Giữ từng tấc biển thiêng liêng
Kinhte&Xahoi
30 năm qua, dù sóng, dù gió có khắc nghiệt đến đâu, những nhà giàn DK1 và những người lính vẫn đứng hiên ngang giữa đất trời, là những cột mốc sống, tạo thành phên dậu, khẳng định chủ quyền đất nước trên biển Đông.
Ban chỉ huy DK1 nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.
Một thời đi dựng nhà giàn
30 năm thành lập xây dựng bảo vệ và trưởng thành, lớp lớp cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 đã viết lên truyền thống “Đoàn kết hiệp đồng, khắc phục khó khăn, kiên trì cảnh giác, giữ vững chủ quyền”. Truyền thống ấy đã thấm đẫm bao mồ hôi công sức, máu và nước mắt của thế hệ cán bộ, chiến sĩ, là động lực kiên cường để cán bộ, chiến sĩ vững vàng tay súng, canh giữ biển trời thềm lục địa của Tổ quốc thân yêu.
Trong buổi giao lưu đầu tháng 7 nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập nhà giàn, có nhiều nhân chứng gắn bó với nhà giàn những ngày đầu tiên đi xây dựng với tinh thần “nhà giàn đi chẳng tiếc tuổi xuân” như Trung tá cựu binh Trần Văn Dũng, nguyên chính trị viên của DK1, Trung tá Bùi Xuân Bổng - người sống sót trở về sau cơn lốc cuồng phong năm 1990 của thế kỷ trước.
Câu chuyện kể về ngày đầu đi dựng nhà giàn, về sự hi sinh anh dũng của Đại úy Vũ Quang Chương, Chuẩn úy Lê Đức Hồng, Thiếu úy Lê Đức Hồng vĩnh viễn nằm lại biển khơi trong cơn bão Fathes tháng 12 năm 1998 không ai cầm được nước mắt.
Là người gắn bó với DK1 ngay từ ngày đầu tiên, Trung tá Bùi Xuân Bổng không quên được cái ngày “thuyền gỗ sào tre đi dựng nhà giàn”. Anh Bổng bảo: “Ngày đó đi nhà giàn khác gì chiến trận và không hẹn ngày trở lại. Biết có thể hi sinh ngoài biển, song vì nhiệm vụ nên không thể lùi bước. Nhà giàn gọi là lên đường chứ không suy nghĩ sống chết thế nào”.
Trong nhiều nhân chứng sống, có một người thuyền trưởng chở sào tre dây thừng đi khảo sát chân đế nhà giàn 30 năm trước, đó là Thượng tá Nguyễn Tiến Cường, nguyên thuyền trưởng con tàu “lá tre” 668 của Lữ đoàn 171 năm xưa. Anh Cường kể lại: Chiều ngày 6/11/1988, tạm biệt vợ mới cưới, anh Cường xuống tàu ra đi. Chị Thủy tiễn chồng ra tận cầu cảng. Thay những lời dặn dò chồng là đôi mắt đỏ hoe.
Nhìn vợ, Cường bảo “Biển rộng lớn nhưng anh nhất định sẽ về”, rồi bước chân xuống tàu. Cùng tiễn chồng xuống cảng hôm ấy, có nhiều người vợ trẻ. Cuộc chia tay bịn rịn ngay trên cầu cảng, những giọt nước mắt, những lời dặn dò lưu luyến của người đi, người ở xúc động nghẹn ngào. Sau sự kiện “Trường Sa 88”, đi biển ngày ấy cũng đồng nghĩa với vào chiến trận, không ai biết trướ điều gì sẽ xảy ra.
