Xưa rồi thời chim bị cắt cánh, cắt đuôi
Trước đây, chim phóng sinh hầu như được săn bắt tự nhiên, vì nguồn cung có hạn nên khi bán trao tay, người ta đem cắt cánh, cắt đuôi chim để chúng không bay xa được. Chim sau khi “phóng sinh” hầu hết bị bắt lại, bán quay vòng cho đến khi yếu chết, và đoạn cuối con đường của chúng chính là phòng bếp của các quán nhậu.
Mấy năm nay, vì những mánh khóe “tái sử dụng” này, dân “phóng sinh chuyên nghiệp” thường chọn chim rất kỹ trước khi mua. “Chim khỏe, bay cao, lông mượt mới mua”, chị H.T.T (một thương nhân người Hà Nội) giảng giải cho tôi.
Một buổi phóng sinh của chùa Ba Vàng
Chị T.T có thâm niên phóng sinh 12 năm. “Trước đây chị cứ đến cửa chùa mua chim, ít nhất là 21 con, nhiều thì hàng trăm con tùy vận hạn, song đều là số lẻ, riêng bồ câu mới phóng sinh theo cặp. Về sau thấy báo đài nói nhiều đến cái mẹo cắt cánh, cắt đuôi chim, rồi chuốc thuốc để chim yếu đi không bay được... thế là chị không mua nữa. Tìm mãi mới có một mối đảm bảo chim khỏe, thả ra con nào con nấy bay vù vù. Thế là mua mãi”, chị kể.
Nói thêm về nhóm “phóng sinh” này, chị V.T.V (trưởng nhóm) cho biết: “Bọn chị có cùng sở thích mà lập nhóm với nhau, giống như tất cả các nhóm khác thôi. Đợi gần Rằm, em nhớ đến đúng giờ, hôm ấy nhóm sẽ bao cả một cái thuyền du lịch, ra tận giữa sông Hồng thả cá, đảm bảo không bị bắt lại. Thả xong thì mình party luôn, vui lắm”!
Theo chị T.T, phóng sinh là việc có thể “gây nghiện”. “Phước báo đến luôn ấy em ạ, kỳ diệu lắm”. Rồi chị kể ra hàng loạt ví dụ: lô đất của anh P. bán mãi không được, phóng sinh hai đợt không những bán ngay mà giá còn tăng. Hay như chị H. áo tím kia kìa, con làm hồ sơ du học trầy trật mãi, phóng sinh có một lần chọn được trường như ý luôn. Cái A. kia nữa mới kỳ diệu (chị T dùng từ “kỳ diệu” như câu cửa miệng), chồng nó có gái, khuân hết tiền trong nhà đi cho con kia, chuẩn bị ly dị rồi, thế mà thầy chỉ giải hạn một lần, phóng sinh ba lần, giờ chồng tu chí lắm, vợ đi chùa nào cũng theo”...
Theo khảo sát, giá chim sẻ phóng sinh đầu tháng Bảy trung bình là 20.000 – 30.000đ/con (bao bay, bao sống như giới thiệu của chủ bán). Đến chừng khoảng mồng 10 âm lịch trở đi, giá có thể lên gấp đôi và lượng chim cũng khan hiếm hơn. Một lần phóng sinh mỗi người trong nhóm chị T. thả trung bình hơn 50 con chim, mất khoảng hơn một triệu đồng.
Chim vành khuyên bán để phóng sinh
Chị H. áo tím cho biết, cứ khoảng hai ba tháng chị sẽ đi phóng sinh một lần. Đầu tiên chỉ thả chim thôi. Về sau có người mách, có thể thả rùa, cá, tôm... nên chị luân phiên. Vì tôi là thành viên mới, có mục tiêu là “phấn đấu lên chức trưởng phòng” nên được các chị tư vấn phải mua rùa thả sông Hồng. “Long ly quy phụng” em ạ, nó là nhất đấy. Em cứ mua 51 con là được, để cho chắc nữa thì thả thêm 51 con vành khuyên, quan lộc cứ gọi là thênh thang luôn”, chị tư vấn cho tôi.
Nuôi chim quý để bán phóng sinh
Anh N.P.P (52 tuổi, Hà Nội) vì để giải hạn “49 chưa qua, 53 đã tới” (tính theo tuổi mụ) nên đề nghị bao cả nhóm đi ăn chim to dần, nhân tiện khảo sát trại chim phóng sinh mà hội này vẫn mua trong thời gian qua.
Chúng tôi theo anh P. về Kim Bảng, Hà Nam, vào thẳng hộ nuôi chim ở gần thị trấn Ba Sao. Chủ hộ là người quen của anh P, cho biết mới chuyển nghề cách đây bốn năm, ban đầu chỉ nuôi chim cút, sau thấy nhu cầu “chim nhậu” cao quá mới mở rộng mặt hàng sang nuôi chim sẻ và một số loại chim quý khác.
“Em để cho bác hơn trăm con vành khuyên, hơn trăm chim câu, bác bắt lúc nào cũng được. Tuần trước có khách Hà Nội đòi mua hết nhưng em không dám bán, đã hứa với bác rồi”, anh S., chủ trang trại chim giải thích.
Từng lồng bồ câu chuẩn bị được phóng sinh
Ban đầu tôi còn tưởng mình nghe nhầm, sau anh S. khẳng định chính xác là bây giờ trên thị trường chim phóng sinh, vành khuyên cũng đã trở thành một mặt hàng phổ biến, có điều phân khúc giá hơi cao mà thôi. Vành khuyên “chợ” (tức là chưa tuyển) khoảng100 ngàn một con, vành khuyên “tuyển” giá gấp đôi, thậm chí gấp ba nhưng cũng không có để bán. Theo anh S. vành khuyên khó gây giống và chăm sóc hơn chim sẻ nhưng vì nhu cầu thị trường cao nên sắp tới anh sẽ mở rộng trang trại theo hướng “chim tuyển”.
