Giúp anh trai nấu cơm, bé 7 tuổi bị đứt gần rời ngón tay
Kinhte&Xahoi
Các bác sĩ khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị cho bé trai 7 tuổi (Quảng Ninh) nhập viện trong tình trạng ngón IV-V của bàn tay trái đã bị đứt gần rời.
Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân “Tai nạn xảy ra với con tôi vào khoảng 19 giờ ngày 16/9, khi thấy anh trai đang băm hành để nấu ăn, con đã với tay lấy thêm củ hành cho anh băm, không may anh trai của con băm trượt nên trúng vào tay em”.
Sau tai nạn, ngón tay của bé gần đứt rời, gia đình đã vội vàng băng tạm rồi đưa bé đến trạm y tế, và sau đó là bệnh viện Tỉnh để sơ cấp cứu.
Hình ảnh ngón tay của trẻ trước và sau phẫu thuật 3 ngày
Sau khi sơ cứu, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong đêm để tiếp tục điều trị. Tại đây, bé nhập viện trong tình trạng ngón IV-V của bàn tay trái đã bị đứt gần rời, chỉ còn phần da dập nát ở ngón tay. Ngay lập tức bé được các bác sĩ thăm khám, chụp X-Quang, làm các xét nghiệm cần thiết và chỉ định phẫu thuật vi phẫu.
ThS.BS Nguyễn Vũ Hoàng – Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp phẫu thuật cho bé trai cho biết: “Đây là một tổn thương rất nghiêm trọng, ngón tay IV-V bàn tay trái của trẻ đã đứt toàn bộ gân gấp, gân duỗi và một phần nguồn mạch nuôi, vết thương thấu khớp mẻ diện khớp và xương đốt ngón tay”.
Để phục hồi ngón tay cho cháu bé, các bác sĩ đã tiến hành lắp ráp xương, kết hợp xương bằng đinh Kirschner, nối lại gân duỗi và gân gấp ngón tay IV-V bàn tay trái và khâu phục hồi da ngón của bé.
ThS.BS Nguyễn Vũ Hoàng khám lại cho trẻ sau phẫu thuật
Ca phẫu thuật kéo gần 3 giờ đồng hồ đã cho kết quả thành công. Sau phẫu thuật các ngón tay đã hồng ấm, sức khỏe bệnh nhi tiến triển tốt.
Tuy nhiên, để bàn tay có thể cử động như bình thường, bé vẫn cần một quá trình điều trị chống nhiễm trùng, bất động bột chờ lành thương và tập phục hồi chức năng.
Theo TS.BS Hoàng Hải Đức, Trưởng Khoa Chỉnh hình, Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm, Khoa tiếp nhận rất nhiều trường hợp nhập viện do tại nạn trong sinh hoạt với các mức độ khác nhau.
Nhiều trường hợp thương tổn nhẹ, sau điều trị có thể phục hồi, nhưng cũng có những thương tổn nặng không thể phục hồi như đứt lìa ngón, cánh tay, bàn tay, bàn chân, ngón chân, thậm chí có trường hợp tai nạn gây nguy hiểm tới tính mạng.
Các bác sĩ khuyến cáo, trẻ nhỏ thường hiếu động, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh, tuy nhiên lại chưa có ý thức và kỹ năng phòng, tránh rủi ro có thể xảy ra nên rất dễ gặp phải tai nạn.
Để phòng tránh tai nạn thương tích cho bé, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần để mắt, trông chừng trẻ nhỏ, đánh giá, xem xét bao quát môi trường sống của con, chú ý đến tình huống nào có thể gây rủi ro cho bé. Đồng thời, trang bị cho con mình những kiến thức cơ bản để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Đối với các trường hơp không may xảy ra tai nạn đứt rời chi thể, cha mẹ cần cho phần chi thể cuốn vào gạc sạch và đựng trong một túi ni lông sạch, buộc lại để trong một túi ni lông khác đựng nước, buộc chặt rồi đặt vào thùng đá lạnh, đảm bảo chi thể đứt rời được giữ nhiệt độ trong khoảng 4 - 10 độ C. Sau đó chuyển ngay trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời.
Phương Thu - TTTĐ