Ảnh minh họa
Chúng ta đã có nhiều thành tựu về xây dựng hệ thống pháp luật (HTPL). Tuy nhiên, phải khẳng định còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, “mỗi nơi hiểu một kiểu” liên quan đến thi hành. Vì thế, tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ mới ra quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng.
Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ rà soát các quy định của pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; kiến nghị sửa đổi, bổ sung để giải phóng nguồn lực tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 17/9 vừa qua, tại Phiên họp thứ 48, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo Kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước. Kết quả bước đầu phản ánh một thực tế HTPL vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu” dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất.
Những kết quả rà soát đó cho thấy, người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước đang bị “bủa vây”. Nếu không “phát quang” “rừng luật” này sẽ tạo cơ hội cho tham nhũng, hối lộ, “chi phí dưới gầm bàn”. Mặt khác, điều này cũng khiến những người thực thi phải chịu các rủi ro pháp lý, dẫn đến tình trạng “ngồi im không làm gì” đã và đang diễn ra ở một số bộ phận quan chức và công chức. Đó là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển, không tiếp thêm được “nhiên liệu” cho cỗ máy tăng trưởng vận hành.
Một môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, một môi trường làm việc chỉ được đánh giá cao khi có HTPL rõ ràng và thông thoáng giống như những con đường cao tốc. Còn ngược lại, tất cả sẽ chỉ tạo thành những con đường ngoằn ngoèo với nhiều đường mòn, lối mở và dễ xảy ra tai nạn cho những ai đi trên con đường đó.
Chính phủ rất quan tâm đến giải ngân thúc đẩy tăng trưởng nhưng dự báo không được cải thiện bao nhiêu trong những tháng cuối năm. Rõ ràng, phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật mới có thể thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo thuận lợi để thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xã hội, thúc đẩy phát triển.
Từ Tâm - Pháp luật Plus