Ở chỗ anh S. còn có rất nhiều bồ câu trắng chuyên dành để bán cho người phóng sinh, giá trung bình một cặp bồ câu là 200.000- 300.000đ.
Chuyến ấy đi về, đại gia P. chốt mua 101 con vành khuyên và 50 cặp bồ câu để đến 13/7 âm lịch thì chuyển lên Hà Nội phóng sinh. Chị T. khuyên tôi nên lấy số vành khuyên với chim câu còn lại vì chả mấy khi gặp hàng tốt, tôi phải lấy cớ “hỏi lại thầy và chốt số lượng cho hợp tuổi” mới giãn được thương vụ mua bán này. Ngay sau đó, một chị khác trong đoàn mua toàn bộ số chim quý của anh S. Anh này xoa tay cười bảo: năm nay không ngờ thị trường đón nhận tốt thế, đầu tháng đã cháy hàng, sang năm anh phải chuẩn bị lượng chim gấp đôi để không khách nào phải tay không ra về.
Chim phóng sinh tập kết trong chùa chuẩn bị nhận nhiệm vụ tạo phước. Ảnh: Giang Ca
Anh S. không phải là hộ duy nhất ở Kim Bảng chuyên nuôi chim quý để phóng sinh. Thấy công việc này ăn nên làm ra, hiện một số hộ xung quanh cũng đang chuẩn bị chuồng trại để kinh doanh. Tại Bắc Ninh, cũng có nhiều hộ chuyên nuôi chim quý để phục vụ các đại gia phóng sinh cầu phước.
Chị T. nói riêng với tôi, nếu mua chim ở ngay trang trại thì được giá mềm hơn, chim cũng khỏe, chứ mua qua trung gian, thương lái thì không biết thế nào. Chị V. trưởng nhóm nói xen vào: vì tụi chị làm việc này quen rồi nên cứ mua thẳng từ trang trại, chim, cá, rùa, ốc đều tươi, khỏe. Mình làm phúc cũng phải đến nơi đến chốn em ạ!
Phóng sinh có thực cầu được phúc?
Nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Thế Hiên khẳng định: “Mua vật phóng sinh theo phong trào, không hiểu rõ nghi lễ phóng sinh thì còn tạo nghiệp chứ không phải tạo phước. Trong sách “Liệt Tử – Thuyết phù”, Liệt Tử (một nhân vật tiêu biểu của Đạo gia) viết rằng: “Người dân Hàm Đan, vào một ngày tháng giêng bắt được con tu hú tặng cho Giản Tử. Giản Tử rất vui, hậu thưởng cho anh ta. Khách hỏi nguyên do, Giản Tử nói: “Tháng giêng phóng sinh là bày tỏ ân đức đó”.
Khách nói: “Dân biết ngài muốn phóng sinh, sẽ tranh nhau bắt, chim thú chết sẽ rất nhiều, nếu ngài muốn chim thú sống, hãy cấm dân bắt, bắt rồi phóng sinh, ân đức không bù nổi tội lỗi đâu”, Giản Tử khen: “Hay”.
Thượng tọa Thích Nhật Từ cũng giải thích về nhân quả trong việc phóng sinh như sau: “Nhiều Phật tử có khuynh hướng mua chim cá để thả và mong cầu phước báu, tuổi thọ, bình an, phú quý về cho gia đình. Việc làm đó cũng có giá trị nhưng không thiết thực, việc phóng sinh không nên đặt mà hãy làm một cách tự nhiên. Chẳng hạn khi chúng ta đi và phát hiện đâu đó có sự giam cầm chim lồng cá chậu, cảm nhận nỗi đau mất tự do của các chủng loại này, chúng ta phát lòng từ bi và gieo hạt giống, mở cửa cho chúng trở về trời xanh, trở về biển cả, sông ngòi, đó là việc làm ý nghĩa. Còn đặt hàng chim cá để phóng sinh với mưu cầu hạnh phúc cho bản thân lại không có giá trị”.
Câu chuyện của sư Năng
Mấy năm trước, tôi có dịp gặp sư Năng (lúc đó đang tu hành tại chùa Trích Sài, Hà Nội), nhân vật được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lấy cảm hứng để sáng tạo ra “sư Tịnh” trong tác phẩm “Chăn trâu cắt cỏ”. Trong câu chuyện của sư Năng có nhiều chi tiết giống với nguyên mẫu.
Nói về chuyện phóng sinh, sư Năng bảo: “tôi không bao giờ khuyên Phật tử mua chim cua cá ốc về phóng sinh. Phóng sinh như thế chỉ là mê chấp ngoài hình tướng, không có ý nghĩa gì cả. Phật dạy không nên cầu phúc hữu lậu. Lấy việc phóng sinh để cầu phúc báo thì tuy có phúc mà vẫn đau khổ, bị trói buộc vào danh, lợi, tình. Đạo Phật chỉ dạy người ta sống theo đúng luật nhân quả và giữ giới, thì sẽ tránh được cái ác, tránh tạo nghiệp”.
Tôi hỏi, nếu người ta có nhu cầu “làm việc thiện, tạo phước lành” thì sao, sư Năng bảo: “Thay vì phóng sinh, ăn ít thịt đi. Thay vì dùng tiền mua cá, mua chim, dành tiền ấy mà giúp người cơ khổ”. |
Đạt Nhi - Theo Tiền Phong