Góc khuất đào tạo nhân lực
Kinhte&Xahoi
Không lâu nữa, năm học mới 2020 – 2021, từ phổ thông đến đại học, cao đẳng, dạy nghề sẽ bắt đầu. Riêng lĩnh vực đào tạo đại học đang bước vào mùa tuyển sinh vô cùng “khốc liệt”.
Ảnh minh họa
Chúng ta đã từng qua thời kỳ “hội chứng” như “hội chứng tổng cục”, “hội chứng vụ lên cục”, “hội chứng đại học”... và nay chứng kiến sự mệt mỏi, tốn kém để thu gọn đầu mối, giải thể trung gian, quy hoạch sắp xếp.
Riêng đại học, cao đẳng, dạy nghề do được trao “cơ chế tự chủ” nên hình thái hoàn toàn khác. Tiến trình cạnh tranh thu hút sinh viên giữa các trường đại học đã và đang diễn ra, với nhiều “chiêu trò” phản giáo dục.
Những ngày qua, bên cạnh thông tin thời sự về Covid-19, đã xuất hiện dấu hiệu các trường cạnh tranh không lành mạnh bằng cách chê bai, nói xấu lẫn nhau trước mùa tuyển sinh giữa các trường đại học trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên. Mỗi trường đều có lực lượng sinh viên, giáo viên hùng hậu, đủ để tạo ra những diễn đàn trên không gian mạng, chê bai, nói xấu nhau sôi động đến độ gây hỗn loạn trong môi trường học thuật đại học.
Khu vực này, gần như mỗi tỉnh đều có một trường đại học. Riêng thành phố Đà Nẵng, ngoài Đại học Đà Nẵng, với hệ thống đại học vệ tinh như kinh tế, ngoại ngữ, bách khoa, công nghệ… còn có các trường đại học tư thục khá đình đám. Cạnh tranh, lôi kéo phụ huynh, học sinh là tất yếu.
Cao điểm là nhiều ngày qua, hàng loạt giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh, học sinh các trường phổ thông trung học khu vực miền Trung - Tây Nguyên nhận được lá thư nặc danh, liệt kê ưu, nhược điểm của các đại học trong khu vực có cùng ngành học. Điều đặc biệt của lá thư là chê bai tất cả các trường, duy chỉ giới thiệu một trường đại học tư thục như một hiện tượng.
Trong chiến dịch “truyền thông bẩn” này, Đại học Đà Nẵng, trường có thương hiệu cũng trở thành nạn nhân, đến mức lãnh đạo Nhà trường phải slàm văn bản gửi đến Công an thành phố Đà Nẵng.
Chưa bao giờ lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực nghe “mùi tiền” như thế. Và vì thế đã xuất hiện nhiều hiện tượng phi giáo dục, phi văn hóa. Trong cuộc “cạnh tranh” này có cả các “chiêu trò” để được xếp hạng quốc tế. Một số trường đại học đã dùng chiêu “mua bán” các bài báo khoa học thật nhiều, nhằm đánh bóng tên tuổi.
Theo các chuyên gia luật pháp cũng như giáo dục, việc “mua bán” này, về mặt pháp lý, trường mua cũng như người bán không phạm luật nhưng trái đạo đức khoa học và xung đột về mặt lợi ích. Điều này không chỉ lừa dối các tổ chức xếp hạng mà còn là lừa dối cả người học. Chưa kể đến tác hại khác, đó là khuyến khích các nhà khoa học chạy theo số lượng mà không ưu tiên nghiên cứu khoa học chất lượng.
“Đốt cháy giai đoạn” bằng “giá trị ảo” cũng là những góc khuất trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Và nếu không được kiểm soát, chắc chắn sẽ sinh ra hệ lụy không hề nhỏ.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus