chấn chỉnh”, bà Nguyễn Phương Hoa chia sẻ.

Trưởng phòng Y tế quận Hà Đông Lê Thị Thanh Bình thông tin, qua thực tế kiểm tra, có nhiều nơi chưa để ý đến khâu chia suất ăn. Nhà trường không được phó mặc cho đơn vị cung ứng mà cần coi trọng việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn ở khâu này để bảo đảm suất ăn đủ định lượng và an toàn. Với việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, đại diện nhà trường và phụ huynh học sinh cần trực tiếp đi kiểm tra tận nơi cung cấp thực phẩm (trang trại chăn nuôi, trồng rau...); đồng thời, tăng cường giám sát hằng ngày, đột xuất ở từng khâu cũng như toàn bộ quy trình, lưu mẫu thức ăn đúng quy định.

Cam kết đồng hành, trách nhiệm trong việc tổ chức bữa ăn cho học sinh tại trường, đại diện Công ty TNHH Hương Việt Sinh, một trong những đơn vị tham gia cung ứng thực phẩm cho các trường học tại Hà Nội khẳng định, đơn vị đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm và kiểm soát toàn bộ quy trình chế biến, chứ không chỉ là việc bảo đảm đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý. Công ty cam kết thực hiện đúng phương châm “Thực phẩm chất lượng, bữa ăn an toàn”, chịu trách nhiệm trước phụ huynh học sinh, nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước nếu để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong:

Chú trọng truy xuất nguồn gốc và chất lượng thực phẩm

Kết quả kiểm tra các bếp ăn tập thể trường học thời gian qua cho thấy, đa số các trường đều chấp hành tốt quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ký hợp đồng với đơn vị cung cấp có đủ hồ sơ năng lực. Tuy nhiên, bếp ăn tập thể của các trường học vẫn còn một số hạn chế cần được khắc phục.

Do đó, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn, các nhà trường cần chọn lọc đơn vị cung cấp thực phẩm chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đồng thời, nhà trường cần trực tiếp giám sát, tự kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại đơn vị cung cấp.

Đặc biệt, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể; trong đó tập trung vào việc rà soát từ nguyên liệu đầu vào, quá trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người… Trong đó, cần chú trọng đến việc truy xuất nguồn gốc và chất lượng thực phẩm.

Trưởng phòng Chính trị tư tưởng và Khoa học công nghệ (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Trần Thị Thu Hà:

Tăng cường kiểm tra, giám sát quy trình tổ chức ăn bán trú

Việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh được ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hằng năm, ngành Giáo dục đều tham gia đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố trực tiếp kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bếp ăn ở các trường học. Đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trường học tăng cường công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế kiểm tra cho thấy, các nhà trường cơ bản tuân thủ quy định liên quan đến công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có sự tham gia giám sát của phụ huynh trong các khâu.

Ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất công tác tổ chức ăn bán trú tại các trường học. Đồng thời, sự quan tâm của UBND các cấp trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và giải quyết tình trạng bán hàng rong xung quanh trường học là cần thiết để góp phần bảo đảm an toàn sức khỏe học sinh.

Bà Nguyễn Thị Cúc, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy):

Cần có chế tài nghiêm khắc đối với những sai phạm

Là một phụ huynh có con ăn bán trú tại trường, theo dõi thông tin trên báo chí và mạng xã hội vài ngày qua, tôi thực sự bức xúc và bất an. Tôi cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho bữa ăn của các con chưa bảo đảm chất lượng là do khâu kiểm tra, quản lý, giám sát chưa chặt chẽ và thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng.

Hiện nay, phụ huynh học sinh đều được tham gia giám sát mọi khâu của quy trình, từ khâu giao nhận thực phẩm đến chế biến, rồi ra thành phẩm. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng có thời gian và không phải ngày nào phụ huynh cũng có thể tham gia giám sát. Vì vậy, bên cạnh vai trò của nhà trường thì đơn vị cung ứng cũng cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm an toàn sức khỏe học sinh.

Đặc biệt, cơ quan chức năng cần có chế tài nghiêm khắc đối với những sai phạm liên quan đến vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường để tăng tính răn đe, nâng trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh...

Minh Khang ghi

 

 Thống Nhất- Hà Nội mới

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu: Khẩn trương gỡ những “nút thắt”

Đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế. Nhận thức rõ điều này, thời gian qua, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai. Song, kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng, chưa đạt yêu cầu. Từ việc nhận diện những nút thắt về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện..., nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/giam-sat-chat-chat-luong-bua-an-ban-tru-645751.html

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com