Dưới sự chỉ huy của Trung tá Phạm Xuân Hoa - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171, biên đội tàu HQ-668 do Thượng úy Nguyễn Tiến Cường làm thuyền trưởng, tàu HQ-713 do Thượng úy Nguyễn Hồng Thưởng làm thuyền trưởng hành trình từ cảng Vũng Tàu ra thềm lục địa. Phương tiện duy nhất trong chuyến hải trình này là chiếc la bàn từ, 2 cuộn dây, 6 cây sào tre để đo độ sâu. Giữa biển mênh mông sóng dữ, đời sống của các chiến sĩ vô cùng khó khăn, gian khổ.
Thức ăn lúc đó chủ yếu là rau muống phơi khô và đồ hộp. Do sóng lớn, toàn bộ khoang nước ngọt dưới hầm tàu bị nhiễm mặn hòa lẫn với gỉ sét. Các chiến sĩ đã dùng áo lót căng lên mặt xô, lọc nước nhiễm gỉ sét, hoặc gạn lắng nước trong để nấu cơm.
Vì không có nước ngọt nên các chiến sĩ không có “kế hoạch” tắm. Tất cả tắm bằng nước biển, nước ngọt chỉ tráng sau cùng. Vì thiếu nước ngọt, có chiến sĩ cả tháng không đánh răng, họ chấp nhận sống đời “ngư phủ”.
Ngày ấy, việc quan sát mặt biển canh gác chủ yếu là mắt thường và kinh nghiệm thực tiễn chứ không có phương tiện hiện đại như bây giờ. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối, ngày cũng như đêm, các thủy thủ tăng cường quan sát, phát hiện những động thái từ xa và sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh.
Sau hơn một tháng chạy đua với sóng gió, ngày 10/6/1989, nhà giàn đầu tiên với tên gọi Phúc Tần hiện hữu giữa Thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Toàn bộ cán bộ, chiến sĩ công binh và những người thợ lặn nhìn nhà giàn mà trào nước mắt, những giọt nước mắt sung sướng và tự hào khôn xiết.
Giữ từng tấc biển thiêng liêng
Kỷ niệm 30 năm thành lập DK1, thế hệ lính nhà giàn đầu tiên những năm 1989 như Trung tá Bùi Xuân Bổng, Trung tá Trần Văn Dũng, Trung tá Trang Hải Âu đến những người lính trẻ thế hệ 9X hôm nay như Binh nhất Nguyễn Văn Hùng, Hạ sĩ Trần Tuấn Anh… đều có một quyết tâm sắt đá: phải kiên cường bám trụ, giữ vững nhà giàn bằng ý chí và sức mạnh người lính.
Trung tá Trang Hải Âu chia sẻ: “Lính nhà giàn chưa bao giờ gác súng. Tôi đi nhà giàn 23 năm, không thể nói hết được gian khổ, song đó lại là thời gian vinh quang nhất. Mặc dù không còn đi nhà giàn nữa, song nhà giàn luôn trong máu thịt tôi. Ở đó, tôi được cống hiến và luôn sống có ý nghĩa nhất”.
Sĩ quan trẻ, Thiếu úy Nguyễn Hùng Cường chia sẻ: “Tôi về nhà giàn công tác được 3 năm. Tuy so với các anh đi trước thì chưa nhiều thâm niên ở nhà giàn, song tôi luôn cảm thấy mình tự hào, hãnh diện. Sống ở biển, khó khăn, gian khổ là dĩ nhiên. Chính những ngày sống chết với bão tố, tôi mới hiểu được giá trị của người lính nơi tuyến đầu. Biển đã ngấm vào máu thịt, nhà giàn là quê hương của chúng tôi”.
30 năm, một khoảng không dài so với dòng chảy của thời gian, cũng không thể nói hết được những khó khăn, vất vả, thiếu thốn bộn bề; những nỗi buồn, niềm vui, vinh quang và trách nhiệm của những người lính hải quân ở các nhà giàn DK1 đóng quân trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Chỉ biết các anh - những người trẻ tiêu biểu cho đức hy sinh và lòng dũng cảm của triệu triệu thanh niên cả nước. Những thế hệ sau đang tiếp bước các thế hệ trước.