Quang cảnh buổi làm việc.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh tiếp Đoàn công tác. Cùng dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn; Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội.
Báo cáo với Đoàn công tác, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn cho biết, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch, kèm theo đó là danh mục 25 dịch vụ công thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư; thành lập Ban Chỉ đạo 06 thành phố và các cấp để trực tiếp chỉ đạo triển khai trên toàn thành phố; phân công, phân cấp và xác định thời gian, lộ trình, trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị.
Về kết quả hợp nhất Cổng dịch vụ công thành phố và Hệ thống thông tin “một cửa” điện tử dùng chung ba cấp của thành phố, hiện Hà Nội đang triển khai Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) theo đúng hướng dẫn và bảo đảm theo quy định tại Điều 25 Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23-4-2018 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung) và đã thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và các hệ thống chuyên ngành theo đúng quy chuẩn kỹ thuật.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại buổi làm việc.
Đến nay, công dân trên địa bàn Thủ đô đã có thể sử dụng 21/25 dịch vụ công thiết yếu tích hợp trên các Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố và cổng dịch vụ công các bộ, ngành. Trong đó, thành phố đã tái cấu trúc quy trình điện tử, hoàn thành tích hợp 3 dịch vụ công (gồm: Đăng ký khai sinh; đăng ký kết hôn; đăng ký khai tử) và thực hiện khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư phục vụ việc giải quyết TTHC cho công dân trên địa bàn. Đối với 18/21 dịch vụ công còn lại, các sở, ngành thành phố đã thực hiện theo hướng dẫn của bộ, ngành chủ quản và triển khai tiếp nhận, giải quyết…
Đối với nhóm phát triển công dân số, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết hơn 3,4 triệu hồ sơ đề nghị cấp định danh điện tử; đối với căn cước công dân gắn chíp, thu nhận được hơn 6 triệu dữ liệu.
Cùng với việc nêu một số khó khăn, vướng mắc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn nêu một số đề xuất. Trong đó, đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện việc sửa đổi, bổ sung các quy định đối với các TTHC có thành phần hồ sơ phải nộp hoặc xuất trình là sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy để bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong việc thực hiện quy định của Luật Cư trú (thời điểm 31-12-2022, sổ hộ khẩu và sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng).
Thành phố cũng kiến nghị Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành cần sớm ban hành và hướng dẫn các đơn vị trong việc triển khai thực hiện việc chuẩn hóa danh mục tài liệu và mã số của giấy tờ số hóa để chia sẻ giữa Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC và các hệ thống thông tin khác…
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu kết luận buổi làm việc.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận thành phố Hà Nội đã tích cực triển khai thực hiện Đề án 06.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, điều quan trọng khi thực hiện Đề án 06 là thay đổi toàn bộ quy trình, thủ tục, thói quen của lãnh đạo các cấp. Khẳng định Đề án 06 nếu thành công sẽ mang lại hiệu quả rất lớn, Phó Thủ tướng nêu rõ, Hà Nội với tư cách là địa phương được Chính phủ chọn làm điểm, làm mẫu trong việc thực hiện Đề án trên cả nước, cần làm rất thận trọng, trên tinh thần là giảm thời gian, giảm chi phí, bớt đi lại cho người dân.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số bất cập, vướng mắc của Hà Nội, đồng thời yêu cầu cần tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, tính liên thông, kết nối bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân...
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội sẽ tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ cũng như những ý kiến góp ý của Đoàn công tác, và quyết tâm cao hơn nữa để triển khai hiệu quả Đề án 06.
Chủ tịch UBND thành phố cũng giao cụ thể một số nội dung cho các cơ quan liên quan sớm tìm hiểu, tháo gỡ vướng mắc đối với một số nhiệm vụ liên quan đến TTHC về khai sinh, khai tử, lý lịch tư pháp, giấy phép lái xe…, đã được nêu ra tại buổi làm việc.
* Trước đó, Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế việc triển khai Đề án 06 tại phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm).
Phong Thu- Ảnh: Hiền Chi - Hà Nội mới