Cuộc sống của đa số giáo viên hiện nay còn gặp khó khăn về kinh tế là điều mà mọi người đều nhìn thấy được. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều công chức, viên chức đang hưởng lương nhà nước.
Chính vì thế mà thời gian qua đã có những thầy cô làm đơn xin thôi việc, xin ra khỏi ngành để tìm một công việc khác có thu nhập tốt hơn làm giáo viên.
Có những thầy cô khát khao được đi dạy nhưng cũng có những thầy cô lại muốn thôi việc vì đồng lương thấp (Ảnh minh họa: Vũ Ninh)
Nhưng, có lẽ chúng ta hãy xem đây là một chuyện rất bình thường trong xã hội hiện nay bởi nhu cầu cuộc sống mỗi người mỗi khác, miễn là lựa chọn đó cảm thấy phụ hợp cho bản thân và gia đình của họ.
Dù có mất lòng nhưng chúng ta cũng phải thẳng thắn nói với nhau rằng không ai bắt buộc mình lựa chọn nghề giáo ngoài sự yêu thích của bản thân và định hướng của gia đình nhà mình trước khi học nghề sư phạm.
Vì vậy, việc đến với nghề giáo hay bất kỳ ngành nghề nào trong xã hội hiện nay cũng đều trên tinh thần tự nguyện và nếu như người thầy cảm thấy công việc đó không còn phù hợp với mình thì tự động rút lui để tốt cho mình, tốt cho đơn vị mình công tác và tốt cho học trò.
Thôi việc để tránh tư tưởng “đồng sàng dị mộng” làm khổ chính mình trong suốt quãng đời còn lại và ảnh hưởng đến công việc chung của ngành giáo dục.
Một số thầy cô làm đơn ra khỏi ngành với lý do đồng lương thiếu thốn, không đủ trang trải cuộc sống gia đình- đó là sự thật của cuộc sống người thầy hiện nay. Nếu như công tác gần nhà, nếu có vợ hoặc chồng làm công việc khác, nếu dạy thêm được thì cuộc sống bớt khó khăn hơn.
Còn như giáo viên có thâm niên ít, dạy những môn được xem là môn phụ, công tác xa nhà sẽ cảm thấy rất khó khăn để trang trải cuộc sống với đồng lương hàng tháng của mình.
Song, đó là thực trạng chung của công chức, viên chức nước nhà. Ngân sách còn hạn hẹp, lượng công chức, viên chức nước ta thì quá nhiều làm sao có thể có lương cao được?
Nhu cầu cuộc sống mỗi người mỗi khác nhau
Có nhiều giáo viên ở Hà Nội từ hè đến nay đang sống trong trạng thái lo âu khi biết mình khó có cơ hội được đứng trên bục giảng. Trong số họ, có nhiều người chỉ được trả lương mỗi tháng hơn 1 triệu đồng.
Nhiều người đã và đang tham gia dự thi viên chức do ngành giáo dục tổ chức và đã rớt ngay từ vòng đầu.
Nhiều sinh viên ra trường đang thất nghiệp hoặc phải làm một công việc trái nghề để chờ đợi cơ hội được đứng trên bục giảng với mức lương bậc 1 hiện nay hơn 3 triệu đồng mà vẫn chưa được.
Nhiều địa phương tuyển dụng viên chức ngành giáo dục mà tỉ lệ chọi cao chót vót. Hàng chục thí sinh đăng ký dự tuyển trong khi nhà trường chỉ lấy 1 chỉ tiêu. Vậy mà vẫn nhiều người đăng ký dự thi. Nhiều người buồn dai dẳng khi ra trường nhiều năm mà vẫn không có cơ hội được làm thầy.
Điều này cho chúng ta thấy có những người khát khao được đi dạy những cũng có những thầy cô đang có công việc ổn định hàng chục năm lại cho rằng đồng lương của mình quá thấp. Thế mới biết, có người chán nhưng cũng có rất nhiều người muốn có cơ hội được làm cái việc mà mình đã bỏ tuổi thanh xuân ra để theo đuổi.
Vì thế, chúng ta hãy xem những thầy cô đang công tác trong ngành giáo dục làm đơn xin thôi việc vì lý do lương thấp là một chuyện rất đỗi bình thường. Có thể thấp với người này nhưng lại cho thể đem lại hạnh phúc, ước mơ cho nhiều người khác.
Có người thấy đồng lương giáo viên hiện nay là chưa đủ sống, chưa đủ lo cho vợ con mình nên đi tìm một công việc khác, đó là một lựa chọn cá nhân, lựa chọn cho tương lai họ. Bởi, thời kinh tế thị trường thì nếu ai có cơ hội tốt hơn thì cứ thử sức, cứ nghỉ việc và đây cũng là quy luật tất yếu trong mọi ngành nghề.
Ai chẳng muốn lương cao và một cuộc sống đủ đầy
Có lẽ, ai cũng vậy thôi, thời sinh viên thường mơ mộng viển vông và sống với lý thuyết sách vở nhiều hơn. Nhưng, một khi đã ra trường đi làm, có vợ, có chồng thì suy nghĩ của con người sẽ thay đổi.
Ai cũng mong cuộc sống của mình đủ đầy hơn, đồng lương có thể đảm bảo cuộc sống hiện tại và tương lai của gia đình mình.
Nghề giáo cũng vậy, chẳng có thầy cô nào có thể yên tâm khi cuộc sống của mình khó khăn, thiếu thốn, con cái mình phải nheo nhóc, khổ sở.
Song, mỗi ngành nghề có mỗi đặc điểm riêng của nó, khi đã theo đuổi nghề sư phạm thì chẳng mấy ai nghĩ cuộc sống sau này của mình sẽ giàu có, đủ đầy hơn các ngành nghề khác trong xã hội.
Nhất là những thầy cô đang công tác ở những khu vực còn khó khăn chỉ lấy đồng lương làm nguồn sống cho mình. Thế nhưng, nhìn sang các ngành nghề khác thì nghề giáo cũng không phải là ngành có hệ số lương và ưu đãi thấp nhất trong bảng lương hiện nay.
Có được hệ số lương và những phụ cấp ưu đãi hiện hành cũng là sự cố gắng của Nhà nước rồi. Đất nước còn khó khăn, nghề giáo không thể đứng riêng một mình một bảng lương được.
Bởi, chỉ riêng đội ngũ viên chức ngành giáo dục hiện nay đang chiếm hơn một nửa số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Chính vì thế mà mấy năm gần đây, mỗi năm hệ số lương chỉ tăng thêm 100 ngàn đồng mà Quốc hội cũng phải bàn đi, bàn lại nhiều lần mới đi đến quyết định.
Chúng ta hy vọng rồi một ngày không xa nữa, khi kinh tế đất nước phát triển hơn thì những thầy cô giáo cũng như bao công chức, viên chức nhà nước sẽ được cải thiện hơn về tiền lương để cuộc sống gia đình mình được tốt hơn.
Còn bây giờ…chúng ta cứ hãy xem việc thầy cô nghỉ việc vì lương thấp là một chuyện bình thường như bao ngành nghề khác bởi ai cũng có quyền tự lựa chọn cho tương lai của mình.
/*Tiêu đề do Phapluatplus.vn đặt lại.